Rớt nguyện vọng 1 vào phút chót, thí sinh lẫn người nhà "bạc mặt"

ANTĐ - Ngày 17-8, đúng như dự đoán , thí sinh ùn ùn đến rút, nộp hồ sơ ở các trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân... Có những gương mặt tự tin khi nắm tới 90% cơ hội trúng tuyển nhưng cũng có những ánh mắt buồn vì bao nhiêu hy vọng đã phải tạm dừng ở nguyện vọng đầu tiên.
Rớt nguyện vọng 1 vào phút chót, thí sinh lẫn người nhà "bạc mặt" ảnh 1

Cả nghìn lượt thí sinh và người nhà đến rút hồ sơ tại ĐH Bách khoa Hà Nội sáng 17-8

Chọn những ngày cuối để chắc chân

Chị Phạm Thị Long, ở Đan Phượng, Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên hai mẹ con chị đến trường ĐH Bách khoa Hà Nội để nộp hồ sơ. “Cháu được 8,85 điểm (theo cách tính hệ số và tổng điểm chia 4 của trường này) nhưng không muốn nộp hồ sơ ngay từ ngày đầu để theo dõi đủ thông tin mới quyết định. Vì cháu chỉ thích trường này nên tôi cũng ủng hộ. Sau khi theo dõi hơn chục ngày nay, thấy điểm con mình đứng ở tốp giữa của trường nên cháu mới tự tin đến trường nộp hồ sơ”, chị Long chia sẻ. 

Sáng 17-8, khu vực nộp hồ sơ của trường ĐH Bách khoa khá sôi động. Nhiều phụ huynh đưa con đến nộp hồ sơ trong trạng thái yên tâm vì đã có cả quãng thời gian dài nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn có phụ huynh thắc mắc với nhân viên tuyển sinh rằng số liệu cập nhật của trường có chính xác không, liệu có biến động lớn nào không. “Tôi thấy mỗi trường đăng thông tin một kiểu. Rồi thì lượng thí sinh rút, nộp hồ sơ liên tục thay đổi như thế này thì số liệu cập nhật chính xác đến mức nào?”, anh Ngô Thế Anh, quê Bắc Giang thắc mắc.

Tại trường ĐH Kinh tế quốc dân, dù đã cho phép thí sinh đăng ký rút hay nộp hồ sơ trực tuyến nhưng, thí sinh hay người nhà vẫn phải đến làm thủ tục trực tiếp trong những ngày cuối. Khá nhiều trường hợp thí sinh lần đầu đến nộp hồ sơ khi thấy mình trong vùng điểm an toàn. “Tôi không muốn con phải đi đi lại lại nhiều lần nên cả nhà bàn nhau cứ để sát đến hạn cuối mới đi nộp hồ sơ nếu thấy mức điểm con mình phù hợp. Nói là vậy nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng, hồi hộp suốt hai tuần nay”, chị Nguyễn Thanh Dung, ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, các thí sinh cũng được cảnh báo không nên quá chủ quan bởi điểm chuẩn dự kiến vẫn đang có xu hướng tăng dần khi những thí sinh điểm cao không trúng tuyển ở các trường khác đổ về. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nhà trường đã nhận được hàng chục hồ sơ đăng ký trực tuyến từ các trường ĐH Y, Dược chuyển sang. Sau khi cập nhật, chắc chắn mức điểm xét tuyển vào trường sẽ lại tiếp tục tăng và khó dự đoán sẽ dừng ở mức nào.

25,25 điểm vẫn phải rút hồ sơ

Vẻ mặt thất vọng, chị T.T. Hà, ở Đan Phượng, Hà Nội cho biết, đến ngày 15-8, với tổng điểm 24 cho 3 môn, con chị  vẫn đủ điểm vào khoa Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội. “Tới chiều qua xem điểm đã thành trượt, sáng nay hai mẹ con đến trường rút hồ sơ luôn, dù chưa biết sẽ nộp vào trường nào nữa”, chị Hà cho biết, “Năm ngoái hệ cử nhân ngành này lấy có 19 điểm. Cháu nó được 24 điểm, được tư vấn nộp vào đây khả năng đỗ là 99%. Bây giờ con mình xếp thứ 512 mà chỉ tiêu chỉ có 480…”.

11h trưa 17-8, chị Dương Thị Nguyệt ở Phú Châu, Ba Vì, Hà Nội cho biết vẫn đang chờ đến lượt rút hồ sơ dù đã đi từ 6h30 sáng,  hy vọng kịp thời gian để nộp hồ sơ vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. “Con tôi nộp hồ sơ vào ngành Công nghệ thông tin trường này từ ngày 2-8, nguyện vọng 2 là ngành Tự động hóa. Đến thời điểm này thì chắc chắn ngành Công nghệ thông tin đã trượt rồi, ngành Tự động hóa đến hôm qua cũng hết hy vọng”.

Chị Nguyệt tâm sự: “Cháu được 25,25 điểm, nếu tính khối A thì là thí sinh cao điểm nhất của xã Phú Châu. Khối B cũng được 24 điểm. Nhà không có internet, tối nào cháu cũng sang hàng xóm xem nhờ thống kê điểm, thấy vẫn tạm yên tâm. Nào ngờ tối qua về lại bảo trượt rồi…”. Tính đến trưa 17-8, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã phát phiếu thứ tự đến con số 3.041 đối với thí sinh đến rút hồ sơ.

Không phải rút hồ sơ, anh Nguyên Hồng, ở Hà Tĩnh cùng con đến trường ĐH Kinh tế Quốc dân để điều chỉnh nguyện vọng: “Bố con tôi ra Hà Nội từ cuối tuần trước. Cháu nộp hồ sơ từ ngày 4-8, trong 10 ngày trời cả nhà phấp phỏng nhưng cũng vẫn hy vọng là đỗ, không ngờ đến ngày 15-8 lại thấy thống kê là đã trượt nguyện vọng 1. Hôm nay, tôi đưa cháu đến đổi sang nguyện vọng 4 điểm thấp hơn, nhưng vẫn chưa chắc chắn. Hai bố con phải thuê trọ ở lại Hà Nội đến tận ngày 20, ngày cuối cùng, để xem liệu còn có phải rút ra, nộp vào ở đâu nữa. Cứ bảo tạo thuận lợi cho thí sinh lựa chọn nhưng tôi thì thấy rắc rối, tốn kém lắm”.

Có thể thấy trong 3 ngày tới, thí sinh và nhà trường vẫn sẽ còn vất vả với việc nộp và rút hồ sơ. Đây cũng là thực trạng mà Bộ GD-ĐT cần đánh giá kỹ hơn với cách thức tuyển sinh đại học năm nay.