Rủi ro kế hoạch tham chiến đánh IS

ANTD.VN - Quân đội Mỹ có thể sớm trở lại Iraq trực tiếp tham chiến sau hơn 6 năm rút quân trong sứ mệnh mới là “đánh bại hoàn toàn” các tay súng thuộc Tổ chức  Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Quân đội Mỹ có thể trở lại Iraq 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis ngày 27-2 cho biết, Lầu Năm Góc sẽ trình lên Nhà Trắng bản kế hoạch đánh bại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẽ thông báo nhanh về kế hoạch này với các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo ông Davis, bản kế hoạch trên là khuôn khổ cho một kế hoạch lớn hơn và nhằm vào lực lượng IS trên toàn thế giới, chứ không chỉ ở Iraq và Syria.

Dù phát ngôn viên của Lầu Năm Góc không nêu cụ thể về kế hoạch trên, song theo kênh truyền hình CNN, kế hoạch có thể bao gồm lựa chọn gửi lực lượng bộ binh để tham chiến lần đầu tiên ở miền Bắc Syria trong chiến dịch đánh IS. Do không phải lực lượng đặc biệt làm nhiệm vụ huấn luyện và đào tạo binh sĩ địa phương nên quy mô lực lượng bộ binh thông thường sẽ lớn hơn nhiều, đòi hỏi hậu cần, những biện pháp đảm bảo an ninh trên không cùng với trên bộ phức tạp hơn. 

Trong trường hợp kế hoạch của Lầu Năm Góc được Tổng thống Trump phê chuẩn, điều này sẽ đánh dấu sự trở lại của quân đội Mỹ trên chiến trường Iraq, sau hơn 6 năm rút hết khỏi nước này vào ngày 18-12-2011. Đây cũng là ngày đánh dấu kết thúc một trong những cuộc chiến tranh kéo dài và tốn kém bậc nhất của quân đội Mỹ ở nước ngoài sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Ngày 20-3-2003, Mỹ đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh với danh nghĩa là “chống khủng bố” nhằm vào Iraq sau sự kiện khủng bố đẫm máu 11-9-2001. Sau gần 8 năm trực tiếp tham chiến, khiến khoảng 6.000 binh sĩ thiệt mạng và 32.000 binh sĩ bị thương, cùng với chi phí  gần 1.000 tỷ USD, lực lượng trực tiếp tham chiến của Mỹ đã rời khỏi Iraq ngày 18-12-2011, trao gánh nặng bảo đảm an ninh cho quân đội Iraq với sự trợ giúp của cố vấn và phương tiện quân sự của Washington.

Sự tham chiến trở lại của quân đội Mỹ, dù có thể là một lực lượng hạn chế, tại Iraq và có thể phần lãnh thổ miền Bắc Syria nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng chống đối ở nước này, có thể khiến lực lượng của Mỹ một lần nữa bị mắc kẹt tại “miền đất dữ” này? Khó có thể có câu trả lời chắc chắn, nhưng nhìn vào thực tế cuộc chiến chống IS  hiện nay có thể thấy lực lượng khủng bố khét tiếng này khó có thể cầm cự được bao lâu trước sự tấn công tứ phía.

Thời gian qua, lực lượng IS đã liên tục bị thất trận nặng nề trên cả hai mặt trận chính ở Iraq và Syria, mới nhất là mất quyền kiểm soát sân bay Mosul ở Iraq và thất thủ ở al-Bab, thành trì miền cực Tây Syria của IS. Trong khi đó,  ngày 28-1 vừa qua, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, yêu cầu Lầu Năm Góc trong vòng 30 ngày phải trình kế hoạch đánh bại IS.

Việc Lầu Năm Góc phác thảo kế hoạch đánh bại Iraq nhằm thực hiện sắc lệnh cũng là điều mà Tổng thống Trump từng tuyên bố rằng việc đánh bại “các nhóm Hồi giáo cực đoan” nằm trong số những mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông. Tuy nhiên, có nhanh chóng “đánh bại hoàn toàn” lực lượng IS để không “mắc kẹt” như nhiều lần tham chiến trực tiếp trên bộ trước đó của quân đội Mỹ là một rủi ro đối với kế hoạch này.