Rét đậm, cẩn trọng chứng suy tim

ANTĐ - Những đợt không khí lạnh tăng cường liên tục đã gây ra môi trường sống cực kỳ bất lợi cho những người có bệnh về tim mạch, bởi mùa đông vốn đã được coi là mùa phát tác của suy tim.

Giải mã nguyên nhân

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tiết trời rét buốt rất dễ gây cảm cúm, khiến phổi bị viêm nhiễm, theo các chuyên gia đó chính là nguyên nhân quan trọng gây ra suy tim. Tình trạng viêm nhiễm ở phổi tăng thêm gánh nặng cho tim, khiến nhịp tim bị đẩy nhanh hơn. Thân nhiệt tăng lên 1 độ, nhịp tim sẽ tăng tối thiểu 16 lần/phút, lượng oxy mà cơ tim tiêu thụ cũng tăng lên, kéo theo nhu cầu về dưỡng chất của trái tim tăng lên, trong khi chức năng của tim lại không thể cung cấp, và kết quả của vòng luẩn quẩn này dẫn tới suy tim.

Lao động thể lực nặng, trạng thái tâm lý xúc động cũng đều có thể gây ra suy tim. Song nguyên nhân trực tiếp nhất vẫn là bệnh tim mạch vành. Vì sao tim mạch vành lại gây suy tim? Nói một cách dễ hiểu, tim có 10.000 tế bào bơm máu, nếu bị nhồi máu cơ tim 1 lần, sẽ có khoảng 4.000 tế bào chết đi, công việc sẽ do 6.000 tế bào còn lại đảm nhiệm. Lâu dần, 6.000 tế bào này không chịu nổi gánh nặng, khiến chức năng tim suy giảm, dẫn đến suy tim.

Phòng tránh thế nào?

Người có nguy cơ suy tim nên giữ trạng thái tâm lý ổn định, tránh xem những phim gây căng thẳng, tránh các kích động về mặt tinh thần. Trong mùa lạnh, triệt để đề phòng bị cảm cúm, viêm phổi, luôn chú ý giữ ấm cơ thể. Điều đáng nói là theo quan niệm sai lầm của một số người hiện nay, hễ thấy có biểu hiện suy tim là yêu cầu truyền dịch, thực tế, việc truyền dịch lại là tối kỵ khi bị suy tim, vì trong những trường hợp không cần thiết chỉ làm tăng thêm gánh nặng cho tim. Khi thấy hiện tượng sốt, cường giáp, thiếu máu cần đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, vì đây cũng chính là con đường ngắn dẫn đến suy tim. 

Để giảm thiểu số lần phát bệnh, phải bắt đầu từ việc thay đổi thói quen sinh hoạt. Không nên ăn quá nhiều đồ ăn dầu mỡ, tránh ăn cá mực, bạch tuộc, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật…, hạn chế ăn cá lớn và thịt động vật lớn. Nên kiểm soát lượng đồ uống vì uống quá nhiều chè, cà phê cũng gây bất lợi cho bệnh suy tim.

Bên cạnh đó, hạn chế vận động mạnh không có nghĩa là nằm dài cả ngày trên giường hoặc hoàn toàn không vận động. Cần có phương pháp tập phù hợp, trong đó tập aerobic từ 2-3 lần một tuần là một lời khuyên. Đối với bệnh nhân suy tim nặng, cũng nên đi bộ hàng ngày.

Chẩn đoán trường hợp khẩn cấp

- Đang nằm ngủ đột nhiên thấy ngạt thở, ngồi dậy thấy dễ chịu hơn, đó là một biểu hiện của suy tim. Hãy ngồi một lúc để máu đang bị dồn ở cơ tim được chuyển về tứ chi.

- Khi ngạt thở kèm theo ho, trong miệng có đờm dạng bọt màu trắng hoặc hơi hồng, mạch đập quá nhanh, thở dốc, toàn thân toát mồ hôi. Đây chính là biểu hiện lâm sàng nguy hiểm của suy tim, cần cấp cứu ngay.

- Trong một vài trường hợp có thể thấy hiện tượng sưng 2 bắp chân, bụng chướng (báng bụng).

Có thể sơ cứu tại chỗ như sau: Giúp người bệnh bình tĩnh, mở cúc cổ áo và thắt lưng quần, ngồi cân bằng, buông thõng 2 chân, lần lượt buộc thắt các chi trong vòng 5 phút để giảm thiểu lượng máu chuyển ngược về tim, bớt gánh nặng cho tim. Uống thuốc lợi tiểu  (như furosemide, hydrochlorothiazide) nếu sẵn có. Có thể uống một số thuốc làm giãn mạch máu như                         nitroglycerin, isosorbide dinitrate.