Riêng HĐND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được bầu 105 đại biểu

ANTĐ -Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được Quốc hội thông qua vào đầu giờ sáng nay, 19-6, với tỷ lệ ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành lần lượt là 83% và 85,22%.

Luật Tổ chức Chính phủ quy định Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng; Phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
 Riêng HĐND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được bầu 105 đại biểu ảnh 1Kết quả biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính phủ

Luật này cũng quy định số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Về luật Tổ chức chính quyền địa phương, điểm đáng chú ý nhất là quy định cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Điều này đã chấm dứt luồng ý kiến đề xuất không tổ chức HĐND quận/ phường được thảo luận rất nhiều trong thời gian qua.

Việc xác định tổng số đại biểu HĐND thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện theo nguyên tắc: Thành phố trực thuộc trung ương có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 95 đại biểu; riêng HĐND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được bầu 105 đại biểu.