Sám hối trước người đã vì mình mà chết

ANTĐ - Luật pháp của người trần mắt thịt còn có thể có sự linh hoạt, còn có kẽ hở để lách, chứ luật đời công bằng và khách quan lắm. Chẳng ai giàu lên bằng việc ăn cướp. Chẳng ai thoát tội khi giết người...

Một ngày Chủ nhật, tôi và một người bạn đến thăm anh. Vừa bước vào nhà, chúng tôi đã thấy mùi hương thơm và nghe thấy tiếng tụng kinh phát ra từ chiếc máy thu thanh có cài đặt sẵn, thường bán ở cổng các chùa. Lên tầng thượng, thấy cậu con trai 22 tuổi của anh đang quỳ trước bàn thờ có tấm ảnh của cô gái trẻ, dáng vẻ thành tâm. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, anh bảo: “Hai ông xuống nhà uống nước, tôi sẽ giải thích”. Trước khi xuống nhà, anh dặn con trai: “Con phải thành tâm mới hy vọng được tha thứ!”.

Rót một tuần trà, anh bắt đầu kể rằng con trai anh làm nghề lái xe. Điều này hai chúng tôi đều biết. Hai tháng trước, con trai anh gây ra vụ tai nạn, làm cô gái trẻ 17 tuổi tử vong. Điều này chúng tôi cũng đã biết. Sau vụ tai nạn, anh và gia đình đã tới gặp gia đình cô gái, thành khẩn xin lỗi và lo đám tang cho cô bé xấu số thật chu đáo. Gia đình anh cũng xin được gửi bố mẹ cô gái 50 triệu đồng, gọi là “thay lời xin lỗi”. Thấy gia đình anh thành khẩn nhận lỗi, có ý thức đền bù và cũng nghĩ rằng chuyện xảy ra nằm ngoài ý muốn của cả hai, chỉ là do bất cẩn của người lái xe trẻ, nên gia đình cô gái đã quyết định rút đơn kiện. Vì thế, con trai anh mới thoát khỏi vòng tù tội.

Mặc dù gia đình người bị hại tự an ủi rằng “tại cái số”, nhưng anh bạn chúng tôi không yên lòng. Anh nghĩ rằng con cái nhà ai cũng là xương, là thịt, là kết tinh của tình yêu thương, sự vất vả gian truân nuôi dạy bao nhiêu năm trời, nên sự mất mát là vô cùng to lớn. Cô gái phải ra đi lúc đầu xanh, tuổi trẻ là chết oan, mà người “gây tội” chính là con trai anh. Anh nói rằng tiền bạc không thể bù đắp được tính mạng con người. Người sống có thể tha thứ, chứ linh hồn người chết oan chưa chắc đã dễ dàng chấp nhận.

Chính vì thế, anh đã lập bàn thờ, xin gia đình cô gái tấm ảnh, yêu cầu con trai anh hàng ngày phải tụng kinh, cầu cho linh hồn cô gái siêu thoát, đồng thời cũng coi như đây là sự sám hối thành tâm. Anh giải thích: “Mình có tội, đáng ra phải đền tội. Dù đã được gia đình cô gái tha thứ, mình vẫn phải có hành động chuộc lỗi. Có như thế lòng mình mới thanh thản, cô gái mới “chấp nhận” lời xin lỗi của con trai mình. Đây cũng là cách nhắc nhở, giáo dục cháu ý thức cẩn trọng khi cầm lái, bởi sơ sẩy một chút là có thể lấy đi tính mạng người khác”.

Hai chúng tôi lắng nghe anh nói, rồi nhìn nhau, không ai tham gia được câu nào nữa. Chuyện gia đình người gây tai nạn đưa tiền đền bù cho gia đình người bị hại để mong họ không làm khó dễ, để được “yên chuyện” là việc đã có nhiều người làm. Nhưng việc bắt con trai mình phải thờ cúng, tụng niệm, cầu siêu cho linh hồn người bị nạn ngay tại nhà mình như anh đã làm, chúng tôi chưa gặp bao giờ. Tuy nhiên, điều lạ ấy không phải là điều “ngược đời” hay “trái khoáy”, “dở hơi”, mà là điều thật đáng suy ngẫm và trân trọng.

Anh bạn đi cùng tôi uống một ngụm trà rồi nói: “Anh làm như thế là phải. Đó là đạo lý. Tôi nhớ hồi sập cầu Cần Thơ. Cây cầu này do Nhật Bản thiết kế và chỉ đạo thi công. Ngay sau khi nghe tin vụ tai nạn xảy ra, người có trách nhiệm của phía Nhật Bản đã có lời xin lỗi các gia đình bị nạn. Rồi sau đó họ lập đàn cầu siêu cho linh hồn những người chết oan, dù trong vụ tai nạn này, lỗi của họ chưa chắc đã lớn bằng lỗi của phía chúng ta. Trong khi chúng ta chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, xem xét xem trách nhiệm thuộc về phía nào, ai có tội, mà quên rằng phải cứu người sống, làm yên lòng người chết, phải xoa dịu nỗi đau mất mát của những người thân người bị nạn. Đọc báo, thấy người Nhật ứng xử quá đẹp trong vụ này”. Ngụm một hớp trà nữa, anh kết luận: “Ăn ở có tâm, có đức như vậy, nên họ mới khá được. Ở đời sợ nhất là thói vô tâm!”.

Nghe anh bạn nhắc lại việc sám hối, tôi lại nhớ lại vụ án kinh hoàng cách đây không lâu. Một thanh niên đã giết hại dã man người yêu cũ, rồi vứt xác, phi tang. Trong khi cha mẹ cô gái đau đớn, khóc vật vã con chết thảm, không toàn thây, thì gia đình kẻ gây tội chưa thấy có “động tác nào” gọi là xin lỗi, an ủi. Trong khi người cha cô gái đang héo hon, thuê người tìm đầu con mình để mai táng cho cô con gái được toàn thây, đáng ra gia đình kẻ thủ ác phải lập đàn sám hối, cầu siêu cho cô gái xấu số, thì họ lại quên. Họ cuống cuồng lo cho số phận con trai mình, mà quên rằng có một người cha, người mẹ còn đau hơn họ vạn lần, cần an ủi, động viên.

Rồi người cha của chàng trai còn có ý trách móc, giận dữ với luật sư, nhà báo khi họ viết, họ nói rằng con trai ông giết người “dã man”. Trước tòa, người thanh niên đã nhận lỗi lầm và cho rằng “mình đáng tội chết”. Vậy mà chỉ vì ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến con mình, không lo cho con người, người cha ấy đã có hành động khuyến khích con trai kháng án.

Dù có bào chữa bằng lý do “của đau con xót” hay “còn mạng người là quý giá” hay càng kháng án, càng kéo dài việc điều tra, xử án, sự sống của con mình càng có cơ hội kéo dài... cũng không thể chấp nhận được. Có lẽ luật nhân quả là luật chung của trời đất, nên người cha ấy đã tử nạn trước khi con trai của ông ra pháp trường. Nghĩ đến đây, nhiều người giật mình...

Rồi mới đây thôi, người cha biết con trai mình vừa giết chết ba mạng người và chặt đứt tay một em bé gái để cướp vàng bạc của họ, vậy mà con trai gọi điện về bảo bố đem vàng đi chôn giấu, người cha ấy cũng im lặng, làm theo. Đáng ra người cha ấy nhận ra rằng kẻ có tội, sớm muộn cũng đền tội, rồi phải có những hành động khuyên con đầu thú hay lập đàn sám hối, cầu xin linh hồn những người tử nạn tha thứ cho lỗi lầm của con mình, thay con xin lỗi họ, bởi “con dại cái mang”.

Nhưng ông đã không làm thế. Bởi vậy, đứa con trai dã man của ông cuối cùng cũng bị tóm sau gần chục ngày lẩn trốn. Rồi ông, vợ ông, những người cố tình che giấu tội lỗi của con mình, không biết ăn năn, sám hối với những người đã chết thảm cũng không tránh khỏi vòng lao lý. Rồi tương lai của con ông, gia đình ông rồi có thể “nảy cành xanh ngọn” lên được nữa không?

Ông bạn tôi bảo: “Luật pháp của người trần mắt thịt còn có thể có sự linh hoạt, còn có kẽ hở để lách, chứ luật đời công bằng và khách quan lắm. Chẳng ai giàu lên bằng việc ăn cướp. Chẳng ai thoát tội khi giết người. Có những vụ giết người, kẻ thủ ác trốn tránh, thay hình đổi dạng, thay tên đổi họ, vậy mà mười năm, hai mươi năm sau vẫn bị lộ. Vì vậy, có tội phải nhận tội, rồi ăn năn, sám hối... may ra mới hi vọng nhẹ tội được”.

Chúng tôi ra về, vẫn nghe văng vẳng từ trên nhà anh bạn tôi tiếng tụng kinh sám hối, vẫn mùi hương ngào ngạt. Cậu con trai anh bạn tôi vẫn ở trên đó cùng di ảnh cô gái. Chúng tôi thầm cầu mong linh hồn cô gái xấu số cảm thông với tấm lòng chân thành, hối lỗi của cha con anh bạn tôi mà tha thứ cho họ...