Sách giáo khoa cần đậm giá trị cuộc sống

ANTĐ - Ngay cả với một nước phát triển như Thụy Điển, sách giáo khoa cũng đã từng bị đánh giá là nặng tính hàn lâm, khó tiếp thu với học sinh, đơn điệu, thiếu hấp dẫn, các giá trị của cuộc sống được đề cập một cách mờ nhạt. Kinh nghiệm đổi mới của các nước tiên tiến về chương trình và sách giáo khoa đang là bài học của các nhà quản lý giáo dục trong nước.

Sách giáo khoa cần chú trọng các giá trị cuộc sống hơn kiến thức hàn lâm

Hấp dẫn và thực tiễn

Đó là mục tiêu đã đạt được trong việc đối mới chương trình và sách giáo khoa (CT&SGK) được GS Leif Oestman, trường ĐH Tổng hợp Uppsala, Thụy Điển chia sẻ. “Trước đây, SGK phổ thông của Thụy Điển được biên soạn theo quan điểm thuần túy và khoa học, có nội dung và cấu trúc mang nặng tính hàn lâm, học sinh tiếp thu khó và thường trình bày một cách đơn điệu, thiếu hấp dẫn và các giá trị của cuộc sống được đề cập một cách mờ nhạt” - GS Leif Oestman cho biết. Tuy nhiên, việc đổi mới một cách căn bản trong quan niệm xây dựng CT và SGK ở Thụy Điển đã được thực hiện thành công khi SGK mới được thiết kế theo quan điểm của khoa học ứng dụng, trong đó việc trình bày kiến thức và kỹ năng hướng tới liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của học sinh. “Việc tích hợp lồng ghép các giá trị của đời sống được coi trọng và được đặc biệt chú ý. Kết quả là trong những năm gần đây, Thụy Điển đã xuất bản được nhiều SGK có chất lượng cao, hình thức hấp dẫn, có tính thực tiễn sâu sắc” - GS Leif Oestman chia sẻ. 

Thừa nhận SGK hiện nay của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa đất nước, GS. TS Nguyễn Lộc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, việc biên soạn và phát triển SGK phổ thông theo định hướng xây dựng chương trình sau năm 2015 sẽ chú trọng vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày, chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, gần gũi với cuộc sống nhằm hình thành năng lực, giúp học sinh giải quyết các vấn đề thực tế. Việc lựa chọn mô hình SGK phải kết hợp hài hòa các yếu tố, tham khảo mô hình SGK của các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp, Đức, Singapore… để vận dụng một cách hợp lý đối với thực tế trong nước. 

“SGK phải vừa là nơi cung cấp nội dung dạy học, vừa là nơi khởi đầu, kích thích sự tìm tòi kiến thức từ các nguồn khác nhau. SGK phải tạo cơ hội cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực theo phương châm lấy quá trình học tập của học sinh làm trung tâm và khơi gợi hứng thú khát vọng học tập suốt đời, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phân tích. 

Thiếu tiêu chí đánh giá SGK 

Việc thiếu tiêu chí đánh giá SGK hiện đang là nguyên nhân khiến chính Bộ GD-ĐT gặp lúng túng khi phê duyệt. GS. TS Mike Horsley, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về SGK, Australia cho biết, hàng năm, Hiệp hội các NXB Australia đều tổ chức cuộc thi bình chọn SGK và tài liệu dạy học tốt nhất. Tiêu chí đánh giá, thẩm định SGK và tài liệu dạy học trên lớp cũng không phải là bất biến mà tùy vào nhận thức xã hội mỗi thời điểm. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng đồng tình khi cho rằng cần phải có hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá SGK để làm căn cứ xuất phát cho các tác giả SGK, đồng thời làm công cụ cho việc đánh giá, thẩm định SGK giúp cho Bộ GD-ĐT trong việc phê duyệt, cho phép sử dụng SGK trong dạy học. 

Chỉ rõ những hạn chế trong biên soạn SGK, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện Việt Nam không có cơ sở nghiên cứu biên soạn SGK riêng biệt như môt số nước khác nên không có đội ngũ các nhà sư phạm chuyên sâu về SGK, hoạt động chuyên nghiệp biên soạn SGK. Dù các tác giả rất uyên bác về chuyên môn nhưng vẫn bị hạn chế về tri thức giáo dục học. 

GS. TS Olena Pometun, Viện Hàn lâm khoa học giáo dục quốc gia Ukraina chia sẻ, trong quá trình biên soạn SGK, tác giả cần phải tính đến các điều kiện, yêu cầu, và giới hạn như mô hình giảng dạy, tuổi và đặc điểm cá nhân của học sinh. Một trong những lưu ý của vị GS này là việc thiếu coi trọng với các bài học thêm, bổ sung trong SGK. “SGK trước đây phần bổ sung không được coi trọng. Tuy nhiên, hiện nay vai trò này đã được đánh giá lại, đặc biệt với ngành khoa học xã hội và nhân văn. Nội dung bổ sung gồm những tư liệu, trích đoạn từ các tài liệu khoa học thường thức, tiểu thuyết viễn tưởng, tiểu sử các nhà khoa học… giúp khơi dậy niềm hứng thú của học sinh, giúp các em liên hệ giữa học tập với thực tiễn cuộc sống.