Săn bắn, xơi thịt thú rừng: Cấm ai? Ai cấm?

ANTĐ - Hoạt động buôn bán, tiêu thụ thịt thú rừng đang diễn ra dưới nhiều hình thức. Luật cấm nhưng nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống vẫn bày bán công khai.

Từ năm 1998- 2010, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã phát hiện 376 vụ vi phạm, tịch thu gần 8.000kg thịt thú rừng không rõ nguồn gốc. Các loài thú thường xuyên bị săn bắt với mục đích thương mại nhiều nhất là trút, các loài rắn, rùa, hổ, heo rừng... Thế nhưng, hoạt động buôn bán, tiêu thụ thịt thú rừng đang diễn ra dưới nhiều hình thức. Luật định đã cấm nhưng nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống vẫn bày bán công khai.

Nhiều lần công tác ở các huyện vùng cao, chúng tôi có điều kiện tìm hiểu đường dây buôn bán, tiêu thụ thịt thú rừng. Những nhà hàng, quán nhậu đặc sản thú rừng luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách bất cứ lúc nào. Phần lớn các đầu nậu cung cấp thịt rừng đều mở rộng thị trường xuống phố. Bởi, ở đây nhu cầu tiêu thụ rất mạnh. Cơ sở P.Ch. (ở TT Tân An, H. Hiệp Đức, Quảng Nam) chuyên buôn bán các loại thịt rừng sỉ, lẻ từ nhiều năm nay. Khách đến công tác, làm ăn thường ghé đây mua thịt thú rừng tại đây về thưởng thức hoặc “làm quà” biếu tặng.

Nếu là chỗ quen biết có thể đặt hàng trước, chủ cơ sở không ngần ngại chuyển đến đúng địa chỉ. Trong vai một doanh nghiệp, chúng tôi đến mua 5kg thịt heo rừng của cơ sở này mà không hề mặc cả. Tôi đặt vấn đề muốn mua thịt rừng với số lượng lớn làm tiệc đãi khách nhưng không dám vận chuyển về xuôi vì sợ kiểm lâm phát hiện, bà chủ liền bảo tôi cho địa chỉ cụ thể, cần bao nhiêu cũng có nhưng phải “đặt cọc” tiền trước hơn 1 tuần. Để khẳng định “uy tín” của mình, bà chủ quả quyết: “Ở đây có thịt nai, heo rừng bán thường ngày, còn cheo, chồn hương, nhím, sơn dương... muốn mua hàng phải đặt trước”.

Dù cam kết không vi phạm, nhưng nhiều nhà hàng tiếp tay cho việc tiêu thụ ĐVHD trái phép. Trong ảnh: Những thẩu rượu ngâm động vật quý hiếm được bày bán công khai.

Dù cam kết không vi phạm, nhưng nhiều nhà hàng tiếp tay cho việc tiêu thụ ĐVHD trái phép.
Trong ảnh: Những thẩu rượu ngâm động vật quý hiếm được bày bán công khai. 

Cũng theo quan sát thực tế của chúng tôi, hiện ở vùng đất “cao sơn ngọc quế”, những cơ sở buôn bán thịt thú rừng mọc lên như... nấm. Những năm gần đây, do xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh, các công trình phục vụ dân sinh, lượng người đến Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam) càng nhiều. Hệ lụy từ các dự án thủy điện là gần chục nghìn héc-ta đất rừng mất trắng, kéo theo đó là vùng sinh cảnh bị biến dạng, muông thú không còn chốn nương thân, vì thế giới thợ săn vô cùng thuận lợi trong nghề săn bắn.

Tại TT Trà My, có không dưới 3 cơ sở buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) khá lớn, chủ yếu là nhím, rắn, mang, chồn, nai... Tại nhà ông Bảy Tr., quán nhậu ông Đ... (TT Trà My) công khai bày bán thịt rừng từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có cơ quan nào nhắc nhở, xử lý. Các cơ sở này còn xây chuồng nhốt ĐVHD trong nhà để khách đến, muốn thưởng thức đặc sản nào thì tha hồ chọn.

Ở TT Núi Thành cũng nổi lên nhiều cơ sở kinh doanh thịt thú rừng, trong đó quán Đ.R. là “trung tâm” tiêu thụ thịt thú rừng lớn của huyện. Một số xã vùng tây của huyện quản lý diện tích rừng phòng hộ Phú Ninh, nơi còn đa dạng nhiều ĐVQH, đặc biệt là sự hiện diện của loài voọc chân xám ở xã Tam Mỹ Tây. Tuy nhiên, loài động vật này đang trên bờ tuyệt chủng bởi các cuộc truy lùng gay gắt của giới thợ săn và sự tiếp tay tiêu thụ của các nhà hàng, quán xá. Đó là chưa kể đường dây ngầm buôn bán ĐVHD quy mô lớn đã mở rộng trên khắp cả nước. Thực tế, số vụ tiêu thụ ĐVHD đã bị các cơ quan chặn đứng chỉ là phần nổi của một tảng băng.

Việc buôn bán thịt rừng theo xu hướng thương mại xuất hiện tràn lan.

Việc buôn bán thịt rừng theo xu hướng thương mại xuất hiện tràn lan. 

Theo khảo sát nhỏ của chúng tôi, có đến hơn 80% nhóm đối tượng “thưởng thức” thịt rừng lại là doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên chức Nhà nước. “Điểm danh” vài cơ sở công khai tiêu thụ thịt thú rừng ở một số địa phương để thấy rằng, sự trắng trợn trong kinh doanh, bất chấp những quy định pháp luật của người dân; cùng với đó là sự dễ dãi, buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng.

Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ĐVHD đều có bản cam kết không tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhưng thực tế không ít nhà hàng đã “bổ sung” thịt rừng vào thực đơn phục vụ nhu cầu của thượng đế. Đối tượng tiêu thụ sản phẩm thú rừng chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng một số loài ĐVHD quý hiếm.

Thời gian qua, Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản tăng cường trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân không được tổ chức săn bắt, mua bán, sử dụng trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD. Không được ăn uống các món ăn, sản phẩm từ ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn và các nơi khác.

Nếu vi phạm, coi đó là hành vi tiếp tay cho các phần tử săn bắt thú rừng trái phép và sẽ xử lý nghiêm. Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng này trong thời gian qua chưa thực sự nghiêm khắc. Thực tế, không ít nhà hàng đã kinh doanh sản phẩm thú rừng không rõ nguồn gốc, nhưng số vụ bị xử phạt rất hiếm hoi. Vậy nên nhiều người nói vui rằng ĐVHD ngày càng quý hiếm nên cũng rất hiếm những vụ bị phát hiện, xử phạt!

Ông Đặng Đình Nguyên - Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam khẳng định, ngành Kiểm lâm đã bắt buộc các nhà hàng phải cam kết không tiêu thụ thịt thú rừng không rõ nguồn gốc. “Ở miền núi, nghề săn bắn vẫn còn tồn tại trong đời sống của bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số. Biết đồng bào săn bắn là vi phạm pháp luật, nhưng lực lượng kiểm lâm chỉ xử lý những trường hợp săn bắn vì mục đích thương mại” - ông Nguyên phân trần. Trong khi đó, các nhà hàng, kinh doanh thịt thú rừng xét cho cùng là vì mục đích thương mại, nhưng hầu như cơ quan quản lý vẫn chưa làm hết chức trách của mình.

Theo điều tra của chúng tôi, các nhà hàng cạnh tranh kinh doanh sản phẩm thú rừng, bởi lợi nhuận đem lại khá cao. Thịt rừng luôn “sốt” giá vì bộ phận người dân, nhất là giới làm ăn quan niệm ăn thịt rừng để lấy... hên. Thêm vào đó, thịt rừng lại bổ, ngon miệng. Đến nay, ngành chức năng đã cấp 40 giấy phép hoạt động cho các trang trại nuôi ĐVHD. Đây chính là nguồn cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng, các điểm ăn uống. Tuy nhiên, bên cạnh con đường tiêu thụ hợp pháp này, không ít cơ sở kinh doanh sẵn sàng bao tiêu ĐVHD không rõ nguồn gốc, hay nói đúng hơn là bất hợp pháp.