Rừng giáp ranh bị tàn phá tan hoang để lấy đất làm rẫy

ANTĐ - Những tháng gần đây, đặc biệt là thời điểm trước mùa trồng tỉa năm 2014 này, tình trạng tàn phá rừng lấy đất sản xuất tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa diễn ra khá ngang nhiên...
Được biết, nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết là bởi tình trạng dân di cư tự do đến khu vực này chưa được ngăn chặn và 9.345 ha đất tự nhiên (chủ yếu là rừng và đất lâm nghiệp) chưa được phân định rõ quyền quản lý giữa hai tỉnh Đắk Lắk với Khánh Hòa.

Cuối tháng 5, đầu tháng 6-2014, nhận được nguồn tin báo của quần chúng, nhóm phóng viên chúng tôi khẩn trương cơ động hơn 100 km từ thành phố Buôn Ma Thuột về xã Ea Trang, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) để tìm hiểu nạn phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa Đắk Lắk và Khánh Hòa. Thời điểm này, Tây Nguyên đang chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, nên khí hậu khá nóng nực và ngột ngạt, nhất là vùng vốn có nền khí hậu khắc nhiệt như M’Đrắk.

Rừng giáp ranh bị tàn phá tan hoang để lấy đất làm rẫy ảnh 1
Rừng tại khu vực chưa phân định ranh giới Đắk Lắk với Khánh Hòa bị cạo trọc


Từ UBND xã Ea Trang, theo Quốc lộ 26, chúng tôi đi xuôi hơn 10 km nữa là tới hai dãy núi Mẹ Bồng Con và Cư Mư. Tại đây, men theo con đường rừng, chúng tôi leo núi thêm chừng hơn 1 km nữa là tận mắt chứng kiến cảnh hàng trăm ha rừng tự nhiên mới bị cạo trọc, chuẩn bị cho việc trồng tỉa khi có mưa. Cây rừng tự nhiên đã bị cưa đốn ngổn ngang, đốt cháy nham nhở, chỉ còn trơ gốc và những thân cây cháy dở. Nhìn một phần ngọn núi có độ dốc lớn bị cạo trọc, có thể hình dung ra phần nào tác hại và những cái giá phải trả của chính con người khi ra tay triệt hạ rừng. Được biết, trong tổng số 9.345 ha đất tự nhiên ở khu vực chưa xác định được ranh giới hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa nằm trên địa bà các xã Ea Trang, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) và xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), hiện đang được quản lý theo hiện trạng từ năm 1977 đến nay là tỉnh Đắk Lắk quản lý toàn bộ 9.345 ha. Tuy nhiên cho đến thời điểm cuối tháng 5-2014, hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết địa giới hành chính, dẫn tới việc quản lý đất đai, nhất là quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên ở khu vực chưa xác định ranh giới này bị buông lỏng, thậm chí là thiếu trách nhiệm.

Rừng giáp ranh bị tàn phá tan hoang để lấy đất làm rẫy ảnh 2
Rừng trên địa bàn xã Cư San, huyện M’Đrắk bị tàn phá 


Trong buổi làm việc với chúng tôi, các đồng chí Y Liêm Byă, Phó Chủ tịch UBND và Y Nuyếnh Niê, cán bộ địa chính xã Ea Trang cho biết: “Ea Trang là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, hiện dân số 1.052 hộ, 5.120 nhân khẩu, trong đó có 169 hộ với 947 nhân khẩu là dân di cư tự do. Ea Trang có tổng diện tích tự nhiên 265.093 ha, trong đó diện tích rừng là hơn 23 nghìn ha, diện tích đất nông nghiệp 3 nghìn ha. Hiện, rừng ở Ea Trang do Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu quản lý 10.892 ha; công ty TNHH – MTV Lâm nghiệp M’Đrắk quản lý 8.632 ha; phần còn lại UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho một số doanh nghiệp thực hiện dự án trồng và chăm sóc rừng. Hiện nay Ea Trang còn 32% hộ thuộc diện nghèo, 70 hộ thiếu đất sản xuất và 41 hộ thiếu đất ở”. Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng phá rừng ở Ea Trang, cán bộ kiểm lâm địa bàn Y Thu Niê cho rằng, ngoài sự buông lỏng quản lý rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng như Công ty TNHH – MTV Lâm nghiệp M’Đắk, Ban quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu, công ty TNHH Tam Phát thì còn do áp lực vế đất của số dân di cư tự do mới chuyển đến và số hộ dân còn thiếu đất sản xuất. Việc phát hiện và xử lý những vụ phá rừng do dân di cư tự do mới đến gây ra cũng rất khó khăn cho cơ quan chức năng, vì ngôn ngữ bất đồng, hầu hết bà con thuộc diện nghèo, không có tài sản, nên việc xử phạt hành chính cũng không có tác dụng. Hơn nữa, đây là khu vực có địa hình đồi núi dốc, thường chỉ có một con đường mòn độc đạo từ chân núi lên đỉnh núi, vì vậy lâm tặc cũng không khó để phát hiện lực lượng tuần tra bảo vệ rừng. Thậm chí khi phát hiện các đối tượng phá rừng, nhưng khi lực lượng chức năng cơ động đến nơi thì lâm tặc đã kịp tẩu thoát khỏi hiện trường, khiến cho nhiều khu rừng bị phá mà không phát hiện, không bắt quả tang được đối tượng.

Rừng giáp ranh bị tàn phá tan hoang để lấy đất làm rẫy ảnh 3
Rừng ở khu vực giáp ranh giữa Đắk Lắk với Khánh Hòa chỉ còn cây đeo biển cấm là không bị chặt


Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn xã Ea Trang đã xảy ra hàng chục vụ phá rừng làm rẫy với diện tích rừng bị phá trắng 14 ha, trong đó có 3,8 ha nằm ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk với Khánh Hòa. Nếu cộng lũy kế từ trước đến nay, thì trên địa bàn các xã Ea Trang (M’Đrắk) và Ninh Tây (Ninh Hòa) có tới hàng trăm ha rừng bị phá làm nương rẫy.

Tìm hiểu thêm nạn phá rừng ở huyện M’Đrắc, cho thấy, không chỉ ở Ea Trang mà trên địa bàn xã Cư San, nhất là dọc hai bên con đường liên xã Ea Trang đi Cư San, có hàng chục ha rừng vừa bị tàn phá, có nơi cây rừng mới bị cưa đốn, cành lá còn tươi. Điều này chứng tỏ chủ rừng và chính quyền địa phương ở đây có thể đang làm ngơ hoặc bất lực không giữ nổi rừng.

Tại các xã Ea Trang, Cư San (M’Đrắk) và Ninh Tây (Ninh Hòa) không chỉ nóng nạn phá rừng lấy đất mà còn nóng cả tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép. Thủ đoạn của đối tượng vận chuyển gỗ lậu cũng hết sức tinh vi, thường sử dụng những phương tiện vận tải quá đát, đeo biển số giả, khi bị phát hiện, truy đuổi thì sẵn sàng bỏ cả gỗ lẫn xe, khiến cho việc xử lý của cơ quan chức năng kém hiệu quả.

Từ thực tế tại những khu rừng nằm trên núi Mẹ Bồng Con, Cư Mư, Cư Pao và Cư San chúng tôi cho rằng, muốn ngăn chặn được nạn phá rừng, trước hết cần nhanh chóng phân định rõ địa giới hành chính giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa, không để tạo ra khoảng trống về quản lý địa giới cho lâm tặc lợi dụng phá rừng lấy đất sản xuất tràn lan, hoặc sang nhượng trái phép một cách vô tội vạ mà không có cấp chính quyền nào nhận trách nhiệm giải quyết. Sau khi đã có địa giới hành chính rõ ràng, chính quyền các cấp nhất là cấp xã cần phối hợp với chủ rừng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp theo hướng ngày một chặt chẽ; đồng thời xử lý nghiêm minh hành vi phá rừng, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép. Lực lượng chức năng của hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa thường xuyên tăng cường phối hợp tuần tra, ngăn chặn và xử lý nạn phá rừng, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép ở khu vực giáp ranh, không để lâm tặc lợi dụng việc tỉnh này truy quét mạnh thì di chuyển sang tỉnh giáp ranh ẩn náu. 
-RUNG EA TRANG 1, 2, 3: Rừng tại khu vực chưa phân định ranh giới Đắc Lắc với Khánh Hòa bị cạo trọc
-RUNG CU SAN 1,2,3, 5: Rừng trên địa bàn xã Cư San, huyện M’Đrắk bị tàn phá 
-RUNG CU SAN 4: Rừng ở khu vực giáp ranh giữa Đắc Lắc với Khánh Hòa chỉ còn cây đeo biển cấm là không bị chặt