Sa thải lao động sẽ khiến gia tăng chi phí khi trở lại hoạt động

ANTD.VN - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp lựa chọn giảm lương người lao động nhưng không sa thải. Họ tranh thủ thời gian này để đào tạo nhân lực.

Doanh nghiệp tìm nhiều cách để "sống chung" với dịch bệnh Covid-19

Báo cáo khảo sát doanh nghiệp (lần 2 thực hiện đầu tháng 4-2020) trong bối cảnh dịch Covid-19 do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng) chủ trì tiến hành khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã có hành động tích cực hơn đối phó với đại dịch.

Theo đó, dịch Covid-19 kéo dài khiến tất cả doanh nghiệp đều phải đối mặt với một thách thức rất lớn, đó là giải quyết công ăn việc làm cho người lao động khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị suy giảm.

Trong nhiều báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp, nguy cơ cần phải cắt giảm lao động để giảm chi phí sản xuất đã được đề cập tới. Tại cuộc khảo sát lần 1 của Ban IV tháng 3-2020, gần 40% doanh nghiệp trả lời tương tự.

“Tuy nhiên, hệ lụy của việc cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động khi hoạt động sản xuất được đẩy mạnh trở lại”- đại diện doanh nghiệp cho hay. Do đó, trong đợt khảo sát lần 2 này, chỉ có 4% số doanh nghiệp trả lời áp dụng biện pháp chấm dứt hợp đồng lao động và 10% không có giải pháp,  27% doanh nghiệp trả lời lựa chọn giải pháp giảm giờ làm, giảm lương nhưng vẫn duy trì số lượng lao động để cùng người lao động chung sức vượt qua thời gian khó khăn;

26% doanh nghiệp trả lời có trả trợ cấp cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh hoặc trong thời gian “cách ly xã hội” để giúp đỡ một phần cho người lao động; 17% doanh nghiệp vẫn trả lương bình thường.

Nếu dịch kéo dài thì 9% số doanh nghiệp trả lời này có thể sẽ không có khả năng đảm bảo được nỗ lực mà doanh nghiệp đang cố gắng.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách “chung sống” với dịch bệnh Covid-19. Theo đó, khoảng 60% số doanh nghiệp trả lời vẫn nỗ lực đảm bảo trả lương cho người lao động, trong đó ít nhất là đảm bảo mức lương tối thiểu hoặc trả lương bình thường và duy trì lao động như hiện tại cho đến khi doanh nghiệp hết khả năng;

26% doanh nghiệp trả lời phải cho lao động nghỉ việc tạm thời do dịch bệnh nhưng vẫn có trả trợ cấp cho lao động. 8 doanh nghiệp trả lời (3%) tranh thủ thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm để dành thời gian đào tạo nguồn nhân lực.

Kết quả khảo sát này cũng cho thấy nhận thức của doanh nghiệp về các biện pháp phòng, chống dịch được tăng lên rõ rệt.

Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp phòng chống rủi ro và trong số 81% số doanh nghiệp trả lời có duy trì làm việc tại văn phòng thì 100% trong đó đã chủ động phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: bắt buộc đeo khẩu trang, bố trí chỗ ngồi cách nhau 2m, trang bị nước rửa tay khử khuẩn...

Phần lớn doanh nghiệp trong số đó cũng đã thực hiện phân ca kíp, bố trí nhóm làm việc ngồi ở các vị trí khác nhau để hạn chế tiếp xúc. Nhiều doanh nghiệp khuyến khích nhân viên tập thể dục, nâng cao sức khỏe… 6% doanh nghiệp trả lời đã áp dụng cách thức tổ chức nơi lao động, sản xuất thành “vùng cách ly” để đảm bảo an toàn cho mọi người và không đứt gãy hoạt động của doanh nghiệp.

Kiến nghị giải pháp chống suy thoái, các doanh nghiệp xoay quanh các vấn đề là: Chính phủ thực hiện chính sách riêng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để doanh nghiệp được giảm thuế TNDN, thuế VAT và các loại thuế khác và cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế, đồng thời cho phép miễn đóng BHXH trong thời gian dịch bệnh;

Hỗ trợ vốn vay ưu đãi với doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch; Giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ vay; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu hàng hóa khi mà nguồn cung vượt qua cầu trong nước; Đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hành chính online để cắt giảm thời gian, chi phí thực sự cho doanh nghiệp.

Song song với  các kiến nghị trên, các doanh nghiệp đặc biệt phản ánh với Chính phủ việc thực hiện các giải pháp từ phía các Bộ còn chậm, cũng như việc tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tín dụng còn hạn chế, cần được nhanh chóng khắc phục.