Rùng mình “công nghệ” chế biến bì lợn

(ANTĐ) - Báo ANTĐ đã phản ánh về việc thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên ngành liên tiếp bắt giữ những sản phẩm như: bì lợn, mỡ động vật bốc mùi.

Rùng mình “công nghệ” chế biến bì lợn

(ANTĐ) - Báo ANTĐ đã phản ánh về việc thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên ngành liên tiếp bắt giữ những sản phẩm như: bì lợn, mỡ động vật bốc mùi.

Ai dám khẳng định bì lợn này đảm bảo ATTP?

Ai dám khẳng định bì lợn này đảm bảo ATTP?

Đặc biệt, trước đó, Đội QLTT số 4 - Chi cục QLTT Hà Nội đã phát hiện bắt quả  tang vụ vận chuyển 2,6 tấn bì lợn thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được vận chuyển đi tiêu thụ. Theo tìm hiểu, số hàng trên được chế biến tại thôn Thượng Hội, xã Tân Hội (huyện Đan Phượng).

Kinh hoàng vệ sinh ATTP

Tại Tân Hội có khoảng 20 cơ sở chuyên chế biến bì lợn làm nem thính, nem chua hay sơ chế sau đó xuất đi các nơi khác để làm bì bóng... Bên cạnh đó, các hộ làm bì lợn còn kiêm thêm nghề quay mỡ lợn để “đổ” cho các nhà hàng, quán cơm bình dân...

Có mặt tại cơ sở chế biến bì lợn của gia đình anh Nguyễn Tiến Đức, thôn Thượng Hội, xã Tân Hội - nơi xuất đi hơn 2 tấn bì lợn đã bị các cơ quan chức năng thu giữ, tiêu hủy, ấn tượng ban đầu là mùi hôi thối, tanh nồng của bì lợn ngâm trong các bể lớn, bì lợn vừa thu mua về còn chất đống. Cùng với bầu không khí ngột ngạt đầy ruồi nhặng, cạnh đó, 3-4 công nhân cặm cụi làm việc.

Theo anh Đức, trung bình mỗi ngày cơ sở của anh thu mua khoảng 5 tạ bì lợn từ các thương lái nhỏ, lẻ khắp nơi đổ về đây. Bì lợn sẽ được lọc mỡ, cạo lông, cho vào ướp muối sau đó cung cấp cho các cơ sở làm nem chua, keo dán công nghiệp… Anh Đức cho biết, thông thường sau khi ướp muối từ 2-3 ngày sẽ xuất hàng đi, song, cũng có những chuyến hàng chậm có thể phải ướp từ 5-10 ngày.

Anh Đức khẳng định, bì lợn chỉ được ngâm bằng nước muối, ngoài ra không có hóa chất gì khác, do vậy, không nguy hiểm hay ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nhưng, ai đã một lần được chứng kiến tận mắt cảnh chế biến chắc sẽ không còn đủ can đảm để thưởng thức món nem thính, nem chua.

Ngoài nghề sơ chế, chế biến bì lợn, tại thôn Thượng Hội còn có nghề rán mỡ lợn. Mỡ lợn được thu mua từ khắp các nơi, từ mỡ được lọc ở bì, đến mỡ tràng, mỡ vụn...

Cơ sở của anh Nguyễn Ngọc Dũng (thôn Thượng Hội), mỗi ngày rán từ 7-8 tạ mỡ lợn “đổ” cho các nhà hàng, quán ăn. Song, tất cả đều không có giấy chứng nhận cũng như kiểm dịch vệ sinh ATTP. Trong một không gian chật hẹp nhưng khối lượng công việc lại không hề nhỏ, khiến bầu không khí xung quanh cơ sở chế biến đặc quánh và cơ man nào là ruồi nhặng. Sau khi rán, mỡ lợn được đổ vào thùng phuy và phân phối cho các thương lái nhỏ, lẻ bán cho các nhà hàng.

Anh Nguyễn Tiến Đức cho biết, lô hàng bị các cơ quan chức năng thu giữ ngày 4-9 là do không có giấy tờ kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, anh Đức cho rằng, anh làm nghề chế biến bì lợn đã gần 10 năm nay, hầu hết các chuyến hàng xuất đi đều không có giấy tờ, không kiểm dịch và đều trót lọt, duy nhất chuyến vừa qua là bị phát hiện, thu giữ (?!).

Quản lý lỏng lẻo

Những miếng mỡ có đầy giòi, bọ bị Đội QLTT số 4 - Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện, bắt quả tang đêm 9-9 vừa qua.
Những miếng mỡ có đầy giòi, bọ bị Đội QLTT số 4 - Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện, bắt quả tang đêm 9-9 vừa qua.

Hầu hết các cơ sở chế biến bì lợn, quay mỡ trên địa bàn xã Tân Hội đều chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP, gây ô nhiễm môi trường nhưng cho đến nay, các cơ sở này vẫn hoạt động bình thường.

Bà Nguyễn Thị Lợi - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Đan Phượng nhận định, hàng năm, Trung tâm Y tế dự phòng huyện đều thành lập các đoàn kiểm tra vệ sinh ATTP. Các cơ sở sản xuất bì lợn, quay mỡ đều không đảm bảo vệ sinh ATTP, do đó, chưa cơ sở nào được cấp giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, việc kiểm tra hàng năm cũng mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở, tuyên truyền, vận động mà chưa xử phạt, xử lý. Hơn nữa, cũng theo bà Lợi, việc kiểm tra cũng chỉ dựa vào cảm quan, không kiểm tra, đánh giá được chất lượng thực phẩm do máy móc, con người còn thiếu. “Chỉ khi nào thấy sản phẩm có nghi vấn, có vấn đề chúng tôi mới lấy mẫu gửi đi phân tích, kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, việc kiểm tra đánh giá cũng mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở các cơ sở, chưa có báo cáo cụ thể, rõ ràng lên các cơ quan chức năng” - bà Nguyễn Thị Lợi nói.

Với 20 hộ sơ chế, chế biến bì lợn, quay mỡ, như vậy, trung bình mỗi ngày, riêng Tân Hội sẽ xuất ra thị trường hàng chục tấn hàng hóa không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ngay cơ quan chức năng chuyên ngành cũng không kiểm soát được lượng hàng ra vào tại đây, ông Nguyễn Bá Động, Đội trưởng Đội QLTT Đan Phượng khẳng định. Theo ông Động, các cơ sở sản xuất hầu hết là thu mua nhỏ lẻ từ rất nhiều nguồn, nhiều nơi khác nhau, sau đó lại xuất đi tiêu thụ các nơi, thậm chí là xuất vào trong miền  Nam để làm bóng bì, làm keo công nghiệp...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thảo - Chủ tịch UBND xã Tân Hội cho biết, UBND xã Tân Hội đã xây dựng một điểm công nghiệp tập trung để di dời các hộ sản xuất, làm nghề trong khu dân cư. Song, đến thời điểm này mới chỉ có 13 trong số 20 cơ sở chế biến bì lợn di chuyển cơ sở sản xuất ra KCN, 7 cơ sở chế biến vẫn nằm trong khu dân cư.

Theo ông Thảo, do các hộ này chưa có đơn xin vào KCN, nên xã chưa giải quyết. Bên cạnh đó, ông Thảo cũng cho rằng, do việc kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương là không thường xuyên nên dẫn đến không quản lý được hoạt động của các cơ sở chế biến thực phẩm. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả các cơ sở sản xuất, sơ chế thực phẩm, nếu cơ sở nào đủ điều kiện thì tiếp tục cho sản xuất, còn cơ sở nào không đáp ứng đủ điều kiện sẽ kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động” - ông Nguyễn Hữu Thảo nhấn mạnh.                                  

Hạ Quỳnh