Sách giáo khoa Lịch sử như một "đĩa nén" ôm đồm, khô cứng

ANTĐ - Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khóa VII tổ chức ngày 30-11, diễn ra vào đúng thời điểm Quốc hội vừa phủ quyết việc tích hợp môn Lịch sử trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD-ĐT  đưa ra. Chính vì thế, vấn đề dạy sử, học sử, biên soạn sách giáo khoa vẫn là vấn đề nóng tại đại hội.

Sách giáo khoa Lịch sử như một "đĩa nén" ôm đồm, khô cứng ảnh 1Sách giáo khoa Lịch sử cần thay đổi cách biên soạn để hấp dẫn học sinh . Ảnh minh họa

Phải có giáo trình hay, hấp dẫn

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Nguyễn Quang Ngọc băn khoăn, vấn đề không còn là chuyện tích hợp hay không mà  phải làm thế nào để khôi phục lại vị thế của môn Lịch sử với tư cách là một môn khoa học, cơ bản và trụ cột, bởi việc Quốc hội đồng ý để Lịch sử là môn học độc lập chỉ là sự khởi đầu, còn quyết định thành bại hay không vẫn đang ở phía trước. Con đường khôi phục lại vị thế của môn Lịch sử trong trường học được chỉ ra chính là khôi phục chất lượng giáo dục, đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống môn học, xây dựng chương trình, biên soạn lại sách giáo khoa theo hướng tổng hợp đa ngành và liên ngành, cùng với đó chất lượng giảng viên cũng phải được nâng cao, thay đổi cách dạy, học, thi để phát huy cao nhất hiệu quả giáo dục môn Lịch sử. 

Trao đổi cùng phóng viên bên lề Đại hội, PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học cho biết, để lớp trẻ yêu thích lịch sử, hiểu và học lịch sử cần phụ thuộc vào 5 yếu tố căn bản là chương trình, nội dung, sách giáo khoa, dạy, học và thi. Trước tiên phải có giáo trình hay, hấp dẫn, học sinh được giáo viên giảng dạy, truyền đạt với phương  pháp năng động, sáng tạo, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học. Trên cơ sở đó, cải tiến phương pháp thi, tránh dàn trải để học sinh thể hiện được năng lực của mình. PGS.TS Nguyễn Quang Nhật ví chương trình, sách giáo khoa Lịch sử hiện tại như một “đĩa nén” ôm đồm, khô cứng. 

Cùng quan điểm sách giáo khoa hiện tại nặng về kiến thức, PGS.TS Trần Đức Cường (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) cho biết, cần phải biên soạn lại sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên cách truyền đạt và quan trọng nhất là cần coi trọng thực sự môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục, từ đó mới đầu tư công sức, tiền bạc thích đáng. Khi môn Sử được coi trọng trong chương trình giáo dục thì không phải lo học sinh quay lưng.  


Phải thoát khỏi lối mòn tư duy

PGS.TS Phạm Mai Hùng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) lại nhấn mạnh vào vấn đề đổi mới từ trong tư duy, nhận thức lại môn Lịch sử cho đúng để làm sao sử Việt không có độ “chênh” với thế giới.  PGS.TS Phạm Mai Hùng thẳng thắn chia sẻ, hiện sách giáo khoa Lịch sử ngoài vài bản đồ cùng những hình ảnh nặng nề ra thì toàn các con số, thông tin một chiều. Trong khi đó, hơn 10 năm trở lại đây, nhiều “góc khuất” của lịch sử đã được giải mã và làm sáng tỏ thông qua các hội thảo quốc gia về Vương triều Mạc, triều Nguyễn… Những nhân vật từng bị lịch sử quy kết thì cũng dần được xem xét cân nhắc, công đến đâu, tội thế nào… Không ít lần, giới nghiên cứu lịch sử kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền về việc thay đổi căn bản và kịp thời bổ sung kiến thức mới về lịch sử cho học sinh, nhưng mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. 

Với vấn đề biên soạn lại sách giáo khoa Lịch sử, PGS.TS Phạm Mai Hùng bày tỏ, cần phải thoát khỏi lối mòn trong tư duy, đào sâu suy nghĩ, có trách nhiệm, phát huy, tôn trọng tư duy độc lập của người biên soạn. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lại cho rằng, khoảng cách từ những công trình nghiên cứu mới tới sách giáo khoa còn quá xa.

Nhiều công trình nghiên cứu mới đây đã có cái nhìn tổng quan hơn về nhà Mạc, nhà Nguyễn với vai trò kiến thiết…, nhưng sách giáo khoa vẫn chưa có chuyển biến gì. Khoảng cách xa còn ở ngôn ngữ, các công trình sách giáo khoa Lịch sử muốn người ta thích thì đầu tiên phải dễ đọc. Sách giáo khoa hiện nay được viết với ngôn ngữ khô khan, trong khi môn Sử lại rất cần những người có khả năng truyền đạt bằng ngôn ngữ phổ cập. Lịch sử cũng như văn hóa, gìn giữ được hay không phải xuất phát từ tình cảm, không thể cưỡng ép từ mệnh lệnh hành chính.