Sân chơi của những cây bút trẻ

(ANTĐ) - “Chào đời” vào ngày 26-2-2002, tính đến thời điểm hiện tại thì Tủ sách Tuổi mới lớn (TSTML) của NXB Kim Đồng đã có “thâm niên” hơn 5 năm. Người “đứng mũi chịu sào” từ những ngày đầu là nhà thơ Cao Xuân Sơn. Có thể nói, sự ra đời của TSTML đang góp phần tạo dựng một sân chơi văn học lành mạnh, bổ ích cho những cây bút trẻ.  

Sân chơi của những cây bút trẻ

(ANTĐ) - “Chào đời” vào ngày 26-2-2002, tính đến thời điểm hiện tại thì Tủ sách Tuổi mới lớn (TSTML) của NXB Kim Đồng đã có “thâm niên” hơn 5 năm. Người “đứng mũi chịu sào” từ những ngày đầu là nhà thơ Cao Xuân Sơn. Có thể nói, sự ra đời của TSTML đang góp phần tạo dựng một sân chơi văn học lành mạnh, bổ ích cho những cây bút trẻ.  

Mỏi mắt tìm sân chơi

Cách đây khoảng 10 năm, đó là thời gian “lên ngôi” của những cây bút học trò như Phan Hồn Nhiên, Bình Nguyên Trang, Hoàng Anh Tú... Nhiều tờ báo dành cho lứa tuổi mới lớn xuất hiện dày đặc: Mực Tím, Hoa Học Trò, Phượng Hồng, Nữ Sinh, áo Trắng... Vô hình trung, nó trở thành một sân chơi hết sức phong phú và đa dạng. Những cây bút thỏa sức “tung hoành” trên “mặt trận” văn chương học trò.

Dòng văn học này không hề “chết yểu”. Bằng chứng là cho đến tận bây giờ, “những người muôn năm cũ” ấy vẫn được nhiều người nhắc lại như là một kỷ niệm đẹp, mỗi người gắn với một tác phẩm để thương để nhớ trong lòng họ.

Họ, những “nhà văn” của học trò ngày đó có người giờ đã là kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ; chỉ còn số ít vẫn nặng nợ với văn chương nhưng phải sống bằng nhiều nghề khác nhau: làm báo, biên kịch...

Điều đó để thấy rằng, những cây bút của những năm 90 đã có những sân chơi thiết thực, phù hợp với lứa tuổi. Và đó chính là “sức mạnh” của văn chương học trò, mà trên hết vẫn là nhờ những sân chơi do chính văn chương tạo ra.

Nhà văn Nguyên Hương ký tặng sách bạn đọc trẻ
Nhà văn Nguyên Hương ký tặng sách bạn đọc trẻ

Bước vào thời kỳ công nghệ số, những là Games online, blog, chat, email... giới trẻ cũng bị cuốn vào. Niềm đam mê văn chương đã giảm đi rõ rệt. Dường như cụm từ “sách gối đầu giường” đã trở nên xa lạ! Người viết vốn hiếm hoi, hơn nữa viết ra để mỗi mình mình đọc thì cũng chẳng để làm gì.

Điều tất yếu đã xảy ra, những tờ báo học trò đành phải “nghỉ hưu non”. Những tờ báo muốn tồn tại, bắt buộc phải chuyển hướng đi. Sân chơi dành cho những người viết trẻ bỗng nhiên bị thu hẹp. Số ít thực sự đam mê văn chương đành phải bó buộc vào “gu” của tờ báo mà mình cộng tác.

Sự tự do sáng tạo không còn. Văn chương của những “nhà văn” học trò viết ra, chỉ đến được với số ít độc giả. Ngọn lửa hứng khởi trước những cuộc chơi chỉ còn cháy âm ỉ. Và chính cuộc sống hiện đại đã “đánh cắp” đi những sân chơi văn chương của giới trẻ.

Đứng trước thực trạng không mấy vui ấy thì TSTML ra đời. Đó thực sự là chiếc phao cứu sinh cho cả tác giả và độc giả học trò. Đúng như nhà thơ Cao Xuân Sơn từng nói: “TML chính là lứa tuổi cần văn chương nhất! ở tuổi này, các em có hàng nghìn thắc mắc mà khó có thể hỏi ai.

Thầy cô? Thôi thì “kính nhi viễn chi”! Các bậc phụ huynh? Có vẻ luôn “mài sắc tinh thần cảnh giác” cùng hai món... tuyệt chiêu răn đe và cấm đoán! Bạn bè ư? Trứng gà trứng vịt như nhau!

Đó là cơ hội của văn chương!” Đúng như vậy! Những cây bút trẻ tham gia vào TSTML, bên cạnh những ưu tiên, khích lệ kịp thời, còn có thể thoải mái viết những gì mình suy nghĩ, cảm nhận.

Sự ra đời của TSTML là cần thiết, nếu không muốn tâm hồn của những người mới lớn vất vưởng ở đâu đâu. Và lòng bao dung, tình nhân ái học được từ ông bà, bố mẹ chưa chắc đã “ngấm” bằng văn chương.

Những tín hiệu vui

TSTML ra đời, chẳng mấy chốc trở thành thương hiệu được các độc giả cả nước nồng nhiệt đón nhận. Đều đặn mỗi tuần, hai cuốn sách xinh xắn ra đời (một cuốn mới và một cuốn tái bản).

Trước đó, từ những ngày đầu thành lập chỉ phát hành 2 tuần/tập với số lượng từ 1500-2500 cuốn. Đây quả thực là một con số đáng nể. Bởi vì ngay như một tờ báo dành cho TML, mỗi tuần cũng chỉ có một tờ, xông xênh hơn thì 2 tờ.

Vậy nhưng, đây là một tủ sách văn học, lại “sống” trong thời buổi văn chương (thêm nữa đây là văn chương TML) không còn được chú ý như trước. Một tuần ra 2 cuốn, đó là một tín hiệu vui, mở ra một con đường đầy hoa và lá cho TSTML bước tiếp.

Vừa mới ra đời, TSTML đã tập hợp được đông đảo những cây bút khắp cả nước với đủ mọi độ tuổi, nghề nghiệp. Tủ sách hội tụ những nhà văn, nhà thơ, nhà giáo không còn tuổi mới lớn nhưng đầy tâm huyết với lứa tuổi này như Nguyễn Quang Sáng, Bùi Chí Vinh, Lưu Thị Lương... Trong đó, chiếm 80% là những cây bút trẻ hiện đang là học sinh, sinh viên trên cả nước.

Hầu hết họ đã có một số tác phẩm đăng báo hay đã đạt được những giải thưởng nhất định. Có lẽ, nhận thức được đây là sân chơi cho mình và do mình nên các cây bút trẻ đã tham gia rất nhiệt tình.

Có những cây bút đều đặn mỗi năm ra một tập như Võ Thu Hương, Huỳnh Tài, Hà Thanh Phúc, Nguyễn Thiên Ngân... Nơi đây cũng đang diễn ra một cuộc chuyển giao thế hệ: từ 7X, sang 8X, hiện tại đang là 9X. Sự xuất hiện rầm rộ của những cây bút mới toanh làm “văn đàn” của TML càng ngày càng nóng.

Họ còn rất trẻ, có thể điểm tên một số cây bút như: Nguyễn Thị Tuyết Liên (sinh 1989), Huỳnh Thị Bích Thủy (1989), Nguyễn Lưu Hồng Uyên (1988), Nguyễn Thị Yến Linh (1989), Nguyễn Thị Thu Hồng (1990)...  Trong đó, có nhiều cây bút rất đáng để chúng ta tin và hy vọng!

Tuy nhiên, hạn chế mà những cây bút TML gặp phải đó chính là vốn sống. Vì thế những tác phẩm của họ dễ dẫn đến nguy cơ lẫn lộn vào nhau. Điều đó rất khó tránh khỏi. Nhưng cũng không nên vì thế mà thiếu đi sự quan tâm về văn học dành cho đối tượng này.

Và cũng không nên quá kỳ vọng hay áp đặt vào những cây bút trẻ đang “chơi” trong sân TSTML. Hãy để họ chơi một cách tự nhiên, chắc chắn sẽ tìm ra những người thực sự có năng lực để đi tiếp chặng đường phía trước.

Hồ Huy Sơn