Sân khấu thiếu nhi "lỡ hẹn" với khán giả ở thời điểm "vàng" của năm

ANTD.VN -Trái ngược với không khí rộn ràng thường thấy của sân khấu thiếu nhi vào dịp hè, đặc biệt là ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, năm nay, các nhà hát đành lỡ hẹn với các khán giả nhỏ tuổi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Các nhà hát đều đã đóng cửa để đảm bảo công tác phòng dịch. Đằng sau sự tĩnh lặng và có phần ảm đạm ấy là những trăn trở, tâm huyết của đội ngũ làm nghề đã lên kế hoạch dàn dựng chương trình cho thiếu nhi từ nhiều tháng qua, để đón các sự kiện như dịp 30.4 và 1.5, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 và Tết Trung thu. Nhưng rồi mọi nỗ lực chuẩn bị và tập luyện đành phải "để dành", chờ ngày thiết lập trạng thái bình thường mới có thể công diễn.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam có 2 chương trình được dàn dựng khá công phu. Một chương trình của 4 đạo diễn trẻ dàn dựng mang tên Biệt đội anh hùng và một chương trình đặc biệt của riêng các tiết mục xiếc thú với chủ đề rừng và muông thú. Chỉ tính riêng việc xây dựng một chương trình dài hơi với một loạt các tiết mục xiếc thú được nghệ sĩ tập luyện hàng năm trời con thú mới có thể thuần phục và ra biểu diễn cũng đã đủ thấy sự kì công ra sao của nghệ sĩ xiếc. Lần này sẽ có rất nhiều các con vật nuôi trong gia đình tham gia như lợn, trâu, mèo, ngựa, vẹt, dê… Thậm chí để thích ứng với việc hạn chế động vật hoang dã lên sân khấu biểu diễn, các nghệ xiếc còn phải “đội lốt” các con thú to như hổ, gấu, khỉ... để tạo sự đa dạng, hấp dẫn cho chương trình.

Vở "Bầy chim thiên nga" của Nhà hát Tuổi trẻ được dàn dựng rất công phu

Vở "Bầy chim thiên nga" của Nhà hát Tuổi trẻ được dàn dựng rất công phu

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam ngậm ngùi: “Khâu tổ chức biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã lên kế hoạch với nhiều suất diễn liên tục trong dịp này, vậy mà giờ chúng tôi đành phải ra thông báo huỷ, hoãn và không biết đến bao giờ rạp xiếc mới được sáng đèn. Tuy ngừng biểu diễn nhưng nghệ sĩ xiếc vẫn phải luôn tập luyện hàng ngày, các con thú vẫn cần phải nuôi dạy để chúng thuần thục. Nóng sàn tập nhưng thu nhập của nghệ sĩ lại không có, đây là nỗi lo lắng vô cùng của ban giám đốc”.

NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết, nhà hát đã xây dựng 2 chương trình nghệ thuật đặc sắc dành riêng cho thiếu nhi đó là Bầy chim thiên ngaCuộc chiến Virus, được đầu tư công phu nhưng chưa diễn được suất nào phục vụ khán giả. Trong khi đó, dịp lễ Quốc tế thiếu nhi 1-6, mấy tháng hè, Tết Trung thu mọi năm là những mùa cao điểm diễn dành cho đối tượng khán giả nhỏ tuổi. Thông thường, vào thời điểm này, con ngõ nhỏ vào Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam trên đường Ngô Thì Nhậm tấp nập diễn viên, khán giả ra vào. Nhà hát thường phải chia thành 2 lối nhỏ, đủ để mọi người đi thành 2 hàng, ra vào cho thuận tiện. Có ngày cao điểm, nhà hát diễn phục vụ 5-6 suất diễn.

Không chỉ diễn tại Hà Nội, nhà hát Tuổi trẻ còn lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài bán vé trực tiếp đến khán giả, có những chương trình của nhà hát được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đồng hành trong nhiều năm và đã có rất nhiều suất diễn miễn phí phục vụ thiếu nhi. Điển hình, năm 2020, qua dự án “Bay lên những ước mơ”, nhà hát đã dàn dựng được nhiều chương trình nghệ thuật thú vị và đặc biệt là dành tặng hàng ngàn vé xem chương trình cho con em các y bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện Hà Nội để tri ân những người ở tuyến đầu chống dịch...

Các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam tích cực tập luyện cho vở diễn mới

Các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam tích cực tập luyện cho vở diễn mới

Còn Nhà hát Múa rối Việt Nam thì dựng lại vở "Chiếc rìu vàng", một vở hay trong kịch mục trước đây của Nhà hát từ năm 1986. Vở diễn được xây dựng với sự kết hợp mới mẻ giữa hai loại hình múa rối nước và múa rối cạn và mang nhiều yếu tố đương đại và thay đổi ngôn ngữ, tình tiết cho phù hợp với khán giả hôm nay. Tiếc là, do dịch bệnh, vở diễn cũng đành lỡ hẹn với khán giả "nhí".

Ở thời điểm "vàng" của năm mà sân khấu lại đành "đóng cửa" đương nhiên đã kéo theo những tâm tư của Ban giám đốc và đông đảo các nghệ sĩ với những lo lắng thường trực về đời sống "cơm áo gạo tiền", về hướng đi cho sân khấu trong mùa dịch với những thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề để lại. Sân khấu cần khán giả để có nguồn thu và để mang lại cảm xúc cho nghệ sĩ trên sàn diễn. Chính vì thế, sân khấu càng đông càng vui. Còn việc "đóng cửa" yên ắng hiện nay thực là nỗi lo của người làm nghề và rất cần những giải pháp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm triển khai trong thực tế để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn hiện nay của sân khấu công lập.