Thực hiện Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội

"Sạch" địa bàn, tạo diện mạo khang trang, trật tự tại các tuyến, khu vực giáp ranh

ANTD.VN - Hơn 2 tháng thực hiện Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội về “Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông - trật tự đô thị (TTATGT-TTĐT) trên địa bàn thành phố”, những chuyển biến tích cực đã được ghi nhận ở nhiều phường, quận, nhiều tuyến đường. Điều quan trọng hơn cả, là đã “bật” ra những sáng kiến hiệu quả từ thực tế tình hình.

Thực hiện Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội đã trở thành “nếp” tích cực ở nhiều đơn vị, địa bàn và từng cán bộ, chiến sĩ. Còn với người dân Thủ đô, hiệu ứng không thể phủ nhận là sự hài lòng của đông đảo người dân.

"Sạch" địa bàn, tạo diện mạo khang trang, trật tự tại các tuyến, khu vực giáp ranh ảnh 1Ra mắt đội tự quản ở 22 địa bàn dân cư phường Vĩnh Tuy

Chung sức ở địa bàn giáp ranh

Được đánh giá có những nỗ lực và chuyển biến đáng kể về TTATGT-TTĐT trong thời gian đầu triển khai Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội; song với chỉ huy Công an các quận, huyện Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thanh Trì, qua quá trình triển khai Mệnh lệnh đã hình thành và thống nhất một suy nghĩ, quyết tâm: không chỉ “sạch” địa bàn mà cả những tuyến, khu vực giáp ranh cũng phải tạo được diện mạo khang trang, trật tự. Điển hình, tuyến đường huyết mạch Nguyễn Xiển đã được chọn để cụ thể hóa quyết tâm ấy.

Cung đường dài cỡ 2km này giáp ranh phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) và 2 xã Thanh Liệt, Tân Triều của huyện Thanh Trì. Đại úy Trần Bá Thụ, Phó Đội trưởng Đội CSTT-CĐ, CAH Thanh Trì cho biết: Từng ấy địa bàn, từng ấy giáp ranh thì cũng từng ấy… biểu hiện vi phạm về TTĐT. Nơi bán hàng rong, nơi tranh thủ kinh doanh dừa, nơi thì ô tô đỗ tràn lan trên vỉa hè. Việc ra quân giải quyết ở địa bàn này, mà bên kia thiếu sát sao, quyết liệt, sẽ khiến những vi phạm không thể xử lý triệt để.

Đánh giá đúng thực trạng tình hình vi phạm ở mỗi địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm; hình thành cơ chế trao đổi thông tin, đồng thời lên phương án phối hợp nhịp nhàng với lực lượng giáp ranh; đó là tinh thần xuyên suốt của Kế hoạch phối hợp lập lại TTATGT-TTĐT trên đường Nguyễn Xiển, giữa Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì.

Sau hơn 1 tháng triển khai quy chế phối hợp (từ trung tuần tháng 4 đến nay), những vi phạm về TTATGT-ĐT trên đường Nguyễn Xiển đã giảm đi trông thấy. Và điều quan trọng là mỗi phường, quận, từ chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ đã thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong công tác đảm bảo TTATGT-TTĐT.

Cùng với đường Nguyễn Xiển, chủ trương lan tỏa kế hoạch phối hợp với các địa bàn giáp ranh để giải quyết vi phạm TTATGT-TTĐT đang được CAH Thanh Trì tích cực thực hiện. Thượng tá Nguyễn Mạnh Dầu, Phó trưởng CAH Thanh Trì cho biết, ban chỉ huy CAH đã giao Đội CSTT-CĐ chủ công, tiến hành điều tra cơ bản để đồng loạt xây dựng cơ chế phối hợp với các địa bàn giáp ranh như chống ùn tắc, hàng quán lấn chiếm vỉa hè ở khu vực bệnh viện K3 (xã Tân Triều) giáp với phường Kiến Hưng, quận Hà Đông; xử lý vi phạm giao thông, an toàn hành lang đường sắt trên trục đường Ngọc Hồi, đoạn giáp ranh với huyện Thường Tín và quận Hoàng Mai.

“CAH đã tham mưu với Ban chỉ đạo 197 huyện thành lập 3 tổ kiểm tra, định kỳ hàng ngày, hàng tuần sẽ đi đánh giá thực tế tình hình TTATGT-TTĐT ở các địa bàn. Những nơi nào còn tồn tại sẽ được ghi hình và trao đổi để xác định rõ trách nhiệm tại buổi giao ban với lãnh đạo huyện”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Dầu cho biết.

"Sạch" địa bàn, tạo diện mạo khang trang, trật tự tại các tuyến, khu vực giáp ranh ảnh 2Vỉa hè đường Nguyễn Xiển đã thông thoáng

Nhắc kỹ từng vi phạm, kiên quyết xử lý nếu tái phạm

Chứng kiến lễ ra mắt 22 Đội tự quản giữ gìn TTĐT tại địa bàn dân cư ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng mới đây, chúng tôi ấn tượng với những mái tóc muối tiêu, những dải băng đỏ trên cánh tay rắn rỏi cùng ánh mắt quyết tâm.

Thiếu tá Phạm Trung Khánh Tùng, Trưởng CAP Vĩnh Tuy chia sẻ, ngay khi bắt tay triển khai thực hiện Mệnh lệnh 02 của Giám đốc CATP Hà Nội, Ban chỉ huy CAP điều đầu tiên nghĩ đến ngay, là phải làm thế nào để nâng được nhận thức, và có được sự vào cuộc “sát sàn sạt’’ của đội ngũ cán bộ cơ sở. Huy động được sức mạnh, trách nhiệm của cán bộ cơ sở mới giải được bài toán “biên chế mỏng, địa bàn rộng” và chính đội ngũ cán bộ cơ sở ấy sẽ là những tuyên truyền viên với gia đình, khu phố, qua công việc thường nhật.

Và thế là, 22 Đội tự quản giữ gìn TTĐT đã ra mắt, tương ứng với 22 địa bàn dân cư. Quyết định thành lập mỗi đội được lãnh đạo UBND phường ký, và trực tiếp trao đến từng đội trưởng, với đầy tin tưởng, gửi gắm. 

Cùng với CAP, cùng với cán bộ đô thị, tự quản đô thị, ở ngay các địa bàn dân cư đã có tổ công tác bao gồm tổ trưởng là chiến sỹ CSKV và các thành viên bảo vệ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố. Mỗi tổ có nhiệm vụ duy trì thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tự giác chấp hành thực hiện đúng các quy định của pháp luật về TTGTĐT, VSMT; Báo cáo bằng văn bản công tác tuyên truyền và kiến nghị các cơ sở thường xuyên tái phạm vào thứ 6 hàng tuần cho lực lượng CAP để làm căn cứ tham mưu đề xuất UBND phường xử lý theo quy định.

Mỗi tổ viên trong tổ công tác được trang bị các phương tiện hỗ trợ và sổ ghi chép để cung cấp thông tin kịp thời và chính xác nhất cho lực lượng Công an. Họ sẽ là “cánh tay” nối dài của lực lượng CAP và chính quyền cơ sở trong việc giữ gìn hiệu quả TTATGT-TTĐT, trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường.

"Sạch" địa bàn, tạo diện mạo khang trang, trật tự tại các tuyến, khu vực giáp ranh ảnh 3Tổ đi bộ của CAQ Hai Bà Trưng phát huy hiệu quả rõ rệt

Cũng ở địa bàn quận Hai Bà Trưng, đầu tháng 5 này, Đội CSGT-TT-CĐ đã đề xuất ban chỉ huy CAQ cho triển khai mô hình “Đi bộ kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm TTĐT”. Chủ công là cán bộ, chiến sĩ của Đội CSGT-TT-CĐ; cùng với đó là CSTT Công an phường và cán bộ ủy ban. Lần lượt, luân phiên 20 phường của quận Hai Bà Trưng sẽ in dấu chân của tổ đi bộ, với trọng tâm là những tuyến đường phố được xác định nhiều vi phạm nhất; khu vực hình thành hoạt động trông giữ phương tiện trái phép, sai phép.

Ngày chia 2 ca với những khung giờ vốn được xác định “nóng” vi phạm TTATGT-TTĐT, các chiến sĩ áo xanh sẽ đi bộ, đánh giá và nhắc kỹ từng vi phạm. Lần đầu là nhắc; tái phạm sẽ bị kiên quyết xử lý. Vi phạm có hệ thống, hoặc khi vi phạm đã được giải quyết, sẽ được bàn giao, thống nhất với cấp cơ sở, thuộc trách nhiệm chỉ huy CAP.

Hơn 2 tuần triển khai mô hình... đi bộ, Thượng úy Nguyễn Văn Kiệt, Đội trưởng Đội CSGT-TT-CĐ, CAQ Hai Bà Trưng chia sẻ: “Có vất vả vì thời tiết nắng nóng, nhưng hiệu quả công việc thu lượm được rất nhiều. Vi phạm được kiểm soát chặt chẽ. Tiếp xúc giữa người dân và lực lượng Công an gần gũi, thân thiện hơn. Và hình như, những giọt mồ hôi đẫm lưng áo tổ đi bộ cũng đã tác động đến tâm lý và nhận thức của người dân. Nhiều cung đường, tuyến phố, chẳng cần đến bước chân của tổ đi bộ, vẫn giữ được sự phong quang, gọn gàng”.

“Có vất vả vì thời tiết nắng nóng, nhưng hiệu quả công việc thu lượm được rất nhiều. Vi phạm được kiểm soát chặt chẽ. Tiếp xúc giữa người dân và lực lượng Công an gần gũi, thân thiện hơn. Và hình như, những giọt mồ hôi đẫm lưng áo tổ đi bộ cũng đã tác động đến tâm lý và nhận thức của người dân. Nhiều cung đường, tuyến phố, chẳng cần đến bước chân của tổ đi bộ, vẫn giữ được sự phong quang, gọn gàng”.

Thượng úy Nguyễn Văn Kiệt  (Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự - Cơ động, CAQ Hai Bà Trưng, Hà Nội)