Rùng mình ổ phá thai chui ở Yangon

ANTD.VN - Trong một căn phòng khách sạn ở thành phố Yangon (Myanmar), Thiri (28 tuổi) uống thuốc để phá thai ngoài ý muốn sau khi bị bạn trai bỏ rơi. Đây là một câu chuyện khá phổ biến không chỉ ở Myanmar mà nhiều nơi trên thế giới, những nơi vẫn xem phụ nữ là “gái hư” nếu “ăn cơm trước kẻng”.

Luật pháp Myanmar cấm phá thai, bác sĩ vi phạm sẽ đối mặt với bản án 10 năm tù giam

Văn hóa im lặng và bêu xấu phụ nữ  “ăn cơm trước kẻng”

Sau khi biết tin bạn gái có thai, người bạn trai của Thiri (tên đã được thay đổi) đã đột ngột biến mất. Không còn lựa chọn nào khác, Thiri đành liều đến chợ đen mua thuốc phá thai. “Lúc uống liều thuốc cuối cùng, tim tôi đập thình thịch, người run rẩy, bụng đau dữ dội. Bây giờ tôi sợ mình khó có thể mang thai thêm lần nào nữa”, Thiri  kể lại. 

Luật pháp Myanmar cấm phá thai trừ khi sinh mạng người phụ nữ bị đe dọa và các bác sĩ không tuân thủ sẽ đối mặt với bản án tối đa 10 năm tù giam. Thậm chí nói về vấn đề tình dục ở nước này cũng bị xem là điều cấm kỵ. “Phụ nữ không được phép quan hệ tình dục trước hôn nhân”, Thiri không dám nói với chồng sắp cưới về việc cô từng phá thai cách đây 2 năm. Thiri luôn tự nhủ: “Đó là một bí mật”.

Các chuyên gia nhận định, văn hóa im lặng và bêu xấu phụ nữ “ăn cơm trước kẻng” khiến 250.000 phụ nữ Myanmar hàng năm phải tìm cách phá thai “chui”. Cứ 100.000 phụ nữ mang thai thì có 282 người tử vong, tỷ lệ này của Myanmar đứng thứ hai ở Đông Nam Á và gấp đôi tỷ lệ trung bình cả khu vực. “1/3 số phụ nữ mang thai tử vong ở Myanmar có liên quan đến phá thai”, Giám đốc Sid Naing của Tổ chức phi Chính phủ Marie Stopes lưu ý.

“Mỗi năm thế giới có 25 triệu ca phá thai không an toàn. Đây là điều đáng ngạc nhiên vì về mặt khoa học, phá thai an toàn là thủ thuật can thiệp đơn giản”.

TS. Bela Ganatra (Ban nghiên sức khỏe sinh sản, Tổ chức Y tế thế giới)

Hầu hết các hồ sơ bệnh viện liệt kê phụ nữ phá thai ở độ tuổi 20-30, và một số ở độ tuổi 40. Nhiều phụ nữ đã kết hôn cũng mang thai ngoài ý muốn. “Phụ nữ bị đe dọa nếu họ không quan hệ tình dục với chồng. Họ không thể thỏa thuận với chồng về việc dùng bao cao su”, bà Htar Htar, nhà sáng lập Tổ chức Bảo vệ nữ quyền Akhaya Women cho hay.

Ngoài việc mua thuốc phá thai từ chợ đen, hàng nghìn phụ nữ trẻ ở Myanmar hàng năm tìm đến các cơ sở phá thai trái phép hay “lang băm”. Các chuyên gia cho biết hàng chục người tự xưng bác sĩ hoạt động ngầm ở thành phố Yangon, với giá 30.000 - 100.000 Kyat (20-75 USD)/ca nạo phá thai.

Nhiều trường hợp phụ nữ xuất huyết chết ngay tại cơ sở phá thai trái phép và số khác bị nhiễm trùng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Bác sĩ Ni Ni, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ nữ quyền IPAS, đưa ra một trường hợp cụ thể gần đây là bé gái 14 tuổi phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ tử cung bị thủng vì lang băm dùng nan hoa xe đạp uốn cong để kéo thai nhi ra.

25 triệu ca phá thai không an toàn trên thế giới mỗi năm

Báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 56 triệu ca phá thai, gần 50% trong số này được thực hiện không an toàn. Báo cáo nêu rõ, trong giai đoạn 2010-2014, mỗi năm có 25 triệu ca phá thai được thực hiện không an toàn, 97% trong số đó ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Khoảng 88% các ca phá thai là ở những nước đang phát triển, nơi thường thiếu các biện pháp tránh thai, theo Tiến sĩ Gilda Sedgh tại Viện nghiên cứu Guttmacher (Mỹ), đơn vị phối hợp cùng WHO công bố báo cáo nói trên.

Là một quốc gia phương Tây phóng khoáng như Mỹ, mới đây, Tổng thống Donald Trump đã khôi phục lại chính sách yêu cầu các tổ chức phi chính phủ nhận quỹ hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình toàn cầu của Mỹ phải chứng thực rằng họ không thực hiện phá thai hoặc tư vấn phá thai như là biện pháp kế hoạch hóa gia đình. 

Trong khi đó, ở quốc gia có tỷ lệ người mẹ tử vong đứng cao ở Đông Nam Á là Myanmar, 2 năm qua, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Myanmar hỗ trợ 10 triệu USD cho chương trình kế hoạch hóa gia đình. Cơ quan này cùng những tổ chức phi chính phủ nỗ lực vận động, đề xuất hủy bỏ luật cấm phá thai để bảo vệ phụ nữ. “Nếu chính phủ hủy bỏ lệnh cấm, sẽ cứu sống được nhiều người”, Thiri chia sẻ.