Sân khấu cũng thích... giật gân

ANTĐ - Liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sỹ CAND” lần thứ III-2015 vừa qua đi. Bên cạnh những tác phẩm nhân văn, đề cao và hướng tới tính thiện thì cũng còn một vài những tác phẩm khai thác “mạnh tay” các tình tiết vụ án có thật, giết người đốt xác… Những cảnh đó được tái hiện quá thật trên sân khấu đã gây phản cảm cho người  xem. 
Sân khấu cũng thích... giật gân ảnh 1

Vở kịch “Phía sau tội ác” - Nhà hát sân khấu nhỏ TP.HCM sẽ trọn vẹn hơn nếu lược bớt một vài yếu tố kinh dị 

Bạo lực tái hiện trên sân khấu

Liên hoan sân khấu nhằm khắc họa hình tượng người chiến sỹ công an, vì thế các đoàn nghệ thuật đã thể hiện bằng các vở diễn đa dạng về nội dung và hình thức. Trong đó, có thể kể đến các tác phẩm khai thác từ các vụ án nổi cộm thời gian qua. Hướng khai thác này được các đoàn nghệ thuật sử dụng trong suốt 3 kỳ liên hoan nhưng lần này thì trở thành “điểm nóng” với sự xuất hiện của phần nhiều yếu tố kinh dị.

Ở đó, hình ảnh và sự hy sinh thầm lặng, bản lĩnh và sự mưu trí của người chiến sỹ được thể hiện rõ nét. Điểm qua một số vở diễn, chẳng khó để nhận thấy yếu tố giật gân câu khách được sử dụng mạnh tay, gây sự tò mò với khán giả ngay từ khi vở chưa công diễn. Vở diễn “Kẻ máu lạnh” (sân khấu Cinema Sao Minh Béo), vở kịch kinh dị duy nhất tham dự liên hoan lần này được Ban tổ chức sắp lịch diễn cuối cùng nhưng lượng khán giả theo dõi đêm diễn lại đông nhất. 

Đúng như lời quảng cáo trước khi công diễn, âm nhạc ma quái, diễn suất nhập thần của diễn viên đã dọa được những người yếu bóng vía. Trong đó, cảnh giết người bằng dao mổ lợn rồi chặt xác thành nhiều mảnh, lấy đầu chôn xuống đất, cắm hoa lên với lời nguyền tái sinh cho xác chết được tái hiện quá “đậm đà” đã đẩy mục đích tốt đẹp ban đầu của vở kịch là ca ngợi hình tượng người chiến sỹ công an trở nên mờ nhạt.

Chưa kể, một tác phẩm sân khấu khi công diễn trước hàng trăm khán giả sẽ tác động tới đại chúng, khuếch đại tính bạo lực đi xa hơn.  Biết đâu trong sự vô tình, vở kịch lại cổ vũ cho cái ác có cơ hội phát triển. PGS.TS Tất Thắng - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan sân khấu lần này nhận xét: “Cảnh giết người bằng dao mổ lợn chưa từng xuất hiện trên sân khấu thế giới. Hành động tự nhiên chủ nghĩa của đạo diễn và êkíp thực hiện đã kéo sân khấu sang phía bạo lực”. 

Sân khấu cũng thích... giật gân ảnh 2

Cảnh chặt xác, phân thành nhiều khúc được tái hiện trần trụi trên sân khấu 

“Thêm mắm, thêm muối” để hút khách

Ở một vở kịch khác là “Phía sau tội ác” của Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM, dù từ đầu tới cuối, vở kịch mang thông điệp về xóa bỏ hận thù, đừng làm dịu nỗi đau của mình bằng nỗi đau của người khác. Cũng từ đầu tới cuối, các diễn viên đã làm tròn vai trong diễn biến của một vụ trộm chó. Thế nhưng, việc gia giảm thêm yếu tố kinh dị bằng việc tái hiện một vụ đốt xác trên sân khấu quá trần trụi lại là điểm trừ của vở diễn.

Thêm một chút yếu tố kinh dị, có lẽ là phần “thêm mắm, thêm muối” để hút khách, nhưng có cần thiết phải diễn tả tỉ mỉ và hiện thực đến độ hãi hùng như vậy? Thiết nghĩ, tự thân sự hấp dẫn đến từ câu chuyện, diễn xuất có hồn của diễn viên… cũng đã đủ để khán giả khóc, cười với vở diễn. Biện minh cho “hạt sạn” trong lối dàn dựng, nghệ sỹ Minh Béo cho biết: “Dựng vở về công an mà chỉ diễn toàn tình tiết không thì chưa đủ. Tôi cho cả ảo thuật, ca nhạc, kinh dị vào vở để tạo thành một tác phẩm có đủ bi-hài-kinh dị”. 

Suy nghĩ này của MC “Lục lạc vàng” hoàn toàn đúng, nhưng vấn đề nằm ở liều lượng kinh dị đến đâu để tác phẩm không đi chệch hướng, vẫn luôn nằm trong sự sáng tạo và tài khéo léo của đạo diễn và ê kíp thực hiện. Sự ám ảnh và tính giải trí nhảm nhí chỉ cách nhau một làn ranh mỏng manh. Thêm một chút kinh dị nếu không khéo lại làm hỏng cả một bữa tiệc thịnh soạn. Sân khấu luôn song hành cùng giá trị chân thiện mỹ.

Yếu tố bạo lực kinh dị được khai thác quá mức đã làm mất đi tính căn bản của nền kịch nghệ Việt Nam. Đây là điểm cần được “chỉ mặt đặt tên” để mong rằng, 5 năm nữa, một kỳ hội diễn sân khấu Công an nhân dân được mở ra, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều vở diễn hay hơn, hấp dẫn ở một đề tài có biên độ mở rộng cực đại cho sự sáng tạo của các tác giả, đạo diễn và diễn viên.