Rộng "cửa" cho vay tiêu dùng, mua nhà ở

ANTD.VN - Cùng với việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nhà ở, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tăng cường kiểm soát rủi ro để tránh phát sinh nợ xấu.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7-2017. Với định hướng này, có thể người dân sẽ được tiếp cận tốt hơn các khoản vay phục vụ nhu cầu của mình.

Rộng "cửa" cho vay tiêu dùng, mua nhà ở ảnh 1Sẽ có chính sách hỗ trợ vay tiêu dùng, nhà ở

Đua tranh quyết liệt

Thời gian gần đây, các ngân hàng đua nhau tung ra các chương trình kích cầu tín dụng tiêu dùng, chạy đua thu hút khách hàng. Thông thường, lãi suất các ngân hàng áp dụng đối với cho vay tiêu dùng phổ biến ở mức 12-13%/năm. Phần lớn vốn vay tiêu dùng tại các ngân hàng phục vụ các nhu cầu mua nhà, xây, sửa nhà cửa.

Trong khi đó, các công ty tài chính cạnh tranh gay gắt bằng việc đơn giản hóa thủ tục vay, thời gian giải ngân nhanh chóng, có khi chỉ 30 phút, khách hàng có thể vay dễ dàng ở rất nhiều điểm mua sắm... Đây là các khoản vay nhỏ, phục vụ các nhu cầu mua sắm đồ điện tử, điện lạnh, xe máy, thậm chí phục vụ các nhu cầu làm đẹp, du lịch...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ bé và tiềm năng phát triển còn rất lớn. “Hiện nay, tín dụng tiêu dùng nước ta đang chiếm khoảng 8% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, tương đương khoảng 9% GDP của hệ thống kinh tế. Mức này là khá khiêm tốn so với một thị trường 94 triệu dân. Ở các nước, tín dụng tiêu dùng có thể chiếm 16-20% tổng dư nợ” - chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho biết.

TS Hồ Chí Dũng, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing, Viện Quản trị kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay, nhu cầu và văn hóa tiêu dùng của người dân đã thay đổi. Đời sống nâng cao, nhiều người Việt Nam có xu hướng cập nhật khá nhanh các hàng hóa tiêu dùng thời thượng trên thế giới như điện thoại thông minh, máy tính… Người trẻ đã sẵn sàng vay tiền để chi tiêu cho những nhu cầu này thay vì để dành có tiền mới mua. Điều này chính là cơ hội cho dịch vụ cho vay tiêu dùng phát triển mạnh mẽ.

Hiện, thị trường cho vay tiêu dùng đã có đông đủ các ngân hàng thương mại và khoảng 15 công ty tài chính tham gia. Các đơn vị này đang cạnh tranh gay gắt, tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. 

Ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty Tài chính Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, nhờ áp dụng các công nghệ và kinh nghiệm từ nước ngoài, hiện thời gian cung cấp sản phẩm cho vay tiêu dùng được vận hành nhanh chóng, có thể 15-20 phút là đã phê duyệt xong khoản vay. Thậm chí, khách hàng có thể truy cập và ký hợp đồng trực tiếp ngay trên website mà không cần đến tận nơi giao dịch.

Cho vay mua nhà tăng mạnh

Báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, cho vay sửa chữa, mua nhà có xu hướng tăng mạnh trong hoạt động cho vay tiêu dùng. Cụ thể, vay sửa chữa, mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016 và chiếm tới 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng. 

Các ngân hàng lớn, nhỏ đều đưa ra các chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay mua, xây sửa nhà cửa.  Có một số ý kiến lo ngại việc đẩy mạnh cho vay mua nhà có thể dẫn tới nợ xấu bởi lĩnh vực bất động sản còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, tuy nhiên, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, cho vay mua, sửa chữa nhà ở là lĩnh vực ít rủi ro, do đã có tài sản bảo đảm chính là ngôi nhà của người vay. “Phân khúc nhà ở là phân khúc ít rủi ro nhất, vì nó nhắm vào nhu cầu thực, nhu cầu hoàn toàn chính đáng của người tiêu dùng chứ không quá nhiều rủi ro như cho vay đầu tư bất động sản hay chứng khoán” - chuyên gia này cho biết.

Hơn nữa, theo ông Cấn Văn Lực, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cũng góp phần kích thích văn hóa tiêu dùng không dùng tiền mặt của người dân Việt Nam, đặc biệt là giảm bớt tín dụng “đen” vốn đang diễn biến phức tạp ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Cùng với việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thì các ngân hàng, công ty tài chính cần tăng cường kiểm soát rủi ro. “Chẳng hạn cần có hệ thống chấm điểm tín dụng khách hàng, kiểm soát thông tin, kiểm soát mục đích sử dụng của khách hàng tốt hơn thì vẫn có thể hạn chế rủi ro, kể cả những rủi ro liên quan đến thẻ tín dụng” - ông Cấn Văn Lực nói.