Rượu độc vẫn có “đất sống”

ANTĐ - Thay vì dùng các loại quả tươi như: nho, đào để lên men tự nhiên - sản xuất rượu vang, nhiều cơ sở sản xuất đang “hạ độc” người tiêu dùng bằng cách chế rượu vang từ cồn công nghiệp, hương liệu, chất tạo màu và đường Trung Quốc. Hành vi trên được xác định gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, song rất khó để xử lý hình sự.

Champagne bị lực lượng công an thu giữ tại cơ sở nhà bà Hoa

Chuyển hồ sơ vụ rượu độc sang cơ quan điều tra

Như Báo ANTĐ đưa tin, sáng 26-12-2012, Đội 6 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường - CATP Hà Nội, phối hợp với Đội QLTT số 12 - Chi cục QLTT Hà Nội, đã kiểm tra cơ sở sản xuất rượu, nước giải khát Thiên Long (ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) do chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1980) làm chủ. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 3 thùng phuy to, chứa 200 lít cồn công nghiệp. Qua xét hỏi, chủ cơ sở thừa nhận, dùng cồn công nghiệp (không thuộc danh mục các chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm), kết hợp phẩm màu, đường Trung Quốc, hương liệu để pha chế rượu các loại như: Champagne, rượu vang đào…, song trên nhãn mác bao bì đều ghi rượu được sản xuất từ cồn thực phẩm. Với thủ đoạn trên, rượu Champagne, vang đào được bán chỉ với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/chai. Đây là vụ việc đầu tiên mà Cảnh sát PCTP về môi trường ghi nhận, phát hiện cơ sở sản xuất rượu bằng cồn công nghiệp. 

Sau đúng 1 tháng tạm giữ hàng hóa, lấy mẫu phân tích chất lượng, ngày 27-1, trao đổi với PV ANTĐ, ông Kiều Đình Cảnh - Đội phó Đội QLTT 12 cho biết, cơ quan giám định mẫu đã kết luận, các sản phẩm rượu tại cơ sở sản xuất rượu, nước giải khát Thiên Long chứa cồn công nghiệp. Theo chỉ huy Đội QLTT số 12, ngoài hành vi sản xuất rượu bằng hóa chất cấm, cơ sở này có dấu hiệu sản xuất hàng giả, tức là giả công dụng, chất lượng hàng hóa ghi trên bao bì, nhãn mác. “Thay vì dùng các loại quả tươi như: nho, đào để lên men tự nhiên - sản xuất rượu vang, cơ sở này lại “hạ độc” người tiêu dùng bằng cách chế rượu vang từ cồn công nghiệp, hương liệu, chất tạo màu và đường Trung Quốc, song lại in trên nhãn mác, bao bì, rượu được sản xuất từ cồn thực phẩm” - Ông Kiều Đình Cảnh giải thích. Trước dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trên, chỉ huy Đội QLTT số 12 đang báo cáo lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội, đề xuất chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý. “Dấu hiệu hình sự đã rõ, nhưng để chứng minh hậu quả, tức là tìm người tiêu dùng mua, sử dụng loại rượu này làm ảnh hưởng đến sức khỏe thì rất khó” - đại diện cơ quan QLTT chia sẻ đồng thời cho hay, nếu không bị xử lý hình sự, mức phạt hành chính chủ cơ sở này chỉ 50 triệu đồng.

Rượu vang được làm từ cồn công nghiệp

Thách thức pháp luật

Trung tuần tháng 1-2013, Đội 5 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường tiếp tục phối hợp với Đội QLTT số 12 kiểm tra việc chấp hành các quy định về VSATTP tại cơ sở sản xuất rượu do bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại phường Phú La, quận Hà Đông) làm chủ. Trước đây, cơ sở sản xuất rượu của bà Hoa đã 2 lần bị Đội QLTT số 26 và Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường kiểm tra. Năm 2009, “lò” sản xuất rượu này được xác định: vi phạm trong lĩnh vực y tế và hoạt động thương mại. Với lỗi trên, Chi cục QLTT ra quyết định xử phạt hành chính 40,4 triệu đồng, kèm hình thức tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số rượu vang nho và Champagne không đạt chất lượng tiêu chuẩn của cơ sở. Năm 2010, “lò” rượu này tiếp tục tái phạm khi sản xuất thực phẩm có vi sinh vật gây bệnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép, bị xử phạt 35 triệu đồng. Đến nay, bà Nguyễn Thị Hoa vẫn không chấp hành cả 2 quyết định xử phạt trên.

Trở lại diễn biến buổi kiểm tra đầu năm 2013, quá trình thực tế tại cơ sở sản xuất, lực lượng chức năng phát hiện 105 thùng (loại 12 chai/thùng) rượu vang nổ thành phẩm; 22 thùng Champagne (2 chai/thùng) bán thành phẩm, cùng nhiều can nguyên liệu vang nổ, rượu đã qua pha chế, cồn không có tem nhãn. Cùng việc kiểm tra hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên, phụ liệu sản xuất rượu, lực lượng chức năng bước đầu kết luận: Số rượu sản xuất tại cơ sở này có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo VSATTP nên đã niêm phong lấy mẫu phân tích. 

Nửa tháng sau buổi kiểm tra, ngày 25-1, PV ANTĐ đã tìm đến cơ sở sản xuất rượu của bà Nguyễn Thị Hoa để tìm hiểu thực tế. Trao đổi với chúng tôi, chủ cơ sở này khẳng định, vẫn sẽ không nộp phạt, dù kết quả phân tích chất lượng rượu buổi kiểm tra vừa xong có thế nào. Đáng chú ý, chủ cơ sở này luôn tỏ thái độ thách thức pháp luật, thách thức lực lượng chức năng.

Trao đổi với chỉ huy Đội QLTT số 12 về sự việc trên và được biết, các trường hợp có thái độ chống đối, theo quy định, chính quyền địa phương sẽ thành lập Hội đồng cưỡng chế xử lý vi phạm. Do là hộ kinh doanh cá thể, hội đồng cưỡng chế sẽ ra quyết định tạm giữ tài sản, tổ chức bán công khai để lấy tiền nộp phạt. Nếu tái phạm lần 2 sẽ áp dụng hình phạt tăng nặng. Cũng theo cán bộ Đội QLTT số 12, trong trường hợp bà Nguyễn Thị Hoa tái phạm lần 3, tiếp tục không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, xem xét xử lý hình sự đối với chủ cơ sở. 

Ngoài chế tài thiếu răn đe, việc các cơ quan chức năng không ráo riết thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đang “giúp sức” một số cá nhân sản xuất rượu giả, rượu không đảm bảo chất lượng, vi phạm VSATTP có “đất sống”.