Sai lầm khi xử lý vết ong đốt có thể phải trả giá bằng cả tính mạng

ANTD.VN - Hiện tại đang là mùa ong sinh sản nên hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ong đốt nhập viện. Đáng chú ý, có nhiều trường hợp nguy kịch, suy đa tạng, điều trị hàng tháng trời vẫn chưa khỏi…

Thăm khám cho một bệnh nhân bị ong đốt

ThS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện tại, có 4 bệnh nhân bị ong đốt đang được điều trị tại đây.

Trong đó, bệnh nhân N.T.H (47 tuổi, ở Kim Bảng, Hà Nam) đã điều trị gần 1 tháng do bị cả đàn ong vò vẽ lao vào tấn công, nhập viện với hơn 50 nốt ong đốt trên khắp cơ thể, các nốt đốt dày đặc ở vùng đầu. Bệnh nhân này được chuyển tới từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam vào ngày 3-8, trong tình trạng suy thận cấp, vô niệu hoàn toàn, vỡ hồng cầu và rối loạn đông máu.

Trường hợp khác là một bệnh nhân nam 23 tuổi, ở Phú Lương (Thái Nguyên), cũng bị đàn ong vò vẽ tấn công trong lúc đang đi lấy củi trong rừng, được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên trong tình trạng có khoảng 70 nốt ong đốt trên khắp cơ thể, tập trung vào đầu, hai cánh tay, bả vai, lưng… gây biến chứng suy đa tạng.

Tương tự, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị cho 3 cháu bé bị ong đốt nhập viện trong tình trạng nặng, trong đó có 2 trẻ nguy kịch, suy đa phủ tạng, suy hô hấp, suy tuần hoàn do bị cả đàn ong đốt vào vùng đầu mặt khi đang chơi ở sân trường.

Theo bác sĩ Nguyên, đa số người dân chưa biết cách xử lý, sơ cứu đúng khi bị ong đốt. Thậm chí nhiều trường hợp bị ong đốt không quá nặng nhưng do xử lý ban đầu sai lầm khiến cho tình trạng nhiễm độc nặng nề hơn, nguy hiểm đến tính mạng.

Điển hình là việc nhiều người khi bị ong đốt thường dùng tay nặn, ép chất độc từ vết đốt ra nhưng việc nặn, ép vết độc như vậy lại khiến nọc độc lan ra. Đặc biệt nếu bị ong đốt nhiều nốt hoặc bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ; bị dị ứng với nọc ong, bị sốc hoặc bị nhiễm độc… có thể nguy hiểm đến tính mạng.

“Ngay các phương pháp khác như chườm đá, vôi, kem đánh răng, hồ nước… cũng chỉ có tác dụng làm dịu bớt nốt đốt. Còn thực tế không giải quyết được vấn đề chính là nọc độc. Muốn lấy nọc độc của ong ra thì khi bị ong đốt, cần bình tĩnh khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy từng vòi chích của ong ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Điều quan trọng nữa sau khi bị ong đốt là làm cho bệnh nhân lợi tiểu bằng cách uống thật nhiều nước, truyền dịch tại cơ quan y tế” - bác sĩ Nguyên nói.

Bác sĩ Nguyên cũng khuyến cáo, những người bị ong đốt dưới 10 nốt đốt có thể theo dõi tại nhà. Nhưng khi có dấu hiệu sưng đau, khó chịu mệt mỏi trong người, nốt ong đốt vùng đầu, mặt, cổ, ngực trên, số lượng nốt đốt nhiều hoặc bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật hay một số loại ong chưa rõ loại ở vùng rừng núi đốt... thì nhất định phải đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.