Rủi ro phía trước

ANTĐ - Bức tranh kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng nhiều định chế tài chính lớn cảnh báo sự phục hồi vốn chậm chạp của nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro ở phía trước.

Người thất nghiệp Mỹ xếp hàng dài tìm việc tại một trong tâm giới thiệu việc làm ở New York

Trong báo cáo hàng quý công bố ngày 16-7, IMF đã gia tăng cảnh báo về những nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là châu Âu - khu vực đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng. Những cảnh báo này được đưa ra không lâu sau khi Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde trong chuyến thăm các nước châu Á đầu tháng 7 này đã lo ngại cho rằng một cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu mới đang “gõ cửa” tất cả các nền kinh tế thế giới. 

Theo báo cáo của IMF, kinh tế thế giới đã yếu hơn so với đánh giá của chính định chế tài chính này chỉ cách đây 3 tháng. Cho dù tốc độ tăng trưởng chỉ giảm chút ít so với dự kiến trước đó, song những nguy cơ tiếp tục bao trùm trên phạm vi rộng, đặc biệt tại các nền kinh tế lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu, nơi những chính sách chậm và thiếu đồng bộ tỏ ra phản tác dụng.

IMF cho rằng trong 3 tháng qua, sự phục hồi kinh tế toàn cầu vốn chưa đủ mạnh để khởi đầu cho thời kỳ tăng trưởng hậu khủng hoảng lại xuất hiện những dấu hiệu suy yếu hơn. Trong khi tốc độ tăng trưởng tại một số nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, giảm so với dự báo, căng thẳng trên các thị trường tài chính và giữa các nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ngày càng gia tăng. 

Cho dù vẫn giữ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2012 ở mức 3,5%, song IMF cho rằng tốc độ này năm 2013 sẽ chỉ đạt 3,9%, giảm so với dự báo trước đây là 4,1%. Theo IMF, nguyên nhân dẫn đến triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi là do sự phục hồi chậm hơn dự kiến của Mỹ, Anh và nhất là tăng trưởng chậm lại của các “đầu tàu” thời khủng hoảng như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Trong khi đó, mảng sáng hơn trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm nay biểu hiện ít ỏi với Đức và Nhật Bản có thể tăng trưởng cao hơn dự báo đưa ra hồi tháng 4, cụ thể tăng trưởng của Đức lên mức 1% và của Nhật Bản lên 2,4% trong năm 2013. Bất ngờ là khu vực Trung Đông và Bắc Phi nhiều bất ổn lại có mức tăng trưởng 5,5% trong năm nay, cao hơn nhiều so với dự báo 4,2% cách đây 3 tháng.

Trong cảnh báo của mình, IMF cho rằng một số nền kinh tế lớn đã đạt được những tiến bộ nhờ cắt giảm gánh nặng thâm hụt, tuy nhiên vẫn bị ngăn cản bởi những biến động và rủi ro từ nợ công, với chi phí vay tăng lên mức kỷ lục. Ngoài ra, sự căng thẳng chính trị tại một số nước do áp lực từ các “chính sách thắt lưng buộc bụng” nhằm đáp ứng mục tiêu tài chính có thể gây hậu quả tiêu cực.

Tổng Giám đốc IMF Lagarde nêu rõ, giải pháp cơ bản để thoát khỏi khủng hoảng là cần đặt trên sự hợp tác quốc tế bởi hành động chính sách tập thể sẽ đem lại lợi ích cho tất cả. Cần hành động phối hợp để phá vỡ các dây chuyền chính của cuộc khủng hoảng: nợ công cao, ngân hàng yếu và tăng trưởng yếu nhằm hướng tới mục đích cuối cùng là ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững. Các hành động tập thể xuyên thể chế, xuyên thị trường và xuyên biên giới sẽ đảm bảo khu vực tài chính được điều chỉnh với quy chế tốt hơn, giám sát mạnh hơn và khuyến khích thích hợp hơn đối với khu vực kinh tế tư nhân.