Rộ “nạn” lừa đảo, bán người qua biên giới

ANTĐ - Phụ nữ, trẻ em, thậm chí nữ sinh ở một số trường đại học, cao đẳng, trung học nhiều tỉnh, thành phố vùng cao, đã bị đối tượng buôn người tìm mọi thủ đoạn lừa bán qua biên giới. 

Lực lượng chức năng làm thủ tục cho các nạn nhân vụ án buôn người

Nghề… “buôn người”

Thống kê của cục nghiệp vụ Bộ Công an trong khoảng 3 tháng trở lại đây cho thấy, những địa phương “nóng” về hoạt động của tội phạm buôn người là Sơn La, Lào Cai và Lai Châu. Riêng địa bàn tỉnh Sơn La, có ít nhất 2 đường dây buôn người đã bị triệt phá, và gần 10 nạn nhân đã được cơ quan chức năng giải cứu, hoặc xác định đã bị đối tượng xấu bán sang bên kia biên giới.

Điểm diện tội phạm buôn người, có thể thấy đặc điểm chung của loại đối tượng này là cho đến khi bị bắt đã từng nhiều lần phạm tội. Chúng hoạt động có sự cấu kết, chỉ đạo của “đầu nậu” bên kia biên giới, thường là chủ các động mại dâm. Thậm chí, có đối tượng được “đầu nậu” ứng trước tiền để quay về nước tìm nguồn “hàng” đưa sang. Về phía các bị hại, nhận thức nhẹ dạ, cả tin, và cuộc sống gia đình khó khăn là điểm yếu khiến họ dễ dàng mắc bẫy những kẻ buôn người. 

Lường Thị Ngắm, 26 tuổi, trú tại bản Pặt, huyện Mường La, Sơn La, là một trong đối tượng buôn người vừa bị lực lượng công an bắt giữ. Ngắm thường xuyên đi, về giữa Việt Nam và Trung Quốc, và không người làng nào biết cô ta làm nghề gì. Cuối tháng 3-2013, Ngắm mò về xã Mường Chùm, huyện Mường La, bắn tiếng cần tuyển người đi làm nương thuê với mức lương từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Hành tung bất thường cùng ý định “tuyển lao động” của Ngắm lập tức bị cơ quan công an đặt dấu hỏi và bí mật triển khai biện pháp nghiệp vụ, xác minh. Chiều 1-4, em Tòng Thị Thắm, 15 tuổi, trú tại bản Nà Tau, xã Mường Chùm, theo thông tin “tuyển lao động” đã tìm đến Ngắm. Ngắm tỉ tê, bảo Thắm rủ thêm 3, 4 bạn nữa đi làm cho vui. Ngắm sẽ cho Thắm làm nhóm trưởng, và được hưởng lương cao hơn những bạn kia. Tin lời Ngắm, ngay tối hôm ấy, Thắm rủ thêm được 3 bạn gái cùng xã, đều ở độ tuổi 14, 15. 

Sáng 2-4, theo lời hẹn của Ngắm, Thắm cùng 3 bạn gái đứng đợi ở đầu bản và được 2 người đàn ông đi xe máy đến đón, chở ra bến xe Mường La. Tại đây, Ngắm chờ sẵn và đưa 4 em gái về TP Sơn La. Ý đồ của kẻ buôn người sẽ đưa 4 bé gái đi Lào Cai, rồi sang Trung Quốc. Tuy nhiên, tại nhà trọ ở TP Sơn La đêm hôm ấy, lực lượng công an đã đột kích, giải cứu 4 em gái. Từ lời khai của Ngắm, Công an Sơn La xác định, bắt được đồng phạm của cô ta, là Lý Phú Tân, 39 tuổi, trú tại phường Phố Mới, TP Lào Cai. Tân khai nhận chính y đã “đặt hàng” 4 em gái với Ngắm để đưa sang Trung Quốc bán. Ngoài phi vụ bất thành này, cuối tháng 3-2013, Tân cùng Ngắm đã lừa bán được 2 em gái với giá gần 10 triệu đồng.

Cũng tại địa phận tỉnh Sơn La, trung tuần tháng 6 vừa qua, CQĐT công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố đối tượng Lò Văn Châu, 24 tuổi, trú tại xã Bó Sinh, huyện Sông Mã, Sơn La về hành vi mua bán người. Người bị Châu lừa và suýt bán sang Trung Quốc là chị Cà Thị Thu, 22 tuổi, trú tại xã Mường Báng, huyện Thuận Châu. Khi tiếp xúc lần đầu với chị Thu, Châu giới thiệu tên là Tim, mang quốc tịch Lào và hiện sinh sống ở Lào Cai. Một thời gian ngắn sau đó, Tim đặt vấn đề yêu đương với chị Thu, và được chị Thu đồng ý.

Trong gần 6 tháng, Tim tìm mọi cách để dụ chị Thu lên Lào Cai, tìm việc làm, rồi bàn chuyện cưới hỏi. Tin lời gã trai, chị Thu đi xe khách sang Lào Cai. Lúc gặp nhau, Tim tặng chị Thu chiếc dây chuyền bạc làm “vật đính hôn”, rồi mua sắm khá nhiều quà để tặng “vợ sắp cưới”. Chỉ đến khi cùng Tim bị Bộ đội Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai kiểm tra giấy tờ khi đang chờ thuyền vượt sông, chị Thu mới giật mình nhận ra rằng mình sắp vượt biên sang Trung Quốc chứ không phải chuẩn bị về nhà chồng, như lời đường mật của Tim. Tại CQĐT, Tim, tức Lò Văn Châu khai nhận đã được chủ chứa ứng trước 1.000 NDT. Đáng chú ý, khoảng tháng 11-2012, cũng với thủ đoạn trên, Châu đã lừa bán trót lọt được một cô gái ở xã Bó Sinh, huyện Sông Mã với giá 1.000 NDT. 

2 kẻ buôn người bị công an Sơn Lan bắt giữ

Phòng ngừa tốt, tránh hậu quả

Mỗi vụ án buôn người xảy ra là từng ấy bi kịch đối với mỗi gia đình. Nhiều năm nay, cơ quan chức năng Việt Nam luôn chủ động phối hợp với nhà chức trách các nước làng giềng, để xác minh, xử lý thông tin liên quan đến hoạt động của tội phạm mua bán người. Nhưng như nhận định của một điều tra viên Cục CSHS, việc giải cứu, đưa trở về nước nạn nhân bị mua bán không hề đơn giản. Chưa kể suốt quãng thời gian phải sống nơi đất khách, các nạn nhân phải hứng chịu biết bao điều cực khổ.

Theo dõi diễn biến hoạt động của tội phạm buôn người, có thể thấy, chúng ngày càng “nở rộ” về thủ đoạn và địa bàn gây án. Lừa đi xin việc làm, đi bán hàng, rủ lên biên giới chơi, đặt vấn đề yêu đương, giả danh người nước ngoài, và gần đây nhất, tại địa bàn tỉnh Lai Châu, cơ quan chức năng đã khởi tố một đối tượng người nước ngoài đang có hành vi đưa hai phụ nữ người dân tộc Dao, ở Lai Châu sang Trung Quốc. Ngoài Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, tội phạm buôn người đã mò về các vùng trung du, đồng bằng như Phú Thọ, Hải Phòng, thậm chí cả Hà Nội. “Ranh giới địa bàn đối với tội phạm buôn người hầu như không có, miễn sao chúng tìm được “con mồi” là những cô gái nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, bản lĩnh sống”, trinh sát Cục CSHS nhận định. Phòng ngừa tội phạm buôn người ở các địa bàn vùng cao nói riêng, sự thiếu và yếu lâu nay chính là công tác tuyên truyền.

Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ công an, phải nhìn nhận tuyên truyền chính là cách thức hữu hiệu nhất để phòng ngừa hoạt động phạm tội buôn người như: Những phiên xét xử lưu động, công khai; các tổ tình nguyện viên của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên về từng bản làng, từng trường học… Chỉ khi công tác phòng chống tội phạm buôn người được chính quyền cơ sở quan tâm và có những biện pháp đấu tranh, ngăn chặn cụ thể, thì loại tội phạm này mới không còn “đất” để hoạt động!