Rước dâu bằng xe trâu: Kế hoạch hoàn hảo của bố vợ và con rể

ANTĐ - Những ngày vừa qua, trên các phương tiện truyền thông cũng như người dân xư Nghệ, và đặc biệt là gia đình cô dâu chú rể Đức và Hoa sốt xình xịch xung quanh chuyện đưa nàng về dinh bằng xe trâu.

Những ngày vừa qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như người dân xư Nghệ, và đặc biệt là gia đình cô dâu chú rể Đào Văn Đức và Hồ Thị Hoa ở xóm 9 xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đang sốt xình xịch xung quanh chuyện đưa nàng về dinh bằng xe trâu gây sửng sốt. Để giải mã những chuyện lạ đờ nhưng vô cùng độc đáo này, phóng viên đã tìm về tận ngôi nhà ấm áp của đôi trẻ để tìm hiểu thực hư và câu chuyện rất cởi mở của họ đã hé lộ những tình tiết bất ngờ của hạnh phúc.

Xe hoa đặc biệt

Ngày 11/3/2012 là một ngày vô cùng trọng đại và hạnh phúc đối với người dân xóm 9 xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) bởi không đơn thuần chỉ là ngày đôi trẻ Đào Văn Đức và Hồ Thị Hoa làm lễ hợp hôn, mà đây là lần đầu tiên kể từ hàng chục năm qua, cả xóm nhỏ này mới có một lễ cưới mà cả cô dâu lẫn chú rể đều là “người cùng nhà”, tức là trong xóm kết hôn với nhau. Bởi thế, ai cũng bỏ hẳn công viêc riêng tư để đến chúc phúc cho đôi trẻ. Đến giờ rước dâu, quan khách hai họ được tặng thưởng một món quà vô cùng độc đáo và bất ngờ, ấy là lễ rước dâu không xe hơi, không võng lọng mà chỉ độc một chiếc xe “bò lốp” (một loại xe tự chế dùng để cho trâu, bò kéo ở nông thôn), do một chú “đầu cơ nghiệp” kéo. Chiếc xe dâu được trang trí khá đơn giản nhưng lạ mắt, trên xe đặt hai chiếc ghế gỗ, xung quanh được kết bằng các dây tua rua rực rỡ sắc màu. Phía trước hai chiếc ghế là hình một trái tim lớn, để khi nhìn đối diện, quan khách sẽ thấy được cả tân lang tân nương đang hiện hữu trong đó.

Ngoài ra, chiếc xe dâu nhìn vào có cảm giác rất phiêu bồng bởi chung quanh được kết rất nhiều quả bóng bay đủ màu sắc, kích cỡ. “Bác tài” cũng được khoác một chiếc áo hoa rất bắt mắt, đích thân chú rể đã chăm bẵm rất kỳ công. Một ngày trước lễ thành hôn, chú rể đã tự tay tắm rửa, kỳ cọ cho chú trâu này sạch sẽ để nó không tức mình mà “giở trò” trong lúc kéo xe, và thực tế là nó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “đưa đò” của mình. Đoạn đường chưa đầy cây số, kể từ nhà chú rể Đào Văn Đức đến nhà cô dâu Hồ Thị Hoa, nhưng thực sự đó là lần đưa dâu hoạt náo và xôm tụ nhất từ trước đến nay ở xứ Nghệ. Hàng trăm người dân đổ ra chia vui, trẻ con hò hét, nam thanh nữ tú chạy lăng xăng cố ghi lại những hình ảnh độc đáo nhất, trong khi các cụ già bô lão thì tủm tỉm, kháo nhau về một lễ rước dâu độc nhất vô nhị từ thuở xa xưa đến giờ!

 

Ngay sau khi đám cưới của đôi trẻ với lễ rước dâu độc đáo nói trên diễn ra, tôi đã tìm gặp những người trong cuộc và đã có được những thông tin độc quyền khá thi vị. Chú rể Đào Văn Đức, sinh năm 1991, trong khi cô dâu Hồ Thị Hoa, nhiều hơn chú rể 2 tuổi. Hai người ở cùng xóm lại chung hội chăn trâu, cắt cỏ nên chẳng lạ gì nhau. Nhưng nói chú ý đến nhau thì phải đến khi Hồ Hoa xấp xỉ tuổi đôi mươi, ở quê đến tuổi này mà chưa lấy chồng thì bố mẹ đã lo sốt vó nên Hoa cùng mấy đứa bạn đồng cảnh ngộ lập nên hội “canh cô”, và Đức là một trong những tên thường hay châm chọc các bà cô “ế chồng” này nhẩt. Chính những lần như thế, hai người đã để ý nhau nhưng do xấu hổ, phần nữa vì Hoa hơn tuổi nên chẳng ai dám bày tỏ tình cảm của mình. Cho đến đầu năm 2010, chẳng ai hẹn ai nhưng cả Đức lẫn Hoa đều cùng vào miền Nam làm công nhân và tình cờ họ gặp nhau.

Sau một thời gian thấm thía nỗi cực nhọc nơi xứ người, đôi bạn trẻ rủ nhau về Bình Dương học nghề cắt tóc, trang điểm cô dâu để về quê lập nghiệp và tình yêu nảy sinh từ đấy.

Kế hoạch rước dâu độc đáo của bố vợ và con rể

Tiết lộ về câu chuyện quyết định góp vui cho ngày trọng đại của chính mình bằng việc đưa trâu kéo xe vào làm xe dâu, chú rể Đào Văn Đức chia sẻ, thực ra có một nguyên nhân khác, thôi thúc anh phải hạ quyết tâm thuyết phục mọi người để đưa chuyện trâu kéo xe vào ngày lễ hợp hôn của mình, ấy là vì... bố vợ. Nghe qua có vẻ hài hước và phi lý, nhưng quả thực, chuyện xe trâu biến thành xe dâu là kế hoạch hoàn hảo của bố vợ và con rể. Trước đó, khi hai gia đình còn chưa bàn chuyện cưới xin thì anh Đức đã được bố vợ là ông Hồ Viết Long kêu đến tỉ tê. Anh Đức vẫn còn nhớ, hôm ấy sau khi hai bố con làm một chầu nhậu sương sương thì bố vợ tương lai có hỏi dò anh ý định làm đám cưới như thế nào. Cứ nghĩ bên nhà vợ đòi hỏi phải mâm cao cỗ đầy, thách cưới siêu xe, siêu cỗ bàn nên anh đã bấm bụng nói đại, rằng sẽ thuê xe hơi Camry của hãng Toyota làm xe dâu, mâm cỗ sẽ đặt tại nhà hàng ở Vinh đưa về để lấy lòng nhạc phụ, nào ngờ ý tưởng này đã bị gạt phăng vì quá lãng phí.

Đoạn, nhạc phụ anh mới rỉ tai anh rằng, ngày xưa ông đã từng làm nên một đám cưới “huyền thoại”, khiến cho bạn bè, chòm xóm ai cũng nhớ mãi khi rước dâu bằng xe bò. Anh Đức nghe qua bò lăn ra cười vì không tin, cứ ngỡ bố vợ tương lai đang đùa trêu mình. Nhưng không, đó là một câu chuyện có thật, vừa nghiêm túc, vừa giản dị lại rất chân thành. Ấy là vào năm 1987, khi ông Long cưới vợ, cũng vì hoàn cảnh nên phải dùng xe bò kéo, nào ngờ điều đó đã trở thành một kỷ niệm đẹp không bao giờ quên.

Ngày đó, để “oai” với nhà gái, ông đã chạy khắp nơi để mượn được chiếc xe honda Simson (đang là mốt của dân chơi lúc bấy giờ) để đón dâu. Xui xẻo thế nào mà đến ngày đưa nàng về dinh, trời mưa như trút nước, đường làng ngập ngụa, không thể cứ thế mà lội bì bõm được nên thượng sách lấy xe bò làm xe dâu đã được thực thi. Cũng vì chữa cháy nên hôm đó, con bò được đưa ra kéo xe đã hoảng sợ lồng lên, may đường lầy lội, xe lại nặng nên không xảy ra cơ sự gì. Không biết có phải vì rước dâu lạ lùng thế hay không mà mấy chục năm qua, vợ chồng ông Long đã sống rất hạnh phúc, con cái vừa có nếp có tẻ, ngót mấy chục năm vợ chồng không cãi nhau lấy nửa lời. Có lẽ, vì cái kết ngọt ngào ấy nên ông này cũng muốn con cái mình sẽ được thừa hưởng một hạnh phúc tượng tự thế nên đã gợi ý chuyện rước dâu bằng “siêu xe trâu” như chính ông đã thực hiện.

Mới nghe qua, anh Đào Văn Đức thấy có vẻ rất kỳ cục, ban đầu sợ bạn bè và mọi người sẽ cười chê. Nhưng về nhà ngẫm lại, anh thấy ý tưởng đó cũng hay và quyết định nghe theo sự tư vấn của nhạc phụ. Anh bàn với vợ tương lai và bố mẹ đẻ của mình ý tưởng, ban đầu ai cũng giãy nảy lên nhưng về sau, thấy anh Đức có vẻ quyết tâm nên ai cũng thuận tình. Kế hoạch trang trí xe hoa, chăm sóc cho trâu được thực hiện từ trước ngày cưới chính thức khoảng 2 tuần.

Ý định ban đầu là dùng con bò nhà bố vợ để keo xe, nhưng Đức lại thích dùng “đồ nhà mình”, nên đã dùng con trâu của gia đình, còn con bò được đưa vào kế hoạch dự phòng. Nghĩa là, nếu hôm ra giữa quan khách hai họ, chú trâu hoảng sợ không kéo hoặc lồng lên thì sẽ dắt chú bò ra thế chỗ. Nhưng thật hơn cả mong đợi, không những quan viên bè bạn không có ai chê cười mà tất cả đều cổ vũ, ủng hộ hết mình cho ý tưởng mới lạ, độc đáo này, trong khi chú trâu tỏ ra rất biết điều, đã hoàn thành quá xuất sắc sứ mệnh cầu nối hạnh phúc.

 

Hạnh phúc mới

Nói về đám cưới rước dâu bằng “siêu xe trâu” của mình, chú rể Đào Văn Đức bẽn lẽn, thực tình khi quyết định dùng xe trâu đón dâu, cũng chỉ nghĩ là làm bố vợ và vợ vui, với lại anh cũng thấy ý tưởng ấy độc đáo, mới lạ nên quyết định ghi dấu ấn cho ngày lễ trọng đại đời mình. Bây giờ, thấy mọi người quan tâm nhiều, anh cũng thực sự vui và hạnh phúc. Trong khi đó, cô vợ trẻ Hồ Thị Hoa thì tỏ ra hãnh diện về người chồng “phi công trẻ” của mình, chị cho hay, tuy ít tuổi nhưng Đức luôn chững chạc và làm cho chị thấy đủ tin tưởng để cùng nhau đi suốt cuộc đời. Đức cũng là người thông minh, lãng mạn và khéo tay, luôn tự mình làm những món quà bất ngờ cho người yêu trong suốt thời gian hai người yêu nhau.

Hôm thấy nhà trai đến rước dâu bằng “siêu xe trâu”, ban đầu chị cũng hơi hoảng sợ tý chút, nhưng được sự động viên của chú rể và bà con hai họ, chị đã mạnh dạn bước lên ngồi cạnh tân lang trong niềm hạnh phúc khấp khởi. Trong khi đồng ý tưởng sáng tạo, ông Hồ Viết Long, bố vợ của chú rể thì cứ cười ngất khi nhắc lại chuyện này, ông bảo, thực ra hôm đó cũng làm quá chén nên đem chuyện tình ngày xưa của mình ra kể lể, đoạn nửa đùa nửa thật bảo chúng bây, cứ theo bố mẹ mà làm thì sẽ sống đến đầu bạc răng long. Ai dè, bọn trẻ làm thật khiến ông cũng thơm lây.

Anh Đào Văn Đức và chị Hồ Thị Hoa chia sẻ thêm, vì là nhà quê nên anh chị chẳng đi tuần trăng mật ở đâu cả mà sau hôm lại mặt, cả hai đã tất tả ra đồng để chăm sóc ruộng lúa đang thời kỳ con gái. Hai vợ chồng cũng đang xúc tiến để mở cửa hiệu cắt tóc, làm đầu và trang điểm cô dâu, cho thuê váy cưới. Hôm lễ cưới của hai người, chính Đức đã tự tay trang điểm cho vợ, Hoa cũng làm phần việc ấy cho chồng mình và được mọi người khen ngợi hết lời. Đó chính là động lực để hai vợ chồng hạ quyết tâm sống bằng nghề mình đã học được trong thời gian bôn ba xứ người.