Rò rỉ ảnh nghi là tay súng bắn tỉa Dallas bị robot mang bom tiêu diệt

ANTĐ - Dù cảnh sát thành phố Dallas không có bình luận gì về hình ảnh gây nghi ngờ trên mạng xã hội nhưng một chuyên gia quân sự của quân đội Mỹ tin rằng đó là hình ảnh hiện trường, ghi lại cái chết của tay súng bắn tỉa cảnh sát, sau khi tên này bị tiêu diệt bằng robot mang bom.

Hôm 10-7, 3 ngày sau vụ đấu súng giữa cảnh sát và một tay súng tại cuộc biểu tình đòi công bằng cho 2 người đàn ông da màu tại thành phố Dallas, một hình ảnh nghi ngờ được chụp sau khi tay súng bắn tỉa bị giết tại hiện trường được tung lên mạng xã hội.

Có thể thấy, thi thể một người đàn ông nằm gục bên cạnh đống gạch đá, người đẫm máu. Hình ảnh được một người ẩn danh tung lên Live Leak, nói rằng đây là xác chết của Micah Johnson, tay súng bắn tỉa đã sát hại 5 cảnh sát và 6 người khác tại cuộc biểu tình tối 7-7 thuộc thành phố Dallas.

Hình ảnh nghi ngờ thi thể của tay súng bắn tỉa Micah Johnson tại hiện trường vụ đấu súng

Hình ảnh này cũng xuất hiện trên trang web của luật sư Mỹ Mike Cernovich, ông nói rằng ông đã nhận được nó từ một nguồn tin thân cận. Cùng ngày, một hình ảnh khác hiển thị một khẩu súng trường bán tự động cũng được tung lên diễn đàn của những người đam mê súng (The Arms Guide) và nói rằng đó là vũ khí của Micah Johnson.

Một hình ảnh về khẩu súng trường bán tự động nghi của Micah Johnson cũng được chia sẻ trên diễn đàn của những người thích tìm hiểu về súng

Khi được hỏi về những hình ảnh này, Sở cảnh sát thành phố Dallas đã tuyên bố không xác nhận, hay nói thêm bất cứ điều gì về hình ảnh đang lan truyền trên mạng. Theo Dailymail, nếu hình ảnh này là thật, một cuộc điều tra nội bộ để tìm ra kẻ tung lên mạng có thể được tiến hành.

Dù vậy, ông Bryan Woolston, một chuyên gia xử lý bom đạn từng làm việc trong quân đội Mỹ nói rằng những gì diễn ra trong hình ảnh và trạng thái của xác chết hoàn toàn phù hợp với chiến thuật của robot mang bom được điều khiển từ xa để tiêu diệt Micah Johnson.

Micah Johnson, 25 tuổi từng là một quân nhân Mỹ

Một vài người đã đặt nghi ngờ về hình ảnh, khi thi thể người đàn ông trong ảnh nguyên vẹn, không bị phân mảnh. Tuy nhiên, ông Woolston tin rằng nghi phạm đã bị tàn phá nội tạng bên trong thay vì bị nổ tung thi thể như những vụ đánh bom thường thấy.

Lý giải rõ hơn về điều này, ông Woolston đã bảo vệ quan điểm tin tưởng hình ảnh của mình. “Vụ nổ tạo ra áp lực cao hơn áp suất không khí bình thường, khiến nạn nhân bị thương các cơ quan nội tạng bên trong. Các chấn thương khác có thể do các mảnh vụn gây ra. Không giống lựu đạn, thuốc nổ C4 được robot mang theo không có vỏ nên không khiến cơ thể nạn nhân bị phân mảnh”.

Một robot mang bom tương tự robot được sử dụng tiêu diệt Micah Johnson

Trước đó, rạng sáng 8-7, sau khi thất bại trong việc đàm phán với kẻ tình nghi tại Đại học El Centro, cảnh sát trưởng Dallas David Brown đã quyết định sử dụng một robot của hãng Remotec, mang theo thuốc nổ C4, tiếp cận tay súng bắn tỉa và kích nổ bom giết chết nghi phạm.

Robot mang bom chỉ được quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc xung đột tại nước ngoài để giải cứu con tin nhưng chưa bao giờ được sử dụng giết chết nghi phạm tại một trung tâm đô thị sầm uất của Mỹ. Chính vì vậy, điều này đang gặp phải tranh cãi của rất nhiều người.

Micah Johnson tuyên bố chán ghét và muốn bắn chết hết cảnh sát da trắng

Đêm 7-7, Micah Johnson – một cựu quân nhân Mỹ đã sử dụng súng bắn tỉa, giết chết 5 cảnh sát da trắng đang làm nhiệm vụ trong cuộc biểu tình đòi công bằng cho 2 người da màu bị cảnh sát bắn chết trước đó.

Sau khi cảnh sát dồn được nghi phạm vào Đại học El Centro, Johnson tuyên bố anh ta chán ghét và muốn bắn chết hết những cảnh sát da trắng, sau hàng loạt vụ việc cảnh sát Mỹ bắn chết người da màu vô tội.