Thi công những công trình giao thông ở nội thành:

Rút ngắn tiến độ, nhưng không được ẩu

ANTĐ - Vụ tai nạn nghiêm trọng làm 1 người chết, 2 người bị thương do sắt rơi từ công trường dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn lao động tại các công trình xây dựng trong nội thành. 

Rút ngắn tiến độ, nhưng không được ẩu ảnh 1Công trình thi công đường sắt trên cao gây lo lắng cho người tham gia giao thông khi phải đi qua

Thật sự an toàn mới được thi công trở lại

Nguyên nhân cụ thể của vụ tai nạn nghiêm trọng sáng 6-11 đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Bộ GTVT đã tạm đình chỉ toàn bộ dự án, yêu cầu xây dựng lại phương án thi công. Tổng thầu EPC cùng Tư vấn giám sát (Trung Quốc) đều khẳng định, trước khi thi công đã lên phương án đảm bảo an toàn thi công, được Bộ GTVT phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu phải lập lại phương án, trình Bộ GTVT xem xét và phê duyệt lại. Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu Tư vấn giám sát phải giám sát hàng ngày trên công trường, không chỉ giám sát chất lượng, tiến độ mà phải chịu trách nhiệm giám sát quá trình thi công của nhà thầu xem đã đáp ứng, tuân thủ các điều kiện chưa. 

Từ khi khởi công xây dựng đến nay, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã có khá nhiều tai tiếng. Thời gian thực hiện dự án ban đầu là 5 năm (từ tháng 11-2008 đến tháng 11-2013) sau đó gia hạn thêm nhiều lần, nhưng hiện vẫn chậm từ 3-6 tháng. Theo phê duyệt ban đầu, tổng mức đầu tư dự án gần 553 triệu USD, tuy nhiên, đến nay, tổng vốn đã đội lên tới 892 triệu USD. 

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, việc tạm đình chỉ để xây dựng lại phương án thi công có thể mất từ 5-7 ngày. Sau khi Bộ GTVT chấp thuận phương án mới, công trình sẽ thi công trở lại. Dù vậy, Bộ GTVT cũng đặc biệt yêu cầu, tiến độ công trình không thể chậm trễ, hạn chót đến ngày 31-12-2015 phải đưa vào khai thác thương mại. “Rút ngắn tiến độ không có nghĩa là làm ẩu mà phải huy động thêm máy móc, nhân lực cùng tham gia. Một đơn vị thi công làm không hết thì huy động thêm nhiều đơn vị cùng vào làm, 3-4 máy cùng làm một lúc sẽ nhanh hơn 1 máy”, ông Đinh La Thăng yêu cầu.

Mối nguy lơ lửng trên đầu

Hiện nay, nhiều tuyến phố của Hà Nội cũng đang ngổn ngang xây dựng với một số công trình như đường sắt đô thị số 1, đường vành đai 2 và sắp tới là đường vành đai 3 trên cao giai đoạn 2… Dọc các tuyến phố Nguyễn Trãi, Hoàng Cầu, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Quốc lộ 32… đường được rào chắn khiến giao thông đi lại khó khăn, ùn tắc thường xuyên. Dọc tuyến Hoàng Cầu, Nguyễn Trãi, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang lao lắp dầm trên cao, những khối bê tông, cốt thép lơ lửng trong khi dòng người lưu thông phía dưới. Tương tự, tuyến đường sắt đô thị số 1 đang thi công các nhà ga, tại các khu vực thi công những khối bê tông to, dày được xếp cao chót vót, cách lớp rào tôn mỏng manh là máy xúc, máy cẩu hoạt động, người đi đường vẫn phải nín thở mỗi khi đi qua. Tại ngã 5 Cầu Giấy, người và phương tiện phải lưu thông ngay phía dưới cầu vượt đang thi công, thậm chí là đứng chờ đèn xanh đèn đỏ dưới gầm công trường xây cầu. 

Theo một chuyên gia về an toàn lao động, vụ tai nạn xảy ra sáng 6-11, nguyên nhân chính do sự chủ quan, lơ là trong thi công. “Nhà thầu đã đánh giá rủi ro về an toàn lao động chưa? Có biện pháp phòng ngừa chưa? Đã sử dụng đúng và đủ phương tiện thiết bị thi công cũng như nhân sự hiểu biết về an toàn lao động chưa, đã bảo đảm trong khu vực bán kính cần cẩu hoạt động không có người không có trách nhiệm qua lại? Tổng thầu, chủ đầu tư, nhà thầu có biên bản cam kết về an toàn lao động không? Đã kiểm tra và cùng giám sát về an toàn lao động và môi trường? Nếu làm đầy đủ các bước này rồi thì tôi tin sẽ hạn chế tối đa rủi ro”, chuyên gia này phân tích.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, mấu chốt trong giữ an toàn tại các công trường xây dựng là chấp hành nghiêm quy chuẩn an toàn thi công, ý thức của người tham gia và khâu quản lý, giám sát. Trong khi đó, vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, Tư vấn giám sát không có mặt. Thêm vào đó, khi đơn vị thi công cẩu vật liệu, đào xúc… phải có cảnh báo tín hiệu cho người tham gia giao thông. Thế nhưng, nhiều công trình xây dựng trong nội thành, gây mất an toàn cho người xung quanh, vẫn thản nhiên thi công vào ban ngày, trong giờ cao điểm và chưa trú trọng đến cảnh báo.