“Rút ruột” ngân hàng chơi bạc, cựu nhân viên Seabank trả giá

ANTĐ - Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, Tú liên tục “phù phép” sổ tiết kiệm để có “vốn” chơi cờ bạc. Với hành vi phạm tội  này, cựu nhân viên Ngân hàng TMCP Đông Nam Á này đã phải trả giá đắt.

“Rút ruột” ngân hàng chơi bạc, cựu nhân viên Seabank trả giá ảnh 1Đỗ Anh Tú (ngoài cùng, bên trái) cùng 2 cựu nhân viên ngân hàng liên quan

Hôm qua (18-3), TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử đối với Đỗ Anh Tú (SN 1982, trú ở phố Thanh Vị, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây) - cựu nhân viên Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Chi nhánh Hà Nội (Seabank Hà Nội) về 2 tội “Tham ô tài sản” và “Đánh bạc”. 

Trước đó, ngày 24-10-2014, đối tượng cùng đồng bọn đã bị đưa ra xét xử, song phiên tòa bị hoãn lại để làm rõ thêm một số tình tiết của vụ án. Liên quan đến hành vi phạm tội của Tú, Lê Hồng Hải (SN 1981, ở thị trấn Gia Khánh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) - cựu Trưởng bộ phận quỹ Seabank Hà Nội và Lê Ngọc Quang (SN 1982, trú phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - cựu nhân viên Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàng Quốc Việt (Techcombank) cũng bị truy tố về tội “Đánh bạc”. 

Tài liệu truy tố thể hiện, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á có một phần vốn góp của Nhà nước. Năm 2009, Seabank Hà Nội tuyển dụng Đỗ Anh Tú vào làm việc, rồi giao cho đối tượng nắm giữ chức danh giao dịch viên tại Phòng giao dịch Hồ Gươm và nhân viên Quỹ tiết kiệm Nguyễn Hữu Huân. Lợi dụng việc được ngân hàng giao  trực tiếp nhận tiền gửi tiết kiệm, lập sổ, trả tiền tiết kiệm cho khách hàng, Tú đã làm giả hàng loạt giấy tờ để rút tiền chơi lô đề và cá độ bóng đá. Cụ thể vào thời điểm ấy, vợ chồng bà Nguyễn Thu Thảo và ông Đoàn Mạnh Giao (ở quận Cầu Giấy) 5 lần mang tiền đến Phòng giao dịch Hồ Gươm gửi tiết kiệm. Mỗi khi đến hạn thanh toán, do chưa có nhu cầu sử dụng tiền nên vợ chồng ông Giao lại đề nghị Tú tất toán sổ tiết kiệm cũ và lập sổ tiết kiệm mới. Sau mỗi lần giao dịch, Tú đều rút hết tiền (cả gốc lẫn lãi) của khách hàng ra khỏi hệ thống Seabank Hà Nội nhưng vẫn sử dụng phôi sổ tiết kiệm được giao quản lý để xác lập giao dịch “ma”. 

Khi bị điều chuyển sang Quỹ tiết kiệm Nguyễn Hữu Huân và không còn được quản lý phôi sổ tiết kiệm nữa, nhưng Tú vẫn tiếp tục “phù phép” hòng bưng bít toàn bộ số tiền hơn 10 tỷ đồng đã chiếm đoạt. Theo đó, từ tháng 11-2012 đến tháng 2-1013, mỗi khi vợ chồng ông Giao đến đáo hạn ngân hàng, đối tượng lại bỏ ra 10 triệu đồng và dùng tên vợ để nhập thông tin người gửi tiết kiệm vào hệ thống Seabank Hà Nội. Trên cơ sở ấy, ngân hàng đã cấp phôi sổ tiết kiệm mới để Tú xác lập giao dịch với khách hàng. Tuy nhiên, ngay khi có được phôi sổ tiết kiệm mới cấp cho vợ mình, Tú lại “chế” đầy đủ thông tin cá nhân của vợ chồng ông Giao và bàn giao sổ tiết kiệm khống cho khách hàng như không có chuyện khuất tất. Trong khoảng thời gian này, Tú đã 8 lần “phù phép” theo phương thức như vậy. Còn thực tế là hơn 10 tỷ đồng của vợ chồng ông Giao đã không nằm ở hệ thống Seabank ngay từ ngày đối tượng làm việc ở Phòng giao dịch Hồ Gươm.

Tại phiên tòa hôm qua, ngoài việc thừa nhận thủ đoạn “rút ruột” tiền gửi tiết kiệm của khách hàng như nêu trên, Tú còn khai đã dùng toàn bộ số tiền tham ô vào việc chơi lô, đề và cá độ bóng đá với Lê Ngọc Quang thông qua Lê Hồng Hải. Phương thức đánh bạc của các đối tượng là hàng ngày, Tú thông báo điểm, số tiền hoặc tỉ lệ cá cược nhận cửa cá độ bóng đá cho Quang bằng điện thoại. Tiếp đến, cựu nhân viên Seabank sẽ sử dụng tài khoản hoặc tiền mặt chuyển cho Quang thông qua Hải. Với cách thức chơi bạc đó, từ tháng 10-2011 đến tháng 2-2013, Tú đã nhờ Hải chuyển cho Quang hơn 20 tỷ đồng. Quá trình môi giới đánh bạc, Hải được Quang trả công khoảng 200 triệu đồng. Khi hành vi ma mãnh bị phát hiện, Tú còn sử dụng thêm một số chiêu trò lắt léo nữa để chuyển 4,6 tỷ đồng vào Seabank Hà Nội với mục đích sẽ từng bước xử lý gọn ghẽ những khuất tất xoay quanh món tiền hơn 10 tỷ đồng. Vậy nhưng tất cả những toan tính cùng chiêu trò của cựu nhân viên Seabank Hà Nội đã không thể thành hiện thực.

Nhận thấy hành vi phạm tội của cựu nhân viên Seabank cùng đồng phạm là rất rõ ràng và cáo trạng truy tố các bị cáo hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật nên sau 1 ngày xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Đỗ Anh Tú tù chung thân về tội “Tham ô tài sản”, 7 năm tù về tội “Đánh bạc”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo này phải chấp hành chung là tù chung thân. Với tội “Đánh bạc”, 2 bị cáo liên quan cùng bị tuyên phạt 6 năm tù giam.