Sẵn sàng chiến đấu giành lại sự sống cho người dân giữa lằn ranh sinh tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Lao vào lằn ranh sinh tử để đưa nhiều người thoát khỏi lưỡi hái của “tử thần”. Đó không chỉ là nhiệm vụ thiêng liêng mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, thôi thúc mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CHCN) trên sông, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN, CATP Hà Nội không quản ngại gian khổ, hy sinh, dấn thân vì sự bình yên cuộc sống của nhân dân.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông kịp thời cứu nam sinh nhảy cầu Long Biên, ngày 2-7-2024

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông kịp thời cứu nam sinh nhảy cầu Long Biên, ngày 2-7-2024

Những chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ quả cảm…

Khoảng 10h15 ngày 2-7-2024, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông nhận tin báo từ Trung tâm thông tin chỉ huy, Công an thành phố có một nam sinh nhảy cầu Long Biên. Ngay lập tức, đơn vị đã xuất một ca nô cùng cán bộ chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường. Thời điểm này, nam sinh đã trôi dạt đến khu vực hạ lưu gần cầu Vĩnh Tuy, đang chấp chới giữa dòng nước ở giữa sông Hồng. Thượng úy Lê Văn Biển, người trực tiếp lao xuống sông cứu nam sinh chia sẻ: Khi chúng tôi đến nơi, nam sinh đã rất yếu, mắt lờ đờ, chấp chới giữa dòng nước. Nếu chúng tôi đến chậm vài phút thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Sau khi cứu được nam sinh lên bờ, chúng tôi đưa nạn nhân đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nhờ cứu vớt và cấp cứu kịp thời nên nam sinh không ảnh hưởng đến tính mạng.

Trước đó vào 10h ngày 17-3-2024, nhận tin báo từ Trung tâm thông tin chỉ huy 114 có người nhảy cầu tự tử ở cầu Vĩnh Tuy, đơn vị cũng nhanh chóng triển khai đội hình cùng phương tiện đến hiện trường, kịp thời cứu được nạn nhân. Tiếp đó vào khoảng 3h8 phút ngày 23-9-2024, đơn vị cũng kịp thời cứu được một nạn nhân nhảy cầu Nhật Tân.

Đây chỉ là số ít trong nhiều chiến công giành lại sự sống cho người dân ngay trên miệng “tử thần” mà cán bộ, chiến sĩ Đội PCCC&CHCN trên sông thực hiện trong nhiều năm qua. Theo chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Tiến Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CHCN trên sông: Trong 11 tháng năm 2024, đơn vị đã tiếp nhận 90 tin báo cứu nạn cứu hộ (nhảy cầu 58 vụ, đuối nước 19 vụ, xác nổi 10 vụ, khác 3 vụ) trong đó trực tiếp đến hiện trường 90 vụ, cứu được 11 người, tìm thấy 26 thi thể, bàn giao cho lực lượng chức năng tiếp tục giải quyết. Những con số ấy đã nói lên sự nỗ lực không mệt mỏi của những chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ quả cảm giành giật sự sống cho nạn nhân từ tay tử thần.

Đặc biệt trong cơn bão Yagi quét qua thành phố vào tháng 9 vừa qua, đối mặt với hiểm nguy của trận đại hồng thủy, những chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CHCN trên sông vẫn băng mình qua dòng lũ dữ để tiếp tế cho người dân bị cô lập tại xã Trung Giã, Sóc Sơn khi nước sông Cầu, sông Cà Lồ dâng nhanh. Việc làm này nhận được nhiều lời khen ngợi và cảm phục của người dân. Với tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông đã nỗ lực hết mình hỗ trợ giúp đỡ người dân chống bão và khắc phục hậu quả sau cơn bão Yagi. Trong cơn bão số 3 vừa qua, đơn vị đã triển khai lực lượng cứu nạn 9 người đưa vào bờ an toàn.

Là một trong những chiến sĩ trực tiếp ứng cứu vụ xà lan lật trong cơn bão Yagi, Đại úy Đinh Văn Quang, người được các đồng đội coi là lính “thiện xạ”, siêu cả trên cạn và giỏi lặn dưới nước nhớ lại: Ngay sau khi nhận tin báo có vụ xà lan lật trên sông Hồng, đoạn thuộc huyện Phú Xuyên, giáp Hà Nam, đơn vị đã xuất một ca-nô cùng 3 chiến sĩ đến hiện trường. Khi ấy, gió rất to, mưa rát mặt, sóng đánh mạnh, chiếc ca nô cứ chồm lên lại lao xuống, lúc đó tôi đã nghĩ không biết có đến được hiện trường không hay lại bị “quăng” xuống sông Hồng. May mắn là sau một thời gian vật lộn trong cơn bão, cuối cùng chúng tôi cũng kịp đến hiện trường, cứu được 2 nạn nhân.

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông đưa người dân xã Trung Giã, Sóc Sơn mắc kẹt trong nhà khi nước sông Cầu, sông Cà Lồ dâng nhanh trong cơn bão Yagi

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông đưa người dân xã Trung Giã, Sóc Sơn mắc kẹt trong nhà khi nước sông Cầu, sông Cà Lồ dâng nhanh trong cơn bão Yagi

Chạy đua cùng thời gian để cứu người bị nạn

Đội PCCC&CHCN trên sông thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN, CATP Hà Nội được thành lập cuối năm 2017. Bất kể ngày nghỉ hay lễ, Tết, quân số ở đây luôn duy trì trực 100%, trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Công việc của các anh là tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các vụ tai nạn, sự cố trên sông, hồ. Đó có thể là công tác phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm tang vật vụ án hay các tình huống cháy nổ, thậm chí là các vụ nhảy cầu, đuối nước. Có không ít vụ việc, cán bộ chiến sĩ không chỉ là người lính cứu nạn cứu hộ, mà còn thêm vai trò bác sĩ tâm lý để động viên vỗ về người bị nạn trấn tĩnh trở lại.

Xác định “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, công việc hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ nơi đây là không ngừng luyện tập. Đầu tiên là các bài tập thể lực, từ cơ bản đến chuyên sâu, sau đó là các bài tập dưới nước như kỹ thuật bơi, lặn, triển khai đội hình. Các anh cũng phải thực hiện tại nhiều đoạn sông, nhánh sông khác nhau nhằm làm quen với dòng chảy, địa hình để ứng phó tốt nhất các tình huống có thể xảy ra trong thực tế…

Thiếu tá Nguyễn Tiến Thanh cho biết, môi trường sông nước nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất trắc, khi lặn xuống một độ sâu nhất định thì xung quanh tối tăm, mù mịt. Việc mò mẫm dưới đáy sông sâu khiến những người lính cứu nạn, cứu hộ có thể dẫm phải thủy tinh, gai nhọn, móc câu hoặc không may tuột mặt nạ dưỡng khí sẽ vô cùng nguy hiểm. Đó là chưa kể khi lặn xuống sâu, áp lực nước lớn, gây khó thở, ù tai, buốt nhói. Vào những ngày mùa đông rét buốt, công tác cứu hộ cứu nạn trên sông sẽ còn vất vả, gian nan hơn. Bởi vậy, những người lính cứu nạn, cứu hộ trên sông phải thường xuyên luyện tập, thành thạo các kỹ năng thoát nạn, các bước sơ, cấp cứu ban đầu.

Đặc thù công việc của các cán bộ, chiến sĩ PCCC&CHCN trên sông là không có giờ giấc. Dù ở bất kỳ đâu, đêm hay ngày, nắng hay mưa, nhận được lệnh lập tức lên đường, chạy đua cùng thời gian để cứu người bị nạn. Những ngày Tết cận kề, khi mọi người quây quần, sum họp bên gia đình trong thời khắc Giao thừa chuyển giao năm cũ sang năm mới thì các anh vẫn ứng trực ở đơn vị, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. Ở một đơn vị chiến đấu, Đại úy Đinh Văn Quang đã rất quen việc đón Giao thừa ở đơn vị bày tỏ: “Đã là người lính cứu nạn cứu hộ thì xác định phải vất vả, gian truân. Nhưng niềm vui bù lại là khi cứu sống được các nạn nhân hay tìm được tang vật trong các vụ án. Vì vậy nên nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn nghề Cảnh sát PCCC&CNCH”.

Có lẽ đến bây giờ, các anh không nhớ hết đã cứu được bao nhiêu người gặp nạn trên sông, vớt được bao nhiêu xác nạn nhân, tìm được bao nhiêu tang vật vụ án nhưng lần nào cũng nỗ lực hết sức, chạy đua với thời gian, chạy đua cùng tử thần, hà bá để giành giật sự sống. Và trong nhiều trải nghiệm ấy, mỗi lần tìm thấy thi thể là thêm một ám ảnh, một nỗi buồn, sự tiếc nuối, thậm chí là cảm giác bất lực vì đã không cứu được nạn nhân. Những nỗ lực của cả một tập thể không quản ngại hiểm nguy, gian khó với mong muốn duy nhất là cứu người, góp phần xoa dịu những đau thương mất mát của các gia đình có người bị nạn - đó cũng là động lực để các anh gắn bó và yêu nghề hơn!