Rối nước miền quan họ (1): Muôn vẻ chuyện làng rối

ANTD.VN - Múa rối là một trong những di sản văn hóa đặc sắc của nước ta, thế nhưng, mô tả nét đặc sắc đó cụ thể thế nào thì ngôn từ không thể truyền tải hết. Bởi được xem múa rối ngay trước mắt nhưng không phải ai cũng hiểu đó chỉ là cái cớ mà sau đó là những những câu chuyện ẩn ý thú vị. 

Rối nước Đồng Ngư có nhiều khác biệt so với các phường rối khác

Múa rối nước ở thôn Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã có từ thời Lý. Trải bao biến thiên thăng trầm, nghề rối nước vẫn tồn tại ở mảnh đất này cho đến ngày nay. Nhưng rối nước miền quan họ lại có những đặc biệt mà không phường rối nào có được.

Quan họ vào rối

Nếu ai đã từng xem rối nước  Đồng Ngư thì hẳn sẽ xốn xang khi nghe 3 hồi trống báo. Bởi sau đó, một giọng nữ ngọt ngào vang lên mượt mà và thắm đượm: “Kính thưa các vị khách quý. Cho phép chị Hai quan họ thay mặt anh chị em diễn viên, nhạc công của đoàn phường rối nước Đồng Ngư gửi lời chào của người quan họ: Hôm nay xum họp trúc mai/Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm”. 

Đấy là lời giáo đầu của người dẫn trò cất lên theo làn điệu quan họ đặc trưng Kinh Bắc. Sau lời chào ngọt ấy, chú Tễu đon đả đi ra theo nhịp điều khiển của nghệ nhân rối rồi nhanh nhẻo trèo cau hái vội một chùm chuyển cho chị Tễu têm trầu mời khách: “Trầu này trầu tính trầu tình/Trầu loan trầu phượng trầu mình trầu ta/Trầu này têm tối hôm qua/Giấu thầy giấu mẹ đem ra mời người”.

Hẳn là người Đồng Ngư khi diễn rối đã biết kết hợp quan họ vào những lời chào, để rồi miếng trầu là đầu câu chuyện trong một cuộc mua vui với những tích trò vừa hay vừa đậm.

 “Đúng là việc duy trì rối nước rất khó khăn. Cái gì cũng phải có kinh phí thì mới tồn tại được. Phường rối của chúng tôi cũng rất long đong. Mỗi nghệ nhân phải tự kiếm thêm việc làm để khi nào cần đi diễn thì mới bỏ việc nhà”.

Ông Nguyễn Đăng Dung, Trưởng phường múa rối Đồng Ngư

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương cho rằng: “Trước đây, phường rối Đồng Ngư vẫn giữ nguyên lệ cổ, không có giáo đầu giới thiệu theo làn điệu quan họ. Nhưng dần dần, để tạo ra bản sắc, phường rối đã biết kết hợp nhuần nhị đặc sản quê hương vào diễn rối để thu hút người xem”.

Đây cũng là một trong những đặc sắc mà không một phường rối nào có được. Bởi từ xưa các phường rối không đưa tiêu chí mượt mà âm thanh mà hầu như chú trọng đến hình ảnh, bởi xem rối là xem bằng mắt.

Thay trùm bằng trưởng

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Dung hiện là trưởng phường rối Đồng Ngư. Khác với tất cả các phường rối khác trong cả nước, riêng Đồng Ngư thì người đứng đầu không gọi là trùm, mà đơn giản hơn với chức danh là trưởng.

Ông Dung là đời thứ ba của gia đình theo nghiệp múa rối. Ông bảo, ngày xưa đã gọi người đứng đầu là trưởng chứ không là trùm. Cứ đời này nối tiếp đời kia, chức trưởng sẽ truyền lại cho những người có uy tín và có kinh nghiệm nhất trong phường. 

Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Dung, một thời gian dài, vì miếng cơm manh áo nên có lúc, tưởng nghề rối có từ thời nhà Lý đã biến mất. Sau những năm 1950, nghề rối nước được phục dựng nhưng chỉ hoạt động èo uột. Đến năm 1990, phường rối nước mới được phục hồi hoàn toàn để đi biểu diễn. 

Người Đồng Ngư rất quan tâm đến kỹ thuật múa rối nên họ biết điều khiển máy dây và máy sào để tạo sự di chuyển và hành động của con rối sống động như thật. Kỹ thuật này đòi hỏi người biểu diễn phải có tay nghề cao, có thể đưa rối ra xa sân khấu từ 5-7m mà không ảnh hưởng đến hoạt động của rối.

Để được như vậy, những nghệ nhân trong phường đã phải rèn luyện các động tác và thử nghiệm nhiều lần. “Chúng tôi hầu hết là nông dân. Ngày làm ruộng, tối về mới có thời gian luyện tập. Nhưng được cái ai cũng miệt mài, có khi tập đến nửa đêm mới nghỉ”, ông Dung tâm sự.

Rối nước Đồng Ngư trong một buổi lưu diễn

Biến nghề thành nghệ

Đồng Ngư tuy không nổi tiếng bằng làng Đào Thục của huyện Đông Anh, Hà Nội nhưng bù lại cung cách diễn rối lại độc đáo pha trộn cổ kim đông tây. Những kỹ thuật điêu luyện được đưa vào khiến cho rối nước có thần sắc hơn.

Nghệ nhân lão luyện Nguyễn Bá Đổng cho biết, múa rối bằng dây không chỉ đòi hỏi người diễn phải thuần thục và nhuyễn các động tác. Người điều khiển dây và rối dường như hòa làm một vì nếu không hiểu nhau, lỡ nhịp, các dây sẽ bị xoắn và trò đó coi như đổ bể. Trong lúc diễn trò, dây cũng phải chìm hoàn toàn dưới nước, nếu chẳng may dây lấp ló trên mặt nước coi như trò hỏng và buổi diễn thất bại. 

Phường rối nước Đồng Ngư hôm nay đã có những cách tân mới được đầu tư bởi công sức và sự tập luyện của những người tâm huyết với nghề. Vẫn là trò rối đánh đu, nhưng rối đã có thể leo lên đánh đu rồi lại leo xuống nhường chỗ cho rối kế tiếp. Hay như trò câu cá, cá bây giờ nhảy vừa uốn lượn lại mềm mại hơn hẳn trước kia. Ngay như tiết mục chú Tễu đi ra, đi vào hết sức tự nhiên. Trước kia, chú Tễu phải đi lùi thì nay đã đi vòng quanh thủy đình rồi đem trầu mời khán giả. Ông Nguyễn Bá Đổng bật mí: “Con rối có thể đi xa ba bốn chục mét nếu thủy đình rộng”. 

Các nghệ nhân phường rối Đồng Ngư đều rất tự hào với tiết mục rối nước nhào lộn qua vòng mà không làm vướng dây, điều này chứng tỏ các nghệ nhân phường rối đã biết biến nghề thành một nghệ thuật.

Rối nước Đồng Ngư đã có từ thời Lý

Rơi rụng tích trò

Ở Đồng Ngư, ai cũng phải công nhận nghệ nhân già Nguyễn Văn Trãi là người “nghiện” rối. Cụ “nghiện” rối đến độ, một ngày mà không nhìn thấy rối, không sờ tay được vào rối là y như rằng ăn không ngon, ngủ không yên. Cũng vì tâm huyết sắt son với nghề mà cụ lúc nào cũng đau đáu, lo âu phiền muộn cho số phận của rối. Vẫn biết là sau cả mấy trăm năm con tạo xoay vần, cái gì rồi cũng hư hao đi, nhưng thấy những tích trò diễn xướng mai một dần cụ càng bất an.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trãi tâm sự, hơn 60 năm trước, khi phục dựng, phường rối có gần 60 người nhưng giờ cứ rơi rụng dần. Người bỏ nghề, người theo các cụ về tiên tổ. Trước đây cả phường đông vui là thế, giờ chỉ còn hơn 20 người cả thảy.

Đã vậy, những tích trò cũ đã không còn được nhớ đến. Đó là những vở: Từ Hải và Thúy Kiều, Võ Tòng đả hổ, Lục Vân Tiên… từng là những tích trò trứ danh của riêng Đồng Ngư. Chưa hết, thế hệ kế cận lại rất mỏng và cũng không tâm huyết nhiều với nghề múa rối.

“Ai cũng biết múa rối là trò mua vui cho thiên hạ. Nhưng dù sao, đó cũng là văn hóa, là nghệ thuật, là linh hồn và sự sống của những người sống bằng tâm tưởng. Nếu mà không níu giữ lấy nghề thì e rằng, vài năm nữa rối nước không còn”, cụ Trãi lo lắng.