Sân Hàng Đẫy ngày ấy và bây giờ

ANTD.VN - Dù nhiều người vẫn nói tới Sân vận động Mỹ Đình như một biểu tượng của thời hiện đại, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng Sân vận động Hàng Đẫy mới chính là “thánh đường bóng đá” không chỉ của người dân Hà Nội, mà còn của cả miền Bắc một thời. Nhắc đến Hàng Đẫy là người ta nhắc đến một sân đấu huyền thoại, chứa đựng bao câu chuyện lịch sử còn giá trị đến mãi về sau.

Ký ức từ bãi bóng đá SEPTO

Đi ngược dòng lịch sử, sân Hàng Đẫy trước kia vốn là một bãi đất rộng 3ha thuộc  “Hội Thể dục Bắc Kỳ” (Société d’ Education Physique du Tonkin, viết tắt là SEPTO), có tiền thân là trường Thể dục Hà Nội (Société d’ Education Physique-EDEP). Mục đích ra đời của sân (năm 1934) là để khuyến khích thanh thiếu niên Hà Nội tập luyện thể dục thể thao (TDTT) theo lời kêu gọi “không để cho thực dân Pháp coi thường người Việt Nam!”. Dù là sân vận động lớn nhất lúc bấy giờ, nhưng SEPTO là một quần thể với khán đài rộng chỉ 252m2, sức chứa 400 chỗ ngồi, với mặt sân gồ ghề và hoàn toàn không thể sử dụng mỗi khi trời mưa.

Đã nhiều lần trải qua các đợt cải tạo, nâng cấp lớn nhỏ, khoác lên mình tấm áo mới để phù hợp hơn với xu thế, nhưng Hàng Đẫy vẫn không tránh khỏi sự tụt hậu của tốc độ đô thị hóa và sự phát triển quá nhanh của bóng đá châu lục và thế giới. Đó là lý do mà một sân Hàng Đẫy hoàn toàn mới sẽ ra đời trong tương lai gần, trên chính mảnh đất hiện tại.

Sau Cách mạng Tháng Tám, SEPTO vẫn là địa điểm chính tổ chức các trận bóng đá, nhưng phải đến khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng (10-10-1954), sân Hàng Đẫy mới chính thức ra đời nhờ chủ trương của Chính phủ, xây một sân vận động  “đẹp, tốt, rộng, đúng quy cách hiện đại”. Khởi công vào ngày 16-2-1957, sau quãng thời gian thi công thần tốc, sân được khánh thành vào ngày 24-8-1958, với diện tích gần 21.900m2, bao bọc bởi tường cao có 14 cửa nhỏ và 3 cửa lớn.

Trái tim của Hàng Đẫy là sân bóng đá nằm chính giữa, xung quanh có đường chạy điền kinh, có sân bóng chuyền, bóng rổ... Khán đài xây theo hình lòng chảo có 20 bậc chứa khoảng 2,5 vạn người. Kể từ đó đến nay, sân Hàng Đẫy gần như không thay đổi về kiến trúc, chỉ trải qua nhiều đợt cải tạo, nâng cấp lớn nhỏ nhưng vẫn giữ nguyên được hình hài ban đầu.

Phối cảnh sân Hàng Đẫy mới nhìn từ ngã tư Cát Linh - Trịnh Hoài Đức

60 năm thăng trầm bóng đá Việt Nam

Trong 6 thập kỷ tồn tại, sân Hàng Đẫy tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn như các Đại hội TDTT toàn quốc; Đại hội TDTT Hà Nội; Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á 2006…, nhưng chỉ khi phục vụ cho bóng đá, Hàng Đẫy mới thực sự như một “thánh đường” của người Hà Nội, từ giải bóng đá Quân đội các nước XHCN SKDA trước đây, đến Tiger Cup 1998, thậm chí cả SEA Games 22 năm 2003 dù đã có Sân quốc gia Mỹ Đình.

Trong ký ức của những người yêu bóng đá, Tiger Cup 1998 là một hoài niệm không bao giờ quên. Chính sân Hàng Đẫy là nơi chứng kiến những Hồng Sơn, Việt Hoàng, Văn Sỹ Hùng… đại diện cho bóng đá Việt Nam đè bẹp đối thủ lớn Thái Lan 3-0, trong một trận đấu mà khán đài Hàng Đẫy không còn một chỗ trống. Đó là nơi bất kỳ ai cũng cảm nhận được sức nóng hừng hực của một “chảo lửa” sôi sục giữa lòng Thủ đô.

Và cũng chính nơi đây đã trải qua nỗi đau đầy bi tráng khi đội tuyển Việt Nam thất bại trước Singapore trong trận chung kết bởi cái lưng của Sasi Kumar. Giành Huy chương Bạc, một thành tích không nhỏ nếu so với trình độ trong khu vực lúc đó, nhưng nó vẫn là sự tiếc nuối chưa bao giờ nguôi ngoai với một thế hệ vàng của bóng đá nước nhà.

Theo lộ trình, sân Hàng Đẫy hiện tại được đập bỏ, khởi công xây mới hoàn toàn ngay sau khi V-League 2018 khép lại, tức vào quý IV năm nay.

Theo thiết kế, sân Hàng Đẫy mới có 4 tầng hầm, 2 tầng nổi và khán đài tạo thành quần thể văn hóa thể thao và dịch vụ, thay vì chỉ phục vụ cho thể thao. Sân dự kiến sẽ là điểm nhấn thú vị của Hà Nội nhờ vẻ đẹp lộng lẫy, hiện đại.

Sân Hàng Đẫy mới dự kiến có sức chứa khoảng 2 vạn khán giả (không tăng so với hiện tại), có mái che theo tiêu chuẩn FIFA. Đặc biệt, sân thi đấu bóng đá được đặt ở tầng nổi thứ 2, phía trên một loạt công trình dịch vụ, văn hoá hay hệ thống tầng hầm để xe...

Hàng Đẫy không chỉ là nơi các đội tuyển quốc gia thi đấu, mà còn là đại bản doanh của nhiều đội bóng lừng danh của Hà Nội một thời như: Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt, hay Thể Công và những Hòa Phát hay Hà Nội ACB… Những trận đấu được coi là “derby Thủ đô” của một thời giữa Công an Hà Nội và Thể Công luôn trong tình trạng “vé không có mà bán”. Đó thực sự là những món ăn tinh thần vô giá với người Hà Nội một thời. Bây giờ, khi thời thế đổi thay, người hâm mộ vẫn nhớ lại không khí của ngày xưa với những Hà Nội FC, Viettel hay Công an nhân dân, những đội “chủ nhà” luôn thi đấu với sứ mệnh và khát khao nuôi ngọn lửa đam mê trong lòng các CĐV.

Không chỉ phục vụ cho thể thao chuyên nghiệp, mà sân Hàng Đẫy còn nổi tiếng với các giải đấu phong trào. Đặc biệt trong số đó là Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội do Báo An ninh Thủ đô tổ chức. Suốt chiều dài 17 năm tuổi, hầu như tất cả các trận chung kết của giải đấu số 1 với giới học sinh cấp III trên địa bàn Hà Nội này đều được tổ chức ở đây, trong không khí tưng bừng lễ hội mà các thầy cô, các CĐV, các em học sinh và các đội bóng tạo ra. Những cầu thủ phong trào tuổi học sinh được thi đấu trên mặt cỏ sân Hàng Đẫy luôn coi đó là một dịp may hiếm có, một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời.

Trận chung kết Giải Bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo An ninh Thủ đô 2017 trên Sân vận đông Hàng Đẫy

Một biểu tượng mới của bóng đá Thủ đô

Đã nhiều lần trải qua các đợt cải tạo, nâng cấp lớn nhỏ, khoác lên mình tấm áo mới để phù hợp hơn với xu thế, nhưng Hàng Đẫy vẫn không tránh khỏi sự tụt hậu của tốc độ đô thị hóa và sự phát triển quá nhanh của bóng đá châu lục và thế giới. Rất nhiều lần các chuyên viên của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á hay Liên đoàn Bóng đá châu Á khi đi khảo sát sân để chuẩn bị cho những trận đấu quốc tế tại đây, đều không đánh giá cao cơ sở vật chất của sân Hàng Đẫy. Và hầu hết các trận đấu mang tính quốc tế đều phải đưa ra sân Mỹ Đình tổ chức.  

Đó là lý do mà một sân Hàng Đẫy hoàn toàn mới sẽ ra đời trong tương lai gần, trên chính mảnh đất hiện tại, khi Tập đoàn T&T và Tập đoàn Bouygues (Pháp) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển dự án nâng cấp mở rộng Sân vận động Hàng Đẫy. Tổng giá trị đầu tư của dự án nâng cấp, mở rộng sân Hàng Đẫy ước khoảng 250 triệu Euro (hơn 7.000 tỷ đồng), dự kiến kéo dài hơn 3 năm, bắt đầu từ cuối năm nay.

Trận chung kết Tiger Cup 1998

Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, sân Hàng Đẫy với dáng vóc mới, vẫn mang những nét truyền thống Hà Nội nghìn năm Thăng Long, nhưng sẽ gây ấn tượng  mạnh mẽ với kiến trúc hiện đại, văn minh. Và hơn cả, dù mang dáng vóc nào, thì sân Hàng Đẫy vẫn đã, đang và sẽ mãi là một sân khấu huyền thoại với những người mến mộ bóng đá.

Ông Nguyễn Quốc Hội (Chủ tịch CLB Hà Nội): Sân Hàng Đẫy sẽ mang diện mạo mới trong tương lai

Sân Hàng Đẫy ngày ấy và bây giờ ảnh 7

“Thời điểm này chúng tôi đang đi tới giai đoạn cuối là duyệt quy hoạch chi tiết để khởi động xây mới Sân vận động Hàng Đẫy vào năm 2019. Sân vận động mới sẽ mang diện mạo mới, quy mô và tầm vóc mới trong tương lai. Ngoài hạng mục, tiêu chí phục vụ thi đấu bóng đá chuyên nghiệp, sân còn có những tầng hầm, khu tiện ích để người dân không chỉ xem bóng đá và có thể vui chơi giải trí trong sân vận động mỗi dịp cuối tuần”.

Ông Nguyễn Huy Hinh (Chánh Văn phòng Liên đoàn Bóng đá Hà Nội):Cảm giác háo hức

Sân Hàng Đẫy ngày ấy và bây giờ ảnh 8

“Có thể nói cuộc đời tôi gắn liền với sân Hàng Đẫy, trên cả cương vị một người làm thể thao của Hà Nội lẫn vai trò bình luận viên rồi “MC” các trận đấu diễn ra tại đây suốt hơn 40 năm qua. Từ chỗ chỉ là bãi đất trống rồi nâng cấp vào năm 1985, sân Hàng Đẫy chính thức được xây mới năm 1995 và đưa vào sử dụng, khai thác cho tới bây giờ. Qua mỗi giai đoạn lịch sử, sân bóng trung tâm Thủ đô này lại khoác lên mình tấm áo mới, khang trang và bề thế hơn. Khi nghe tin sân Hàng Đẫy sẽ được đối tác uy tín từ Pháp tư vấn thiết kế và xây mới với trị giá 250 triệu Euro, trong tôi rất nhiều cảm xúc. Xen giữa những kỷ niệm xa xưa, thời điều kiện cơ sở vật chất sân bóng còn sơ sài, là cảm giác háo hức, mong sớm được chứng kiến diện mạo mới của sân. Nó chắc hẳn sẽ là mô hình hoành tráng, hiện đại nhất trong lịch sử gần 100 năm tuổi của sân Hàng Đẫy và là niềm tự hào của bóng đá Hà Nội”.

Cựu cầu thủ Nguyễn Văn Nhã (Công an Hà Nội):Chắc sẽ đẹp hơn, hiện đại hơn

Sân Hàng Đẫy ngày ấy và bây giờ ảnh 9

“Hơn 10 năm làm cầu thủ, chừng đó thời gian làm HLV đội Công an Hà Nội, sân Hàng Đẫy như một phần tuổi trẻ của tôi cũng như các thành viên đội bóng. Những ký ức, kỷ niệm đẹp về sân bóng, về những trận đấu đáng nhớ trên “sân khấu bóng đá” này có lẽ kể cả ngày cũng chưa hết. Vì thế khi nghe tin sân sắp được xây mới, mấy anh em cựu cầu thủ như chúng tôi ít nhiều có chút tiếc nuối, tiếc vì không còn thấy được hình ảnh quen thuộc mình từng gắn bó, nhưng trên hết là niềm vui khi sân Hàng Đẫy tới đây chắc sẽ đẹp hơn, hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu tổ chức các trận đấu chuyên nghiệp cũng như phục vụ khán giả được tốt hơn”. 

Nghệ sĩ Chí Trung (Chủ tịch Hội cổ động viên CLB Hà Nội): Thói quen xem bóng đá mỗi giai đoạn một khác

Sân Hàng Đẫy ngày ấy và bây giờ ảnh 10

“Tôi là khán giả thân thuộc của sân Hàng Đẫy từ thời bao cấp và giờ là cổ động viên nhiệt thành của CLB Hà Nội. Thói quen xem bóng đá mỗi giai đoạn lịch sử mỗi khác, thời bao cấp người ta có thể chen chân đội nắng trên các khán đài tuềnh toàng để xem bóng đá nhưng nay bóng đá được xem như một sản phẩm và khán giả có quyền được chăm sóc, phục vụ chu đáo như một khách hàng khi đã bỏ tiền mua vé vào sân. Thời gian qua sân Hàng Đẫy đã nâng cấp ghế, cải tại mặt cỏ, các hạng mục phụ trợ và tới đây sẽ là xây mới với thiết kế hiện đại, tính tiện ích và giải trí cao hơn, xứng đáng là sân bóng đại diện cho một Thủ đô nghìn năm văn hiến. Tất cả không ngoài mục đích phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức bóng đá, giải trí của người dân và tôi tin diện mạo mới, khí thế mới của sân Hàng Đẫy sẽ kéo khán giả đến sân đông hơn”.

Thuần Thư