Rút Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa

ANTĐ - Sáng 25-4, tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chính thức xin rút lại việc trình hồ sơ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) phổ thông để hoàn thiện và thẩm định lại.

Đề án đổi mới CT, SGK phổ thông của Bộ GD-ĐT cần phải bổ sung thêm nhiều nội dung

Không thể hoàn thiện sớm

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD-ĐT đã xin ý kiến và được Thủ tướng đồng ý xin rút nội dung thảo luận về báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc lần 6 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGD TTN&NĐ) của Quốc hội. Lý do được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đưa ra là vì cần có thời gian để hoàn thiện, thẩm định hồ sơ theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chưa trình dự án này ra Quốc hội tháng 5 tới. 

Cụ thể, Ban soạn thảo cần thời gian nghiên cứu về kinh phí thực hiện việc đổi mới CT, SGK. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đối với vấn đề kinh phí không trình được lần này vì phải có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính và các bộ liên quan, sau đó là ý kiến của UBVHGDTTN&NĐ của Quốc hội. Chính phủ sẽ có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo chính thức về vấn đề này. Bộ sẽ khẩn trương xây dựng Hồ sơ chi tiết, bao gồm cả nội dung về dự kiến kinh phí và lộ trình thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình  Thủ tướng Chính phủ xem xét theo đúng quy định.

Trước việc này, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB VHGDTTN&NĐ của Quốc hội cho biết: “Ủy ban chấp nhận lý do xin rút và đề nghị Bộ GD-ĐT sớm hoàn thiện thêm hồ sơ để việc trình đề án đạt đồng thuận cao, trong đó có vấn đề kinh phí”. Bên cạnh đó, theo  GS Đào Trọng Thi, về nguyên tắc, hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT không thể thiếu báo cáo tổng kết việc thực hiện CT, SGK giáo dục phổ thông hiện hành, thế nhưng báo cáo này chưa hề có. Được biết, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và CT, SGK giáo dục phổ thông và đưa ra Nghị quyết, trong đó nêu rõ cần tổng kết nghiêm túc, sâu sắc việc thực hiện CT, SGK hiện hành để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết đổi mới CT, SGK sau năm 2015. “Muốn có báo cáo tổng kết, Bộ GD-ĐT phải tổ chức tổng kết từ cơ sở lên, như vậy cần phải có thêm thời gian để làm việc này”- GS Đào Trọng Thi cho biết.

Vẫn cần có chương trình tổng thể

Trả lời thắc mắc về sự vội vàng trong việc trình dự thảo Nghị quyết về đổi mới CT, SGK phổ thông của Bộ GD-ĐT với một đề án có quy mô lên tới hơn 34 nghìn tỷ đồng, GS Nguyễn Minh Thuyết đã nhấn mạnh rằng trình tự, thủ tục của việc trình dự thảo lần này hoàn toàn không đúng quy định. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, đề án chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính mà mới là khái toán của Bộ GD-ĐT. “Tôi không hiểu tại sao tập thể Chính phủ chưa có ý kiến gì mà đã ủy quyền cho Bộ GD-ĐT sang trình với Quốc hội?”, GS Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề và cho rằng để được thông qua, trước tiên Chính phủ phải có chương trình tổng thể về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã. Điều này cũng được PGS.TS Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh khi góp ý với đề án này rằng: “Nên xây dựng một đề án tổng thể về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, trên cơ sở đó xây dựng những đề án cụ thể” .

Trước sự việc Bộ GD-ĐT xin lùi thời gian đổi mới CT, SGK để có thêm thời gian chuẩn bị, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, Bộ GD-ĐT làm như thế là đúng vì đổi mới CT, SGK chỉ là một khâu quan trọng nằm trong việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. “Đây là việc làm đại sự của đất nước không thể vội vàng được” - GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh. GS.VS Phạm Minh Hạc cũng cho rằng: “Bộ GD-ĐT phải tóm tắt đánh giá lại những cái được, chưa được của bộ SGK suốt 14 năm qua, có cứ liệu, số liệu minh họa. Đề án phải như một công trình khoa học thì mới thuyết phục được”.