Rưng rưng nét vẽ trẻ mồ côi trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid -19 như cơn bão quét qua cuộc đời làm nhiều em nhỏ mất cha mẹ, khiến họa sĩ Lê Sa Long rớt nước mắt. Anh dành nhiều thời gian cho các bức vẽ tranh thiếu nhi để chuyển tải những thông điệp thời sự từ đời sống.

Đai dịch Covid-19 mấy tháng qua đã khiến hơn 1.500 trẻ ở TP.HCM bỗng chốc mồ côi. Em mất cha, em mất mẹ, em thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, đau thương, khó khăn chồng chất trên con đường học tập và cuộc sống của các em. Là một họa sĩ, Lê Sa Long đã diễn tả nỗi đau mà các em nhỏ sớm gánh chịu.

Những sáng tác của anh về tuổi thơ cứ rưng rưng, ngay cả khi tác phẩm vẫn còn dang dở trên giá vẽ. Mỗi bức tranh là một câu chuyện về những em bé trong ngày dịch bệnh.

Lê Sa Long kể, học trò của anh có 2 cô con gái ngoan và xinh. Năm ngoái, 2 vợ chồng chở xe máy hai con nhỏ lên Sài Gòn dự lễ Vu lan ở chùa Pháp Hoa cùng vợ chồng họa sĩ Lê Sa Long. Nhìn gia đình trẻ cùng 2 cháu bé mặc áo dài xúng xính đi lễ chùa, anh như cảm được "sắc màu" của hạnh phúc. Họa sĩ vẫn nhớ, ở trong không gian của chùa Pháp Hoa, thấy những người đeo hoa hồng trên áo, cô bé đã thắc mắc vì sao có người đeo hoa hồng đỏ, hoa hồng trắng, hay màu hồng.

Bức "Mẹ ơi! Con nhớ mẹ lắm"

Bức "Mẹ ơi! Con nhớ mẹ lắm"

Mẹ bé giải thích cho con. Người nào còn cha mẹ trên đời sẽ gắn bông hồng đỏ, người nào chỉ còn cha hoặc mẹ sẽ gắn bông hồng màu hồng, còn khi mất cả cha mẹ sẽ đeo hoa hồng màu trắng.

Nghe vậy, cô bé liền nói, bé chỉ thích hoa hồng đỏ vì muốn ba mẹ sống cùng con tới già, khiến cho ai nghe thấy cũng bật cười vì lời nói ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Thế nhưng "cơn bão" Covid đã cướp mất mẹ của em. Họa sĩ đã liên tưởng tới hình ảnh, sau này bé có đi chùa, sẽ được các Phật tử gắn lên ngực một bông hoa màu hồng. Có lẽ khi ấy, những giọt nước mắt sẽ lăn xuống đôi má bầu bĩnh, và em sẽ nhớ nhiều, rất nhiều về người mẹ đã khuất vì Covid.

Xúc động trước hoàn cảnh của bé, Lê Sa Long đã vẽ bức "Mẹ ơi! Con nhớ mẹ lắm" thể hiện gương mặt trẻ thơ với giọt nước mắt lăn dài trên má.

Họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ, ngày nào anh cũng nghe tin người quen mất do dịch bệnh, nên thấu hiểu sự khốc liệt của đại dịch. Bạn bè facebook của anh, nhiều người đã đổi avatar sang màu đen. Hôm vừa rồi, một học trò của anh, giờ là giáo viên Mỹ thuật ở Bà Rịa-Vũng Tàu báo tin vợ mất trong tiếng khóc nức nở: “Vợ em đi nhanh quá thầy ơi! Chỉ vào viện mới có 2 ngày. Giờ em phải làm sao khi hai con em còn nhỏ dại. Ước gì em đi thay cô ấy".

Nghe tin này, họa sĩ Lê Sa Long lặng người đi trước mất mát mà người học trò đang phải trải qua. Có lẽ sự đồng cảm và thấu hiểu về những tang thương của bạn bè, học trò đang hứng chịu từ đại dịch, Lê Sa Long là một trong những họa sĩ thành công khi lấy đi nước mắt của người xem với các bức tranh khắc họa nỗi đau mà con người, đặc biệt là trẻ nhỏ trải qua. Bức tranh mới nhất "Nỗi đau bà và cháu sau cơn bão Covid", anh thể hiện hình ảnh 2 cháu nhỏ với vành khăn tang gục đầu vào vai bà, khiến ai nấy cũng cảm thấy xót xa, nghẹn ngào.

Bức "Nỗi đau bà và cháu sau cơn bão Covid"

Bức "Nỗi đau bà và cháu sau cơn bão Covid"

Đại dịch rồi cũng sẽ đi qua, nhưng nỗi đau mất đi người thân yêu sẽ còn theo các em suốt cuộc đời. Những tác phẩm hội họa được vẽ ra ở đây của Lê Sa Long, chỉ phần nào khắc họa được sự mất mát mà các em hứng chịu do dịch Covid mang lại. Vì thế, họa sĩ mong rằng, các em sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, gia đình để vơi đi nỗi đau, không em nào cảm thấy lẻ loi, bị bỏ mặc lại phía sau. Sự sẻ chia, động viên sẽ giúp các em có động lực để vượt qua và bước tiếp về tương lai.

Họa sĩ Lê Sa Long dành nhiều tình cảm cho trẻ nhỏ trong các sáng tác hội họa về đại dịch. Bởi đây là đối tượng dễ tổn thương và cần sự chăm sóc đặc biệt. Trước đây, anh từng vẽ hình ảnh em bé có ba mẹ là F0 được nuôi dưỡng từ dòng sữa ngọt ngào của nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (30 tuổi, quê Lâm Đồng) đang làm việc tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM. Rồi hình ảnh bé trai hơn 9 ngày tuổi cùng bố mẹ vượt hơn 1.000 km bằng xe máy về quê tránh dịch như bóp nghẹt trái tim anh.

Họa sĩ Lê Sa Long cho biết: “Vẽ tranh này thâu đêm mới xong, tự nhiên tôi muốn đặt tên tranh là "Ngủ ngon Akay" với mong muốn, bé lớn lên sẽ ngoan cho ba mẹ đi làm và nhớ mãi chuyến hành trình khó quên cùng tấm lòng của đồng bào Việt Nam trong dịch bệnh lịch sử”.