Rộng cửa WTO cho nước nghèo

ANTĐ - Đàm phán gia nhập “ngôi nhà chung” WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) luôn là chặng đường dài đầy gian nan phải vượt qua đối với các thành viên mới, song “cửa ải” này giờ đây có thể rộng mở hơn với các nước nghèo.

Gia nhập WTO giúp cho nông sản của các nước nghèo có điều kiện xuất khẩu thuận lợi hơn

Tại phiên họp Đại hội đồng ngày 25-7, WTO đã thông qua các đường hướng chỉ đạo mới nhằm tạo điều kiện để các nước kém phát triển nhất thế giới (LDCs) gia nhập tổ chức này một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Theo đó, WTO đưa ra một số tiêu chí để các LDCs tham gia đàm phán về tiếp cận thị trường, song cũng bao gồm những qui định cụ thể giúp các nước thành viên WTO tìm kiếm cam kết từ các nước ứng viên nghèo nhất.

Đây có thể nói là một quyết định rất quan trọng với LDCs, giúp những quốc gia nghèo khó dễ dàng hơn trong việc vượt qua giai đoạn đàm phán vốn rất gian nan và kéo dài để trở thành thành viên WTO. Bởi ngay cả quốc gia hùng mạnh như Nga cũng mới kết thúc tiến trình đàm phán kéo dài tới 18 năm để chính thức trở thành thành viên WTO từ ngày 22-8 tới.

Trong khi đó, với vai trò giám sát hệ thống thương mại đa phương nhằm giảm dần thuế quan và các hàng rào cản trở thương mại khác cũng như loại trừ phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế, WTO là đối tác không thể thiếu cũng như không thể thay thế đảm bảo triển vọng phát triển của các nước LDCs. Gia nhập WTO, hàng xuất khẩu, trong đó tuyệt đại đa số là hàng nông sản, của LDCs sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn nhiều giữa các thành viên tổ chức này.

Theo số liệu của WTO, thương mại chiếm tới gần 70% trong tăng trưởng kinh tế 7% hàng năm của LDCs trên thế giới suốt thập kỷ qua. Tuy thương mại của LDCs tăng nhanh gấp hai lần so với tốc độ tăng buôn bán toàn cầu và tăng gấp đôi thị phần của các nước này trong tổng kim ngạch buôn bán toàn cầu trong thập kỷ qua nhưng cho đến nay, thị phần này cũng chỉ chiếm 1% tổng giá trị thương mại toàn cầu. 

Hơn thế, các thị trường mở theo lộ trình quy chế thương mại toàn cầu là xúc tác mở rộng buôn bán của LDCs với thế giới. Cơ chế hoạch định chính sách của WTO dựa trên cơ sở đồng thuận đã tạo cho LDCs tiếng nói và vai trò bình đẳng trong hệ thống buôn bán đa phương thông qua thương lượng mở cửa thị trường, các hiệp định ưu đãi buôn bán, viện trợ thúc đẩy buôn bán, giúp nâng cao năng lực thương mại của LDCs.

Đứng ngoài WTO sẽ cản trở rất lớn tới sự phát triển để thoát nghèo của LDCs bởi WTO hiện đã có 157 thành viên và chiếm tới hơn 97% giá trị buôn bán toàn cầu. Trong số 48 quốc gia nằm trong danh sách LDCs của LHQ đã có 32 nước là thành viên của WTO, 10 nước khác đang trong quá trình đàm phán gia nhập, trong đó Lào và Yemen có thể kết thúc đàm phán ngay trong năm nay.

Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy cam kết, tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này sẽ là đối tác luôn đồng hành để giúp LDCs đạt được các mục tiêu phát triển. Bởi theo ông, trở thành thành viên WTO sẽ thúc đẩy các hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu của LDCs góp phần quan trọng sống còn để thúc đẩy phát triển, nâng cao điều kiện sống và xóa đói nghèo, đảm bảo việc làm và đạt được phát triển bền vững ở các nước này.