Sách giáo khoa cần “giảm dạy chữ, tăng dạy người”

ANTĐ - Về những vấn đề còn tồn tại của giáo dục nước nhà hiện nay, TS. Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Trong thi cử, việc xáo trộn nhiều và quá nhanh là không nên. Tình trạng cả nước dùng chung 1 bộ sách giáo khoa đã bộc lộ nhiều bất cập”.

Đổi mới thi cử: Cần thiết nhưng phải có lộ trình

Theo TS. Trịnh Ngọc Thạch, việc giảm thiểu các kỳ thi nhằm tiết kiệm chi phí, giảm áp lực cho học sinh, xã hội là thực sự cần thiết song điều cơ bản nhất vẫn phải đảm bảo được yêu cầu đánh giá chất lượng thực của công tác giảng dạy.  

Trong năm tới, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi. Sở GD-ĐT sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trước thông tin trên, không ít ý kiến cho rằng, việc tổ chức thi như vậy sẽ phát sinh nhiều vấn đề: Trường ĐH phải cử giáo viên đến hàng chục điểm thi chung tổ chức coi thi, chấm bài… vì trường ĐH nào cũng muốn chất lượng đầu vào cao nên có thể dẫn đến tình trạng chấm thi chặt, coi chặt khiến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp giảm.  Bên cạnh đó, việc bố trí 2 loại cụm thi riêng (1 cho những em chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp, 1 cho những em muốn vào ĐH) thì đề thi có giống nhau, tỷ lệ đỗ có sự chênh lệch? Đối với những em thi ở những cụm  thi do Sở GD-ĐT ở địa phương tổ chức, nếu sau này có nguyện vọng vào ĐH thì giải quyết thế nào?... Việc tổ chức kỳ thi theo chủ trương trên nếu không thận trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ gây xáo trộn lớn. Trong khi đó, với thi cử việc xáo trộn nhiều, đột ngột là không nên vì điều đó sẽ gây tâm lý hoang mang cho xã hội.

Sách giáo khoa cần được đổi mới theo hướng tăng thêm kiến thức thực tiễn

Cần có nhiều bộ sách giáo khoa

Đối với vấn đề đổi mới nội dung sách giáo khoa trong trường học, TS. Trịnh Ngọc Thạch cho biết, hiện Ủy ban văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội  đang thẩm tra hồ sơ sửa đổi Nghị quyết 40 năm 2000 về Chương trình Sách giáo khoa. Nếu Nghị quyết sửa đổi được thông qua sẽ thay đổi một số nguyên tắc soạn thảo xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, chương trình SGK. Sự thay đổi  SGK theo hướng: Tăng thêm nhiều kiến thức thực tiễn, nâng cao năng lực thực tiễn, không đề cập quá nhiều vào kiến thức khoa học cơ bản hàn lâm, mục đích là “tăng dạy người, giảm dạy chữ”. Bộ GD-ĐT ban hành 1 bộ sách, sau đó đặt hàng các nhà khoa học, nhà giáo biên soạn thêm các bộ sách khác trên cơ sở chương trình khung, tất cả đều do Bộ GD-ĐT kiểm định, phê duyệt, sau đó các trường, các địa phương có thể chọn bộ sách phù hợp với trường, địa phương mình. Trong các bộ sách này, chương trình chung do Bộ GD-ĐT ban hành (chiếm tỷ lệ khoảng 80%), các địa phương, các trường có thể bổ sung thêm nội dung khác (tỷ lệ xấp xỉ 20%). Điều đó có nghĩa sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa ra đời thu hút nhiều nguồn lực xã hội tham gia biên soạn. Theo đó, tình trạng tất cả các nơi đều sử dụng 1 bộ sách do Bộ GD&ĐT biên soạn giao NXB Giáo dục phát hành như hiện nay sẽ không còn.

Nếu những nội dung trên được Quốc hội thông qua thì cần có thời gian chuẩn bị, dự kiến là đến năm 2018. Tuy vậy, trước khi triển khai thực hiện, các bộ, ngành, đơn vị liên quan cần chuẩn bị kỹ về việc xây dựng chương trình viết lại bộ sách mới, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho giáo viên, nâng cấp cơ sở vật chất tại các trường để phù hợp với điều kiện giảng dạy mới…