“Rổ trứng” dễ vỡ
(ANTĐ) - Trong các nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, chỉ có ba mặt hàng chủ lực được “ưu ái” xếp riêng vào một “rổ trứng”. Đó là thủy sản, dệt may và điện tử. Gọi là “rổ trứng” là bởi nó rất dễ vỡ nhưng trong khi xuất khẩu ra thị trường thế giới nó vẫn chịu những va đập mạnh, những sức ép đáng lo ngại cũng như quá nhiều rủi ro.
Thực ra, bản thân những người trong cuộc cũng không hài lòng với cách dùng hình ảnh “rổ trứng”. Nghe thì tưởng là cần phải nâng niu, thận trọng vì trứng vốn mỏng manh, song một vị đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam lại nói thẳng, cả ba quả trứng tưởng là to đó, chỉ là “con số 0”. Ông này dẫn ra bằng chứng rất cụ thể.
Nước ta thường rất tự hào “khoe” rằng xuất khẩu các mặt hàng điện tử là những “quả trứng vàng”. Trong năm 2010 tổng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt gần 3,6 tỷ USD và năm 2011 dự kiến sẽ tới 4 tỷ USD. Thế nhưng 99% trị giá xuất khẩu 3,6 tỷ USD và 4 tỷ USD của ngành điện tử đều nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thế thì đúng là số 0 chứ không thể trông nhầm thành “rổ trứng”.
Một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia xuất khẩu thương mại càng khẳng định điều này khi chỉ ra rằng, các doanh nghiệp sản xuất điện tử của nước ta hầu như chẳng hề được bất cứ lợi lộc gì từ những tỷ đô la xuất khẩu này. Có chăng là “vớt vát” được chút ít về công ăn, việc làm, tuy vậy cũng không đáng kể gì vì phần đông công nhân lao động trong các doanh nghiệp này thường chỉ nhận được đồng lương “còi cọc”.
Một chuyên viên Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu điện tử hầu như phải nhập khẩu từ A đến Z. Chẳng hạn, Công ty Canon đã “chạy” đến 20 công ty trong nước chỉ để tìm mua... ốc vít mà không kiếm nổi, cuối cùng đành phải nhập khẩu. Công ty Sanyo và Panasonic thì “chiếu cố” sử dụng thùng carton và hộp xốp sản xuất ở Việt Nam, còn Công ty Fujitsu thì nhập 100% linh kiện.
Trong lĩnh vực xuất khẩu dệt may, được coi là “quả trứng” to nhất trong rổ, cũng nằm chung một cảnh ngộ. Tất cả các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu đều phải nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất. Hiện có tới 70% doanh nghiệp dệt may Việt Nam làm gia công và 60% doanh nghiệp trực tiếp sản xuất - xuất khẩu, song 100% doanh nghiệp đều phải nhập khẩu nguyên liệu. May ra chỉ có chỉ may thì Việt Nam đã làm được, nhưng các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đều lắc đầu chê vì cho là chưa đáp ứng được chất lượng. Nếu cứ dùng chỉ may trong nước sản xuất thì sản phẩm xuất ra nước ngoài sẽ bị khách hàng bắt lỗi.
Thực trạng “rổ trứng” xuất khẩu dễ vỡ là bởi, nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mượn tiếng là “làm ăn lâu dài” ở Việt Nam để xuất khẩu. Trên thực tế là “mượn đất” để gia công, toàn bộ thiết bị, vốn, công nghệ, thiết kế mẫu mã, thị trường đều do công ty mẹ “chỉ bảo, cung cấp”. Sở dĩ họ “yêu Việt Nam”, chọn nơi này vì có chính sách ưu đãi hấp dẫn và vì còn quota (hạn ngạch). Vì thế, doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta đang nằm “dưới đáy” chuỗi giá trị sản phẩm là dễ hiểu. Bản thân họ còn chẳng tự tin vào năng lực cạnh tranh của những sản phẩm mình làm ra, nữa là.
So sánh kiểu gì cũng đều khiên cưỡng. Gọi là “rổ trứng” để cho thấy, chỉ cần một va chạm nhỏ, một chút sơ sẩy thì cả ba “quả trứng” xuất khẩu chủ lực của nước ta sẽ vỡ tan, cho dù tăng trưởng xuất khẩu mang về ty tỷ đô la.
Đan Thanh