Rút tiền ATM nhả ra giấy - dấu hỏi lớn về an toàn, bảo mật ngân hàng

ANTD.VN - Sự việc một khách hàng rút tiền tại cây ATM của Ngân hàng PVCombank nhưng lại nhận được những tờ giấy in dòng chữ 500.000 đồng đang đặt ra dấu hỏi về tính bảo mật, an toàn của các ngân hàng.

Sự việc một khách hàng rút tiền tại cây ATM của Ngân hàng PVCombank nhưng lại nhận được những tờ giấy in dòng chữ 500.000 đồng mặc dù không gây thiệt hại cho khách hàng, nhưng theo các chuyên gia nó đặt ra một dấu hỏi lớn về tính an toàn, bảo mật, hệ thống công nghệ cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng của nhà băng.

Không thể nói là sơ suất kỹ thuật

Sự việc hy hữu xảy ra chiều 1-3 khi một khách hàng khi rút tiền tại của tài khoản Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) từ cây ATM của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank).

Khi thực hiện thao tác rút 3.000.000 đồng từ cây ATM của PVCombank đặt gần siêu thị Big C Thăng Long trên đường Trần Duy Hưng, thay vì nhận được tiền mặt thì khách hàng lại nhận được 6 tờ giấy in dòng chữ 500.000 VNĐ.

Sự việc rút tiền ra giấy không đơn thuần là sơ suất kỹ thuật

Quá ngạc nhiên, khách hàng này đã thử rút lại một lần nữa với số tiền 500.000 đồng, và dưới sự chứng kiến của nhiều người thì cũng như lần trước, máy ATM lại nhả ra 1 tờ giấy in 500.000 VNĐ.

Giải thích cho sự cố này, phía PVCombank cho rằng đây là một sơ suất kỹ thuật. Theo đó, do ngân hàng đang chạy thử nghiệm máy ATM tại Big C Thăng Long, thời điểm khách tiến hành giao dịch đúng lúc nhân viên nhà thầu đang xử lý đường truyền tạm thời vắng mặt tại ATM.

Do đang trong quá trình chạy thử và nhà thầu chưa bàn giao kĩ thuật cho PVcomBank nên tiền thật chưa được tiếp quỹ và khách hàng đã rút ra tiền mẫu demo. PVCombank cũng cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, ngay lập tức đã thực hiện việc tra soát để hoàn trả tiền cho khách hàng.

Sự việc ngay lập tức được phía ngân hàng giải quyết nên không gây thiệt hại cho khách hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngay cả khi loại trừ những nguyên nhân có thể là nghiêm trọng mà phía ngân hàng không công bố, thì việc lấy lý do sơ suất kỹ thuật để giải thích cho sự cố này cũng là khó chấp nhận.

Chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sự cố này chứng tỏ hệ thống ATM của ngân hàng có một “lỗ hổng” rất lớn.

“Việc nhân viên kỹ thuật có mặt hay không có mặt ở đó là không quan trọng, mà quan trọng là nếu đang thử nghiệm thì phải có thông báo cho khách hàng. Ít nhât trên máy ATM đó phải có bảng thông báo hoặc thông báo qua điện thoại di động cho khách hàng. Việc giải thích như vậy là giải thích chống chế” – ông Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Cũng vì vậy, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, tuy hậu quả nhỏ nhưng sự cố này chứng tỏ hệ thống công nhệ cũng như vấn đề chăm sóc khách hàng của ngân hàng đang có vấn đề.

Đồng tình quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, không thể lấy lý do sơ suất kỹ thuật để giải thích cho sự cố này.

“Theo tôi đây là điều cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí không thể để xảy ra tình huống này được. Thử nghiệm thì phải có quy trình chặt chẽ chứ không thể làm như trò đùa như vậy được. Anh thử mà vẫn nối mạng, vẫn rút được thì là không được, mà nếu có rút được thì không thể bỏ đấy đi được” – luật sư Trương Thanh Đức nói.

Về khía cạnh luật pháp, theo luật sư Trương Thanh Đức, việc có xử phạt vi phạm đối với ngân hàng trong trường hợp này hay không cần đối chiếu với các quy định hiện hành. Tuy nhiên sự việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngân hàng.

“Để xảy ra một lỗi ngớ ngẩn như vậy thì khách hàng hoàn toàn có quyền nghi ngờ những vấn đề về bảo mật, an toàn của ngân hàng. Về lý, giả sử người ta rút ra vài chục triệu tiền giấy như thế, nếu ngân hàng không đền thì khách hàng cũng phải chịu, vì giao dịch thể hiện là rút tiền rồi, sao kê có rồi…” – luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Vi phạm hoạt động ATM, ngân hàng nào đã bị xử phạt?

Liên quan đến vấn đề xử phạt các ngân hàng vi phạm về hoạt động ATM, Nghị định 96/2014 quy định xử phạt tối đa 15 triệu đồng đối với những vi phạm liên quan đến việc lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động ATM; thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM; duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng, tiếp quỹ ATM…

Dù vậy, trên thực tế, không có số liệu nào từ phía các cơ quan chức năng công bố về những ngân hàng và các hành vi vi phạm bị xử lý.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, đặc thù ngành ngân hàng khi đã bị phạt thì “cực kỳ nghiêm trọng” nên có thể vì vậy mà không được công bố rộng rãi.

“Đối với các ngành nghề khác có khi phạt 1 tỷ đồng chẳng ảnh hưởng gì nhiều nhưng với ngân hàng phạt vài chục triệu đồng là chuyện “tày đình” rồi. Vì đi kèm đó là hàng loạt những chế tài khác như không được mở chi nhánh mới, rồi xếp hạng ngân hàng… gây ảnh hưởng nặng nề đến thương hiệu, hình ảnh ngân hàng” – luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Tuy vậy ông cũng cho rằng không nên quá cứng nhắc, máy móc trong việc xử phạt các ngân hàng vì những lỗi liên quan đến hệ thống ATM, vì “nếu phục vụ không tốt thì khách hàng tẩy chay chuyển sang ngân hàng khác”.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc xử phạt những vi phạm này mang tính chất mật nên các cơ quan xử lý như Ngân hàng Nhà nước cũng không bắt buộc thông báo rộng rãi, trừ trường hợp những vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn ngân hàng đó hoặc hệ thống.

"Tuy nhiên, theo tôi cơ quan chủ quản nên có một thống kê có bao nhiêu trường hợp bị xử phạt, và tính chất sự việc ra sao. Thông tin xử phạt đưa ra đại chúng sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của ngân hàng đương sự nhưng sẽ tốt cho hệ thống, vì bản chất của thị trường, anh nào có dịch vụ, sản phẩm tốt thì thị trường sẽ đón nhận và ngược lại” – ông Nguyễn Trí Hiếu nói.