Rau xanh, thực phẩm đầy ắp tại các siêu thị lớn

ANTD.VN - Trái ngược với hình ảnh một số kệ hàng rau xanh, thực phẩm lèo tèo, thiếu hàng cuối tuần trước, những ngày gần đây, các siêu thị lớn tại Hà Nội đã đầy ắp hàng phục vụ người dân.

Rau xanh, thực phẩm tràn ngập, không lo khan hiếm dù đang dịch bệnh

Chiều 12-2, chị Nguyễn Thị Dịu (Tây Mỗ- Nam Từ Liêm- Hà Nội) chở 2 con nhỏ ra siêu thị Big C Thăng Long mua sắm. Giỏ hàng của chị Dịu chỉ gồm có khoảng chục gói mì tôm và phở gà ăn liền, cùng một ít rau xanh.

“Hôm nay trời nắng ráo hơn, tôi tiện đi siêu thị mua ít đồ và cho con đi theo. Các cháu nghỉ học không có ai trông. Rau xanh, trái cây trong siêu thị rất nhiều, giá giảm nhẹ so với trước Tết khoảng 1 tuần”- chị Dịu nói.

Tại siêu thị Hapro mart Thành Công, chị Đặng Minh Hằng (tập thể Thành Công) cho hay: “Học sinh được nghỉ học để tránh lây nhiễm virus corona nên tôi mua vài gói mì ăn liền, các loại nước sốt, bột làm bánh về cho con làm dịp này. Hàng hóa rất nhiều. Siêu thị này cũng bán dưa hấu khá rẻ”.

Ghi nhận tại một số siêu thị lớn như: Big C Thăng Long, Aeon Mall Hà Đông, Co.op mart, Hapro mart Thành Công cho thấy, ở khu vực rau xanh, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã chế biến, hàng hóa nhiều, không có kệ nào trống hàng. Giá nhiều loại rau xanh, trái cây hiện thấp hơn so với chợ truyền thống.

Do đang vào vụ thu hoạch nhiều loại trái cây, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, các siêu thị đã cam kết hỗ trợ tiêu thụ các mặt này nên giá khá rẻ. Tại Big C Thăng Long, dưa hấu giá 6.200 đồng/kg; tại Hapro mart, dưa hấu giá 6.900 đồng/kg.

Các loại trái cây như: xoài, ổi, chuối, thanh long... đều tươi ngon, giá bình dân. Tuy vậy, giá các loại thịt, đặc biệt là thịt lợn tại siêu thị lại cao hơn ngoài chợ.

Tại Lotte mart Tây Sơn, thịt ba chỉ vẫn giữ giá 205.000 đồng/kg; sườn thăn 240.000 đồng/kg, cao hơn ngoài chợ ít nhất 25.000 đồng/kg mỗi loại.

Tuy nhiên, một số cửa hàng tiện ích như: Vinmart +, lượng rau xanh cung ứng ra thị trường rất ít. Khách hàng chỉ mua được một số loại rau lúc đầu giờ sáng với giá bán cao hơn so với nhiều siêu thị khác.

Đáng chú ý, do tâm lý lo ngại lây lan virus corona, những ngày gần đây, các siêu thị khá vắng khách, không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy để mua hàng về tích trữ, đề phòng dịch bệnh kéo dài.

Đại diện một siêu thị lớn cho biết: “Ngay sau Tết, do thông tin dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán nghiêm trọng, kéo dài, cộng với thời tiết mưa phùn, lạnh nên tại một số thời điểm, có hiện tượng người dân tranh thủ mua hàng tiêu dùng thiết yếu, dẫn tới có một số quầy hàng bị hết hàng tạm thời. Chúng tôi đã bổ sung ngay sau đó, nguồn hàng rất dồi dào. Thiếu hàng chỉ là do nhu cầu tăng đột biến tại một thời điểm”.

Cùng nhận định trên, ông Vũ Vinh Phú- chuyên gia thương mại đánh giá, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại các siêu thị, trung tâm thương mại hiện tại rất phong phú. Mặc dù giá bán vẫn cao hơn so với mặt bằng chung trước Tết Nguyên đán nhưng không có tình trạng khan hàng, sốt giá.

“Cách đây mấy ngày có hiện tượng hết hàng cục bộ tại một số siêu thị do một số người dân mua sẵn dùng khi thời tiết không thuận lợi, chỉ một số ít có tâm lý mua gom do lo ngại dịch corona diễn biến phức tạp. Nguồn cung hàng hóa rất dồi dào, nếu doanh nghiệp bán lẻ liên kết chặt chẽ với nhà sản xuất thì không lo thiếu hàng”- ông Vũ Vinh Phú khẳng định.

Trước đó, ngày 5-2, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương cũng đã trực tiếp khảo sát, làm việc với một số siêu thị lớn tại Hà Nội. Ghi nhận tại thời điểm kiểm tra cho thấy, không có tình trạng người dân mua gom, tích trữ hàng hóa để phòng dịch, dẫn đến thiếu hàng. Do đại dịch viêm phổi diễn biến phức tạp nên các siêu thị, trung tâm thương mại tương đối vắng khách, không đông đúc như thường ngày.