Rùng mình… mỡ nước “bẩn”
(ANTĐ) - Thời gian qua, Cảnh sát môi trường Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện hàng chục tấn mỡ động vật đang trong quá trình phân hủy trên đường đi tiêu thụ. Sự việc này một lần nữa khiến dư luận xôn xao, lo lắng về chất lượng của các mặt hàng thực phẩm. Điều đáng nói là đến thời điểm hiện tại, ở các chợ, mặt hàng mỡ động vật, mỡ nước không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai với giá rẻ bất ngờ...
Mỡ động vật và dầu ăn không rõ nguồn gốc được để dưới lòng đường. |
Hút khách vì giá rẻ…
Tại chợ Phùng Khoang trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, khi chúng tôi hỏi mua mỡ nước, chủ quầy hàng chỉ ngay 1 chiếc can nhựa cáu bẩn, bám đầy bụi đất (vốn được đựng dầu ăn) nằm lăn lóc ven đường rồi “tiếp thị”: “Can 5 lít giá 55.000đ, nếu mua nhiều sẽ được giảm giá, chỉ còn 10.000 đ/lít. Đây là mỡ lợn nguyên chất, không cần chế biến mà sử dụng được ngay, rất tiện”. Khi mở nắp can, chúng tôi thấy mỡ có mùi hôi, màu vàng đục và có nhiều cặn đen.
Giải thích về mùi lạ này, chủ cửa hàng bĩu môi: “Mỡ nào để đông lại chẳng có mùi, cứ đun nóng lên là thơm lừng”. Tại cửa hàng này, chúng tôi gặp bà Vũ Thị Hà, ở phố Hồ Tùng Mậu, huyện Từ Liêm đi mua mỡ. Dường như là khách quen của cửa hàng, bà Hà không cần mặc cả, mua luôn 10 lít mỡ với giá 90.000đ. Khi được hỏi về mục đích sử dụng, bà Hà cảnh giác: “Nhà tôi bán hàng ăn, mua mỡ chưa qua chế biến về làm vừa mất công, vừa hao mà giá thành lại đắt. May mà có mỡ này, vừa nhanh vừa tiện”. Tuy vậy, khi được hỏi “bà có quan tâm đến chất lượng mỡ”, bà Hà cười xòa: “Mỡ này tôi chỉ dùng để làm hàng chứ không sử dụng cho gia đình. Mà từ trước đến nay đã xảy ra vụ ngộ độc mỡ lợn nào đâu”?!
Được biết, giá thành mỗi kilôgam mỡ lợn chưa qua chế biến là 12.000đ/kg. Để có 1kg mỡ nước người ta cần khoảng 2kg mỡ sống. Như vậy, giá thành mỗi kg mỡ này lên tới trên 20.000đ. Trong khi đó trên thị trường giá mỡ chế biến sẵn chỉ có giá từ 10-12.000đ, rẻ chỉ bằng 1/2. Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Tuấn, ở Trâu Quỳ, Gia Lâm - Chủ cửa hàng bán mỡ nước tiết lộ: “Hàng ngày, tôi cho người đi thu mua mỡ lợn, mỡ bò... ở các chợ hoặc do người ta mang hàng đến. Việc chế biến khá đơn giản, chỉ cần thái nhỏ các loại mỡ khi mua về, cho vào chảo lửa, đun sôi, rán rồi lọc cặn và đổ vào can, đóng gói, chờ mỡ đông lại sau đó giao cho các bếp nấu ăn tập thể, công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất bánh kẹo gia công, khu công nghiệp, nhà hàng, quán ăn.
Một trong những “bí quyết” để hạ giá thành mỡ xuống là các cơ sở chế biến mỡ còn tìm mua lại mỡ đã qua sử dụng tại các nhà hàng để trộn lẫn vào với mỡ mới chế biến. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài mỡ động vật còn có mặt hàng dầu ăn tự chế, tái chế cũng được bày bán khá phổ biến với giá chỉ bằng 40% giá dầu ăn “xịn”. Không chỉ được bán tại các chợ mà mặt hàng mỡ nước còn được rao bán rầm rộ trên mạng Internet với các thông tin quảng cáo hấp dẫn như: “Bán mỡ nước nguyên chất, chưa qua sử dụng, trắng, thơm ngon, mỡ rán kỹ nên có thể để được lâu (bán hàng có uy tín nhiều năm, đảm bảo chất lượng). Giá bán là 12.000đ/kg. Mua nhiều sẽ được giảm giá”…
Mỡ đã chế biến: giá rẻ bao nhiêu cũng có! |
Chưa có cơ quan kiểm định chất lượng
Điều đáng nói là hầu hết các cơ sở chế biến mỡ động vật đều hoạt động chui. Do cách chế biến đơn giản, lãi cao nên các cơ sở này mọc lên ngày càng nhiều. Mặc dù mỡ động vật được tiêu thụ khá mạnh, là thực phẩm thiết yếu dùng hàng ngày của mỗi gia đình, song hiện vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý và kiểm định chất lượng mặt hàng này.
Được biết, ngày 10-9 vừa qua, tổ công tác liên ngành về môi trường Hà Nội đã phát hiện 1 chiếc xe ôtô chở hơn 3 tấn mỡ động vật đang trong giai đoạn phân hủy bốc mùi hôi nồng nặc, đang trên đường vận chuyển về huyện Đông Anh tiêu thụ. Một ngày sau đó, Phòng CSMT (CATP Hà Nội) lại phát hiện trong nhà kho của trụ sở một công ty tại huyện Đông Anh chứa hơn 20 tấn mỡ và tóp mỡ động vật đóng thành bao. Tại thời điểm kiểm tra, công ty này còn đang tiến hành bốc dỡ các bao tải dứa chứa mỡ động vật ôtô tải với khối lượng lên tới 27 tấn. Chủ cơ sở không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và giấy chứng nhận kiểm dịch về số thực phẩm này.
Mỡ động vật, dầu ăn bẩn, kém chất lượng khi sử dụng sẽ tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm đối với người tiêu dùng. Nguy hiểm hơn, đối với dầu ăn tái sử dụng trên một lần để chế biến thực phẩm thì dầu ăn sẽ trở thành chất độc hại. Dầu ăn khi đun ở nhiệt độ cao sẽ bị ôxy hóa và polymer hóa nên mất dinh dưỡng, đặc biệt khi thức ăn bị cháy đen trong môi trường dầu sẽ trở thành chất carbon - nguyên nhân gây ung thư.
Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2008, cả nước xảy ra 205 vụ ngộ độc thực phẩm làm 7.828 người mắc, 61 người tử vong. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009 trên toàn quốc đã xảy ra 72 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.069 người mắc, 29 người chết. Trước tình trạng này, để ngăn chặn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với mỡ động vật, dầu ăn, đề nghị cơ quan y tế cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những cá nhân cơ sở sản xuất mặt hàng trên không phép, kém chất lượng, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng...
Huệ Linh