Sách dạy kỹ năng sống cho trẻ: Hãy thôi dạy những thứ "trên trời"

ANTĐ -  Những năm gần đây, sau những cảnh báo về tình trạng trẻ em quá thiếu kỹ năng sống thì nhiều bậc phụ huynh bắt đầu nháo nhào tìm cách bù đắp lỗ hổng cho con cái. Các trung tâm dạy kỹ năng sống, những cuốn sách dạy kỹ năng sống trở nên đắt hàng, ngành giáo dục cũng khuyến khích các trường dạy kỹ năng sống cho học sinh. Nhưng phụ huynh chưa kịp vui thì đã không ít người đã phải lắc đầu ngao ngán vì nhiều kiến thức trong các cuốn sách kỹ năng sống không thiết thực, chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Sách dạy kỹ năng sống cho trẻ: Hãy thôi dạy những thứ "trên trời" ảnh 1

Câu chuyện gây xôn xao những ngày gần đây là bài học trong cuốn Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 (xuất bản năm 2003) với mục đích dạy học sinh về lòng dũng cảm. Trong bài học này, cuốn sách minh họa lòng dũng cảm bằng hành động học sinh đi trên một thảm thủy tinh vỡ dày. Điều này đã gây nên sự ngạc nhiên, thậm chí phẫn nộ cho nhiều phụ huynh. Dù theo NXB Giáo dục, đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách này thì trong lần tái bản mới nhất, bài học đi trên thủy tinh đã bị cắt bỏ, nội dung về lòng dũng cảm được đưa vào cuốn sách dành cho học sinh lớp 2, nhưng đến thời điểm này những cuốn sách như vậy vẫn được lưu hành. 

Tuy nhiên TS. Phan Quốc Việt, Chủ biên cuốn sách thì vẫn cho rằng ông không đưa bài học này vào sách nữa để “phù hợp với chủ trương của Bộ chứ không phải vì lý do nó gây nguy hiểm cho trẻ em”. Ông giải thích rằng: “Bài học dạy trẻ lớp 1 đi trên mảnh vỡ thủy tinh đã được Tâm Việt Group dạy học sinh 10 năm qua và chưa em nào bị chảy máu. Theo nguyên tắc trong vật lý, mảnh vỡ thủy tinh to cỡ 3 cm2 và độ dày 3 cm thì không thể cắt vào chân. Trên thảm thủy tinh, mảnh nào bé, thiết diện nhỏ thì áp suất lớn, sẽ bị chìm xuống dưới; mảnh nào to, thiết diện lớn thì áp suất bé, sẽ trồi lên trên. Và bao giờ giáo viên cũng dùng băng keo để dính lại những mảnh rất nhỏ. Như vậy đi trên thảm thủy tinh sẽ không bị đau, thậm chí còn êm chân”.

Ô, thì ra vậy, và việc thực hành này có chăng chỉ giúp số ít trẻ được thực hành trong điều kiện như trên vượt qua nỗi sợ hãi. Chứ đưa vào sách để minh chứng cho lòng dũng cảm thì có khi lại phản tác dụng, nếu chẳng may bé thấy những mảnh thủy tinh vỡ cũng dẫm luôn lên vì nghĩ rằng trong sách nói không nguy hiểm, nói như vậy mới là dũng cảm. Ngay cả các trò ảo thuật mạo hiểm, mặc dù các diễn viên được đào tạo để khi biểu diễn không xảy ra nguy hiểm, thì vẫn phải được khuyến cáo người xem không được tập làm theo.

Trên thực tế, trong nhiều cuốn sách dạy kỹ năng sống cho trẻ em tồn tại rất nhiều bất hợp lý, kiến thức không phù hợp với lứa tuổi và thiếu thực tế. Ở lứa tuổi tiểu học nhưng những bài học kỹ năng sống thường dài lê thê, yêu cầu trẻ phải nhớ một lượng kiến thức lý thuyết quá sức so với lứa tuổi, trong khi phần thực hành thì xa rời thực tế nhiều khi đến nực cười.

Chẳng hạn như trong bộ Thực hành kỹ năng sống cho học sinh tiểu học (xuất bản năm 2014) có những bài học như dạy trẻ lớp 1 cách… cười, với các bài thực hành như chỉ tay cười với bạn, cười không phát ra tiếng, cười với cây cối trong vườn…

Nhiều phụ huynh thắc mắc, không hiểu với các em học sinh tiểu học thì những bài học khó hiểu như thế này sẽ giúp các em có thêm kỹ năng gì. Hay bài học Xin lỗi, cảm ơn cuốn sách dạy trẻ “đặt tay lên ngực, cúi người xin lỗi”, điều này được cho là còn xa lạ với văn hóa Việt Nam. Hay trong cuốn “Thực hành kĩ năng sống” lớp 2, có phần bài tập yêu cầu học sinh “Kể tên 5 hoa hậu thế giới trong 5 năm vừa qua” hay “Kể tên 5 người đoạt giải Nô-ben năm 2012”. Với những câu hỏi này, người lớn còn chưa chắc đã trả lời được, huống hồ các em học sinh lớp 2. Học sinh lớp 3 thì được học hẳn “Tổng quan cấu trúc bài thuyết trình”, trong khi các em còn chẳng biết “bài thuyết trình” nó là cái gì.

Cuốn sách dạy kỹ năng sống cho học sinh lớp 4 thì yêu cầu học sinh phải ghi nhớ các chức năng của bán cầu não phải, bán cầu não trái… Còn học sinh lớp 5 thì các em còn được học cả cách “phân tích chữ Hán” để nhớ được các bộ chữ trong khi các em còn chưa biết chữ Hán, hay phải nắm được những kiến thức rất trừu tượng như các loại hình thông minh: Thông minh không gian, thông minh nội tâm, thông minh lô-gic, thông minh tâm linh…

Rõ ràng, các kiến thức dạy trong sách kỹ năng sống là không sai, nhưng câu hỏi đặt ra là với lứa tuổi học sinh tiểu học thì những kiến thức như vậy liệu sẽ giúp các em có thêm những kỹ năng gì áp dụng vào cuộc sống. Nhiều người cho rằng, mặc dù là sách tham khảo nhưng những bài học đưa ra trong cuốn sách có lượng kiến thức còn “nặng” không kém gì sách giáo khoa, và những cuốn sách này cũng thiên về lý thuyết hơn là thực hành, không gắn với thực tiễn cuộc sống.

Dù một số bài học, chi tiết kiến thức chưa phù hợp đã được hiệu chỉnh trong lần tái bản gần đây nhất nhưng câu hỏi đặt ra là lẽ nào những điều bất hợp lý đến như vậy mà những người biên soạn, xuất bản sách, những người làm giáo dục không nhận ra. Hay chăng có sự qua loa, hời hợt trong việc nghiên cứu, biên soạn sách dẫn đến việc “bê” nguyên những kiến thức ở nước ngoài, kiến thức chưa phù hợp vào sách. Và cũng thật buồn cười khi những người có chức năng thẩm định sách lại không nhận thấy những bất hợp lý này.

Việc “cường điệu hóa” khái niệm kỹ năng sống bằng cách đưa vào những kiến thức xa rời thực tế, những tình huống hiếm xảy ra, những tình huống đặc biệt khiến trẻ có học nhưng không có điều kiện thực hành thì cũng rất dễ quên. Dạy trẻ kỹ năng sống, trước tiên là phải giúp trẻ biết cách ứng xử để sống được một cách bình thường và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Chẳng hạn như dạy trẻ cách tự thực hành vệ sinh cá nhân, lễ phép với người lớn, cách ngồi học cho không vẹo cột sống, không cận thị, cách ứng xử với người lạ, xử lý khi bị đi lạc… Cao hơn chút là dạy các kỹ năng an toàn trong các trường hợp nguy hiểm. Các bài học trong sách cũng cần được thiết kế sao cho ngoài việc học trên lớp thì phụ huynh cũng có thể phối hợp giám sát, rèn luyện trẻ ở nhà thì mới đem lại hiệu quả.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như NXB Giáo dục đã ra công văn thu hồi các cuốn sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5 xuất bản năm 2014. Đây là những cuốn sách tồn tại nhiều kiến thức bất hợp lý nêu trên, nhưng không được thu hồi mà vẫn tồn tại trên thị trường khiến phụ huynh, giáo viên bức xúc.