Rộ nghi án nhường điểm, “bồi thẩm đoàn” của VPF ở đâu?

ANTĐ - Những trận đấu bất thường ngày càng gia tăng trong giai đoạn cuối của V-League 2012. Tuy nhiên, ở vào thời điểm nước sôi lửa bỏng này, vẫn chưa thấy tín hiệu nào phát ra từ Ban tư vấn đạo đức của VPF- cơ quan được ví như “bồi thẩm đoàn” có nhiệm vụ đưa ra phán xét công bằng, khách quan về tính nghiêm túc của các trận đấu.

VPF cần phải đưa ra quyết định nhanh gọn và quyết liệt hơn

Trải qua hơn một thập kỷ khoác áo chuyên nghiệp, nhưng giải đấu hàng đầu của bóng đá Việt Nam vẫn chưa dứt khỏi những căn bệnh cũ. Chuyện “xin-cho”, “vay-trả”, những trận cầu “tình nghĩa” cứ đến đến hẹn lại lên, ngang nhiên thách thức dư luận và những nhà điều hành giải, đặc biệt ở cữ nước rút cuối cùng. Tại vòng 25 vừa qua, các khán giả yêu bóng đá trung thực có quyền đặt câu hỏi đối với những trận đấu mà kết quả không nằm ngoài dự đoán.

Có tin được không khi Thanh Hóa để thua K.Khánh Hòa trong một trận đấu mà khán giả xứ Thanh đồng thanh la ó đội nhà “bán độ? Có thuyết phục không khi K.Kiên Giang bỏ túi trọn 3 điểm khi đến làm khách tại Hải Phòng, khiến CĐV đất Cảng phải ấm ức buông lời mỉa mai HLV Lê Thụy Hải là “nói phét”, và có tin nổi không khi TĐCS Đồng Tháp trong cơn khủng hoảng vẫn đủ sức hạ gục ứng cử viên vô địch SHB Đà Nẵng ngay tại thánh địa Chi Lăng?   

Những trận đấu như vậy người ta vẫn quen gọi là “có mùi” chứ chưa ai dám khẳng định 100% là tiêu cực. Bởi mỗi khi bị đụng tới, các “đương sự” lại tung chiêu kinh điển “chứng cứ đâu?”, làm “bó tay” những nhà tổ chức.

Để tìm lời giải cho câu hỏi hóc búa này, sau vòng đấu 15, VPF đã ký quyết định thành lập Ban tư vấn đạo đức, có chức năng giúp cho BTC giải trong việc nhận định, đánh giá các hiện tượng tiêu cực giữa các đội bóng. Thực ra, đây không phải là một ý tưởng mới mẻ, bởi từ ngay từ năm 2005, từ đề xuất của Trưởng BTC giải V-League và hạng Nhất kiêm Trưởng phòng Tổ chức thi đấu của VFF khi đó là ông Dương Nghiệp Khôi, VFF cũng đã thành lập mội hội đồng có vai trò tương tự với tên gọi “Hội đồng thẩm định trận đấu”.

Hội đồng này được triệu tập theo từng vụ việc, có chức năng xác định tính chất và mức độ tiêu cực của CLB trong quá trình tham dự giải, giúp cho Ban kỷ luật VFF xử lý những đội bóng, cá nhân có biểu hiện tiêu cực trong các trận đấu bị khán giả và dư luận phản ứng. Tuy nhiên, Hội đồng này sau đó hoạt động thiếu hiệu quả bởi môi trường quá phức tạp của bóng đá Việt Nam, thậm chí có lúc còn trở thành bình phong để BTC bảo vệ “người nhà”.

Sự ra đời của VPF cùng với tuyên bố quyết liệt nói không với tiêu cực của những người đứng đầu đã thắp lên hy vọng cho khán giả hâm mộ về một sân chơi “sạch”. Tuy nhiên, ngay cả khi được trao quyền lực và hoạt động một cách độc lập, thì Ban tư vấn đạo đức của VPF cũng khó có thể đưa ra bất cứ một kết luận nào. Bởi thực tế cho thấy việc xác định chính xác một đội bóng hay một cá nhân nào đó có tiêu cực hay không đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của giới làm bóng đá cùng cơ quan điều tra, chứ không thể “phán” chỉ qua một cuộc họp. Thậm chí, nếu đưa ra một quyết định đầy cảm tính, chính họ sẽ mua dây buộc mình nếu “đương sự” kiện lên FIFA hoặc cao hơn là CAS. Phải chăng, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Ban tư vấn đạo đức của VPF mới được thành lập đã rơi vào thế bí?

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của những chứng cứ pháp lý trước khi “tuyên án”, nhưng cũng nên nhớ rằng tại Olympic London 2012 vừa qua, 8 tay vợt của Trung Quốc đã bị loại thẳng khỏi giải vì cố tình để đối phương chiến thắng hòng tạo ra kết quả đối đầu thuận lợi ở vòng tứ kết. Quyết định này được Liên đoàn cầu lông thể giới (BWF) đưa ra sau khi căn cứ vào biểu hiện thi đấu trên sân các VĐV này mà không chờ thêm bất kỳ chứng cứ nào khác. Họ chỉ cần đưa ra 2 lý do là: "Không sử dụng hết sức lực của mình để giành chiến thắng trong một trận đấu" và "sắp đặt một cách trắng trợn theo một cách thức bôi nhọ và phá hỏng môn thể thao".

Vì vậy, nếu thật sự muốn làm trong sạch môi trường bóng đá Việt Nam, những nhà quản lý và điều hành bóng đá cần phải có những hành động nhanh chóng và quyết đoán như BWF. Nếu không như thế, Ban tư vấn đạo đức VPF sinh ra rồi cũng chẳng để làm gì.