Chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:

Sai lầm trong giáo dục không có chỗ để khắc phục

ANTĐ -Từng có gần 10 năm công tác trong ngành giáo dục, ĐB Lê Văn Lai (đoàn Quảng Nam) bày tỏ sự băn khoăn rất lớn của cá nhân mà theo ông cũng là vấn đề khiến “dư luận xã hội xáo trộn tâm can” liên quan đến thay đổi cách giảng dạy và tích hợp bộ môn lịch sử của Bộ GD-ĐT. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn ĐBQH chiều 16-11

Nhấn mạnh “sai lầm về phương pháp sẽ dẫn đến sai lệch về kiến thức và sẽ không có chỗ để khắc phục”, ĐB này hỏi: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận có dám khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề? Liệu thời gian tới Bộ có dừng chủ trương tích hợp môn lịch sử hay không?”. 

Về một vấn đề thời sự và cụ thể hơn, ĐB Lê Văn Lai chất vấn: Tại sao lại tự ý thay đổi bản dịch cũ của bài thơ “Sông núi nước Nam” thời Lý Thường Kiệt đã tồn tại bao đời nay, có chỗ đứng vững chắc trong lòng dân tộc và được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta bằng một bản dịch mới, mà khi đọc thì từ nhà nghiên cứu lịch sử, nhà nghiên cứu văn học đến người bình thường nhất đều không thể đồng tình và không thể thông suốt với tác giả bạn dịch mới được?” 

ĐB Lê Văn Lai rất trăn trở với cải cách sách giáo khoa, tích hợp môn lịch sử 

ĐB Lê Văn Lai so sánh 2 bản dịch cũ và mới của bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Sông núi nước Nam” và cho rằng 2 câu thơ đầu của bản dịch cũ "Rành rành định phận tại sách trời" là bất khả sửa và không còn có chỗ nào để thể hiện tốt hơn, chất lượng hơn, nhất là trong tình hình bảo vệ chủ quyền quốc gia hiện nay. Còn bản dịch mới là "Vằng vặc sách trời chia xứ sở", về ý nghĩa lịch sử, hay tính sát nghĩa của nguyên tắc thì không thể có sự tương đồng giữa "tiệt nhiên" với "vằng vặc" và càng không thể có sự tương đồng với "định phận" với "chia xứ sở". ĐB một lần nữa đề nghị Bộ GD-ĐT lưu tâm đặc biệt đến những vấn đề có hàm lượng lịch sử cao, những vấn đề nhạy cảm, để khắc phục sai sót không đáng có.

Ngoài ra, ĐB Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm rõ nguyên nhân chậm có giải pháp, lộ trình giải quyết tình trạng thừa thầy, thiếu thợ…

Trả lời chất vấn của các ĐB, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Thực tế hiện chúng ta không phải "thừa thầy" mà vẫn đang thiếu thầy, nói đúng hơn là chỉ thừa người kém, ngược lại chúng ta đúng là đang "thiếu thợ" nhưng chỉ thiếu thợ giỏi”.

Với câu hỏi của ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) về việc kết hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT với Cao đẳng, Đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lý giải: Đổi mới thi tuyển Đại học theo hình thức này, các em học sinh sẽ giảm được số môn phải thi, giảm chi phí đi lại, giảm áp lực học tập. “Các trung tâm luyện thi đã giảm gần như tuyệt đối; tình trạng phao thi trắng sân trường đã giảm hẳn. Thái độ, động cơ học tập của các em và phương pháp giảng dạy đã chuyển đổi từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực” – Bộ trưởng nói.

ĐB Nguyễn Thái Học không đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
(Ảnh: Phú Khánh)

Về tích hợp môn lịch sử, Bộ trưởng cũng khẳng định: “Với chủ trương tích hợp, môn lịch sử không bị coi nhẹ mà còn được coi trọng hơn so với chương trình hiện hành. Dẫn chứng, hiện học sinh THPT học 1 tiết rưỡi môn lịch sử mỗi tuần còn theo đề án mới sẽ học 2,5 tiết (với các em không học khối xã hội) và 4 tiết/ tuần với các học sinh theo khối xã hội”. Ngoài việc tích hợp môn lịch sử vào môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng an ninh thì các môn khác như văn học, địa lý, giáo dục âm nhạc cũng sẽ gắn với lịch sử khi giảng dạy.

Trước câu trả lời khá dài dòng của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời: “ĐB hỏi, theo quan điểm của Bộ trưởng có để môn lịch sử là môn độc lập không hay tích hợp, mong Bộ trưởng trả lời rõ”. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói: “Chúng tôi đang lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến sau đó sẽ báo cáo các cơ quan chức năng và Thủ tướng để có kết luận cuối cùng”.

Với ý kiến của ĐB Lê Văn Lai về bản dịch bài thơ “Sông núi nước Nam”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, những thay đổi không cần thiết và không mang lại hiệu quả cao thì không cần thay đổi.

Cả ĐB Lê Văn Lai, Nguyễn Thái Học đều không hài lòng với phần trả lời này và xin được chất vấn lại với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. ĐB Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: “Việc đổi mới thi cử không phải giảm áp lực cho học sinh như Bộ trưởng nói mà nhiều ý kiến cho rằng việc học sinh phải ra các trường Đại học canh để nộp hồ sơ vào, rút hồ sơ ra, áp lực còn hơn… chơi chứng khoán”.