Sân khấu Việt mất bao lâu để hồi phục sau đại dịch Covid-19

ANTD.VN - Sau đợt cách ly toàn xã hội khép lại, sân khấu lại “sáng đèn”. Dẫu vậy, những khó khăn vốn đã đong đầy nay lại càng thêm chồng chất và phải có thời gian để các đơn vị nghệ thuật tư nhân và công lập lấy đà trở lại.

Tâm trạng chung của các "ông bầu", "bà bầu" của sân khấu tư nhân, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ là sự hồ hởi rất khó nói lên lời, khi sân khấu được phép mở cửa trở lại sau thời gian “ngủ xuân” kéo dài tới gần 3 tháng. Đi cùng với sự hưng phấn, vui vẻ này còn là nỗi lo, bao giờ sân khấu mới có khán giả.

Thông tin từ Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, doanh thu của đơn vị này sụt giảm nghiêm trọng, chưa bằng thời điểm cùng kỳ của năm 2019. Giờ đây, khi đã hết giãn cách xã hội nhưng lượng khán giả chủ yếu là thiếu nhi, còn đang đi học bù nên phụ huynh không hào hứng cho con đi xem biểu diễn.

Một cảnh trong vở kịch nói "Thành phố lặng im" do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng

Cùng quan điểm, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, thời điểm mùa lễ hội là thời điểm thuận lợi cho các nghệ sĩ nghệ thuật Tuồng biểu diễn nhưng do ảnh hưởng của đại dịch nên năm nay gần như không có biểu diễn. Dù đã hết giãn cách xã hội nhưng thời gian an toàn để khán giả đến rạp cũng phải tầm tháng 8, 9.

NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam lo lắng khi vấn đề khó khăn mà các nhà hát phải đối mặt chính là tài chính. Anh mong muốn, Bộ VH-TT & DL sẽ có chương trình đầu tư những vở diễn, nhóm vở diễn đặc sắc và cùng các nhà hát quảng bá.

"Có rất nhiều chương trình, tác phẩm hay, đặc sắc và hoàn toàn giúp các nghệ sĩ được làm việc, khán giả có thể được xem chương trình chất lượng nếu Bộ VH-TT&DL hỗ trợ kinh phí tổ chức biểu diễn. Các nhà hát cần liên kết lại và xây dựng một kênh online quảng bá hình ảnh nghệ thuật của khối nhà hát thuộc Bộ", NSƯT Xuân Bắc nhận định.

Cùng trong tâm trạng này, các ông bầu, bà bầu của sân khấu miền Nam cũng bày tỏ sự lo lắng khi sân khấu mở cửa trở lại. Sân khấu Hồng Vân, sân khấu Trịnh Kim Chi đóng cửa suốt thời gian vừa qua cũng đang chờ tình hình để triển khai các vở diễn mới. Còn hiện nay, cả thầy và trò đang bắt tay vào công cuộc dọn dẹp lại rạp hát và tập lại các vở diễn cũ để không quên nghề.

Một vở do sân khấu tư nhân Lệ Ngọc dàn dựng

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng không có nghĩa, sân khấu ở 2 miền Nam-Bắc không có những động thái tích cực. Sân khấu tư nhân Lệ Ngọc ở Hà Nội cũng đã bắt tay vào dàn dựng vở diễn mới để tham gia Liên hoan sân khấu Hình tượng người chiến sĩ CAND. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng sẽ khởi công vở “Nữ cảnh sát”, tác giả Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Hoàng Lâm Tùng.

Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ “sáng đèn” từ ngày 20-5 này bằng 2 chương trình thiếu nhi nhân dịp 1-6, gồm vở kịch thiếu nhi của Nga mang tên Hai cây phong (đạo diễn Như Lai) và chương trình kịch ca nhạc tạp kỹ.

Ở miền Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đang bắt tay vào dàn dựng vở “Tướng cướp Bạch Hải Đường, đạo diễn Trần Ngọc Giàu dàn dựng. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ như Kim Tử Long, Lệ Thủy… đang lên kế hoạch cho sự trở lại của cá nhân tại các chương trình thiện nguyện và nghệ thuật dài hơi.

Những khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại sẽ từng bước được các đơn vị nghệ thuật tháo gỡ bằng cách này hay cách khác. Sự nỗ lực và quyết tâm của một tập thể sẽ được đền đáp và minh chứng bằng lượng khán giả đến với rạp hát. Do vậy, dù chỉ là một động thái nhỏ nhưng sự rục rịch, động đậy của các đơn vị nghệ thuật cũng cho thấy họ đang mong muốn lôi kéo khán giả đến sàn diễn nhường nào. Có một điều chắc chắn rằng, sân khấu không thể hồi phục trong một sớm một chiều mà cần có thời gian để các nhà hát lấy lại đà bước tiếp.