Rau sạch vẫn chưa đạt yêu cầu

ANTĐ - Thời gian gần đây, rau an toàn (RAT) liên tiếp gặp nghi ngại từ phía người tiêu dùng khi mà nhiều thông tin cho rằng, vẫn còn tình trạng bát nháo trong sản xuất, phân phối. Thực trạng này diễn ra do buông lỏng từ chính quyền địa phương và việc “ế ẩm” trong tiêu thụ RAT.

Cơ sở sơ chế RAT Đạo Đức- Vân Nội

Sơ chế trên nền sân

Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về việc sản xuất RAT. Đến cuối năm 2013, toàn  thành phố đã có 4.500 ha RAT, phân bố ở 116 xã trọng điểm. Sản lượng RAT đạt khoảng gần 300.000 tấn/năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, tình trạng sản xuất RAT trên địa bàn TP vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát. Đặc biệt, chính quyền địa phương vẫn chưa thấy hết được vai trò trách nhiệm của mình trong quản lý và thúc đẩy phát triển RAT. Ngoài ra, dù phát triển RAT khá sớm, nhưng đến nay, chính sách “đầu ra” cho RAT vẫn chưa có dẫn đến việc tiêu thụ chậm, ế ẩm, mạng lưới tiêu thụ RAT ngày càng “co ngót”. 

Mới đây, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất RAT trên địa bàn xã Vân Nội cũng như quản lý Nhà nước tại địa phương, trong đó có HTX sản xuất và tiêu thụ RAT Đạo Đức, một cơ sở sản xuất RAT được hình thành khá sớm và có tiếng trên địa bàn Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sơ chế của HTX Đạo Đức quá bẩn thỉu, không đáp ứng yêu cầu một cơ sở sơ chế RAT. Rau được để dưới nền đất, trải tấm bạt đầy đất cát, rác. Bà Đỗ Thị Liên biện minh, do cơ sở sơ chế đang sửa sang, xây mới nên mới “tạm bợ” như vậy.

Còn tại HTX sản xuất tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông sản an toàn xã Vân Nội, đoàn kiểm tra phát hiện có tình trạng mua rau ngoài chợ để trà trộn làm RAT. Ông Trần Văn Mây, Chủ nhiệm HTX nhìn nhận, các xã viên đã tự ý thu mua bí xanh tại xã Nam Hồng để đưa vào chuỗi cung ứng RAT của HTX. 

Chưa như kỳ vọng

Bà Trần Thị Hợp, Phó Chủ tịch xã Vân Nội cho biết, trên địa bàn xã có 10 HTX và 3 công ty sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, đủ điều kiện sơ chế RAT. Hiện tại, toàn xã đang có khoảng 104 ha chuyên trồng RAT. Tuy nhiên, việc giám sát xã viên sản xuất rau đều do các HTX, doanh nghiệp tự quản lý. Bà Trần Thị Hợp nhìn nhận, UBND xã không có kế hoạch kiểm tra việc sản xuất RAT của các HTX trên địa bàn mà chỉ phối hợp với các đoàn kiểm tra của huyện Đông Anh hoặc Chi cục BVTV Hà Nội, song, cũng chưa phát hiện trường hợp nào mua rau không rõ nguồn gốc ngoài chợ để bán với danh nghĩa RAT.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Giao dịch của Sàn Giao dịch Rau quả & Thực phẩm An toàn Hà Nội cho biết, hiện đang có khoảng 100 đơn vị sản xuất và cung ứng rau quả thực phẩm an toàn tại 15 tỉnh/thành tham gia giao dịch. Thực tiễn hoạt động của Sàn cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng đối với rau quả an toàn là rất lớn, nhưng lượng RAT sản xuất và cung cấp ra thị trường lại không nhiều, các cơ sở sản xuất RAT mặc dù được đầu tư khá lớn nhưng không phát triển được như kỳ vọng. Điều này do nhiều nguyên nhân trong đó có bất cập rất lớn về phát triển, tổ chức và quản lý thị trường. 

Để siết lại quản lý cũng như nâng cao trách nhiệm địa phương, ông Nguyễn Duy Hồng cho biết, với những cơ sở sản xuất, cung ứng RAT vi phạm, sẽ xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép. Được biết, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng vừa có quyết định thanh kiểm tra việc sản xuất, sơ chế và quản lý Nhà nước về RAT trên  toàn địa bàn TP nhằm loại bỏ những cơ sở làm ăn yếu kém, chộp giật, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.