Rau sạch không cần đất: Bao giờ đi vào thực tiễn?

(ANTĐ) - Những ngày này, khi những bức xúc về “rau bẩn” chưa có dấu hiệu nguôi ngoai thì người dân Hà Nội và TP.HCM lại lao đao vì “cơn sốt” rau sau đợt lũ lịch sử vừa qua. Nhiều người nhắc đến công nghệ trồng rau sạch không cần đất, mà thắc mắc: Một đề tài khoa học có ý nghĩa như vậy, thực tế như vậy mà đến nay việc ứng dụng xem ra vẫn rất mơ hồ.

Rau sạch không cần đất: Bao giờ đi vào thực tiễn?

(ANTĐ) - Những ngày này, khi những bức xúc về “rau bẩn” chưa có dấu hiệu nguôi ngoai thì người dân Hà Nội và TP.HCM lại lao đao vì “cơn sốt” rau sau đợt lũ lịch sử vừa qua. Nhiều người nhắc đến công nghệ trồng rau sạch không cần đất, mà thắc mắc: Một đề tài khoa học có ý nghĩa như vậy, thực tế như vậy mà đến nay việc ứng dụng xem ra vẫn rất mơ hồ.

Rất thực tế

Năm 2005, đề tài khoa học cấp Nhà nước KC.07.20, nghiên cứu công nghệ trồng rau sạch không cần đất do trường ĐH Nông nghiệp I chủ trì, PGS.TS Hồ Hữu An làm Chủ nhiệm được nghiệm thu. Sản phẩm làm giới khoa học nông nghiệp không khỏi thán phục: Những cây cà chua cao tới 4-5m, chi chít quả, những cây xà lách xanh mướt, vươn xa hàng mét, những cây dưa chuột quả thậm chí nặng tới hơn 1kg, mọc lúc lỉu từ gốc cây lên... Thêm vào đó, do không mất các công đoạn nặng nhọc như cày, cấy... lại trồng được quanh năm nên hệ số quay vòng rất cao (4-11 vụ/năm), năng suất gấp nhiều lần phương pháp canh tác thông thường.

Sở dĩ gọi là trồng rau không cần đất vì với phương pháp này, rau được trồng trên các giá thể, trong dung dịch (thủy canh), hay theo phương pháp tưới nhỏ giọt... Phương pháp này sẽ loại trừ hoàn toàn ô nhiễm từ các loại kim loại nặng, hóa chất BVTV, vi sinh vật có hại... Phân tích từ Trung tâm Kỹ thuật I - Bộ Khoa học & Công nghệ cho thấy, các chỉ tiêu về chất độc hại thấp hơn nhiều chục lần so với mức cho phép của FAO, WHO và Việt Nam.

PGS. TS Hồ Hữu An cho biết, để đề tài đi vào thực tế đời sống người dân, ông đã nghiên cứu, tính toán sẵn từ cây giống, phân bón, dung dịch đến kích thước, loại giá thể... khi trồng, người trồng chỉ việc thực hiện đúng quy trình là được. Các hộ gia đình có thể tận dụng những diện tích vô cùng nhỏ hẹp như ban công, sân thượng... vừa giúp tự túc bữa ăn an toàn lại tạo không khí trong lành cho ngôi nhà. Đối với nhà trồng công nghiệp, các nhà khoa học đã thiết kế dạng nhà lưới có mái che với mỗi module 200m2. Tùy từng loại cây, có công nghệ riêng như giàn leo, hệ thống làm mát tổng hợp, hệ thống phân bón, tưới tự động hoặc bán tự động...

Nhưng khó thực hiện

Mỗi ngày, PGS. TS Hồ Hữu An nhận được rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến trao đổi về công nghệ trồng rau sạch. Giám đốc một doanh nghiệp đã không khỏi bức xúc: Khi vào siêu thị mua rau, siêu thị bảo rau sạch lấy từ Vân Nội. Vân Nội vừa ngập trắng đồng chưa đầy chục ngày, rau đâu mà nhiều thế?! Đấy, nhiều nhà kinh doanh Việt Nam vẫn hay “lừa dối khách hàng” trắng trợn thế. Người giám đốc này ngỏ lời muốn ông chuyển giao công nghệ trồng rau không cần đất đưa vào sản xuất.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển giao công nghệ trồng rau sạch không cần đất không phải dễ. Năm 2005, sau khi nghiệm thu đề tài và bàn giao tài sản cho trường ĐH Nông nghiệp I,  PGS.TS Hồ Hữu An đã tìm nhiều cách để phổ biến công nghệ mới mẻ này nhất là thông qua các hội chợ công nghệ.

Theo thông tin từ trường ĐH Nông nghiệp I, rất nhiều bản ghi nhớ tiền tỷ đã được ký kết nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa có doanh nghiệp nào mạnh dạn đầu tư. Một vài doanh nghiệp đã được Nhà nước “rót tiền” để trồng rau sạch không cần đất nhưng lại nhập ngoại hoàn toàn công nghệ, từ cái đinh, cái dây, thậm chí cả con người, vì vậy chi phí quá cao, khả năng nhân rộng là không thể nên đến giờ vẫn chỉ là... mô hình.

Trong khi đó, công nghệ trong nước nay đã được Việt hóa, tận dụng mọi nguyên vật liệu trong nước, các nhà khoa học hoàn toàn chủ động về công nghệ thì lại gian nan tìm chỗ đứng trong thực tiễn. Khó khăn lớn nhất hiện vẫn là kinh phí đầu tư ban đầu tương đối lớn, trong khi công nghệ này ở Việt Nam còn quá mới mẻ, hầu hết các doanh nghiệp “nghi ngờ” về tính hiệu quả, lo sợ rủi ro. Thiết nghĩ, một đề tài khoa học có ý nghĩa và tính thực tiễn cao như vậy, ngoài sự mạnh dạn của các doanh nghiệp, rất cần có sự chung tay của Nhà nước để công nghệ đi vào cuộc sống.

Hà Loan