Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự
Sai lầm không đáng có
(ANTĐ) - Trong tổng số các vụ án mà ngành Tòa án thụ lý, án dân sự chiếm tỷ lệ lớn nhất và việc giải quyết luôn gặp những khó khăn, phức tạp đặc thù. Cùng với sự phát triển của xã hội, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân được nâng cao, những tranh chấp dân sự diễn ra ngày càng nhiều và mang những màu sắc mới. Làm nhiều ắt phải có những sai sót, nhầm lẫn.
Mới đây, Tòa dân sự - TANDTC đã tổng kết, rút kinh nghiệm những sai sót thường mắc phải của Tòa án một số địa phương nhằm nâng cao công tác xét xử và góp phần vào việc giữ gìn trật tự xã hội.
Không đưa đầy đủ người tham gia tố tụng
Việc bỏ sót người tham gia tố tụng là một trong những sai lầm nghiêm trọng nên Tòa án cấp trên phải hủy án hoặc kháng nghị bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để giải quyết lại. Các sai lầm thường gặp là việc Tòa án đã không đưa đầy đủ người tham gia tố tụng trong trường hợp giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ tham gia tố tụng.
Trong trường hợp này, theo quy định của pháp luật thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trên thực tế, có Tòa án không đưa đầy đủ các đồng sở hữu về tài sản hoặc các đồng thừa kế tham gia tố tụng, nhưng lại giải quyết cả phần tài sản của họ trong khối tài sản chung với người khác có tranh chấp trong vụ án nên việc giải quyết là sai.
Có Tòa án khi giải quyết vụ án ly hôn, cả hai vợ chồng đều khai thống nhất là có nợ người khác một khoản tiền. Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm đều xác nhận đây là khoản nợ chung của vợ chồng, nhưng không đưa người chủ nợ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bỏ sót người tham gia tố tụng.
Sai sót của Tòa án cấp phúc thẩm
Điển hình là việc Tòa án cấp sơ thẩm bỏ sót người tham gia tố tụng, Tòa án cấp phúc thẩm phát hiện ra việc này đưa họ vào tham gia tố tụng và buộc người đó phải chịu nghĩa vụ là vi phạm nghiêm trọng tố tụng về phạm vi xét xử phúc thẩm.
Khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã không xác minh đầy đủ những người có liên quan đến phần đất đang tranh chấp để đưa họ tham gia tố tụng (thực tế có người đã làm nhà và sinh sống trên đất từ nhiều năm). Bản án sơ thẩm có kháng cáo.
Tòa án cấp phúc thẩm phát hiện được sai sót này, nhưng thay vì phải hủy bản án để xét xử sơ thẩm lại, thì Tòa án cấp phúc thẩm lại đưa thêm người tham gia tố tụng, đồng thời buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ là xét xử cả phần cấp sơ thẩm chưa xét xử và vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Bị đơn chết, Tòa án không đưa người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn vào tham gia tố tụng
Điều này quy định rất rõ tại điều 62 Bộ luật Dân sự:
“1. Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng...”.
Do vậy, khi có đương sự trong vụ án dân sự chết thì Tòa án phải làm rõ là họ có để lại tài sản thừa kế hay không và ai là người được hưởng tài sản thừa kế của họ để từ đó triệu tập người thừa kế vào tham gia tố tụng và giải quyết vụ án. Nếu chưa có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng thì căn cứ vào khoản 1, điều 189 Bộ luật TTDS để tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu đương sự chết mà quyền và nghĩa vụ của họ không được thừa kế thì căn cứ điểm a, khoản 1, điều 192 Bộ luật TTDS để đình chỉ giải quyết vụ án.
Trên thực tế, khi Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết vụ án thì bị đơn chết hoặc sau khi xét xử sơ thẩm thì bị đơn chết và có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng, nhưng Tòa án không triệu tập người thừa kế của bị đơn tham gia tố tụng là không đúng quy định của pháp luật.
Giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của đương sự
Pháp luật tố tụng dân sự đã quy định rõ về quyền khởi kiện, phạm vi, hình thức, nội dung khởi kiện... của đương sự. Trong trường hợp không có đầy đủ các nội dung thì Tòa án có quyền thông báo cho người khởi kiện biết để yêu cầu đương sự sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong thời hạn nhất định. Như vậy, khi Tòa án giải quyết vụ án thì yêu cầu của đương sự phải rõ ràng, đầy đủ.
Tại phiên tòa thì người khởi kiện vẫn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, nhưng việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không được vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện. Trên thực tế, có trường hợp người khởi kiện đã thể hiện rõ yêu cầu đòi 1.066 m2 đất, nhưng khi xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm lại buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn 3.815 m2 đất là vượt quá yêu cầu của nguyên đơn...
Những sai lầm trên là nhỏ, nhưng điều tai hại là nó đã dẫn đến sự phản ánh không đúng bản chất vụ án, đưa ra những phán quyết thiếu khách quan dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan xét xử. Điều này cần rút kinh nghiệm chung để không tái diễn trong thời gian tới, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự và niềm tin của nhân dân vào những cơ quan thừa hành pháp luật.
Hiền Phương
(ảnh: Thi hành án TP Hà Nội cưỡng chế thi hành án dân sự một vụ án. Bài viết tham khảo tài liệu của Tòa Dân sự - TANDTC)