Rau quả Trung Quốc trà trộn

ANTĐ - Rau quả Trung Quốc liên tục bị phát hiện có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, phần lớn người tiêu dùng trong nước đã quay lưng. Song, hàng đêm, rau quả từ bên kia biên giới vẫn “dội chợ” dưới lốt hàng nội.

Tất cả người bán đều khẳng định là nho Mỹ hoặc nho Ninh Thuận

Nho Trung Quốc thành nho Mỹ, nho Ninh  Thuận 

Nếu như trước kia, rau quả Trung Quốc được người tiêu dùng ưa  thích vì giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp hơn hàng nội, thì nay, người tiêu dùng đã và đang tẩy chay, e sợ các loại rau quả có xuất xứ từ bên kia biên giới. Liên tiếp trong thời gian gần đây, rau quả Trung Quốc “dính án” thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất độc hại.

Theo ghi nhận, rau quả xuất xứ Trung Quốc hàng đêm vẫn dội các chợ lớn như Long Biên, Bình Điền, Thủ Đức… Vậy, lượng hàng hóa này sẽ được tiêu thụ như thế nào tại các chợ dân sinh? Khi đến các chợ dân sinh, bán lẻ đến người tiêu dùng, tất cả các tiểu thương đều giới thiệu và khẳng định, đó là rau quả nội, từ Lâm Đồng, Đà Lạt, Ninh  Thuận… chở ra.

Nổi cộm trong thời gian gần đây là nho Trung Quốc đột lốt nho Mỹ, nho Ninh Thuận bán với giá rẻ bất ngờ. Các loại hoa quả này rất dễ mua ở các sạp hoa quả vỉa hè, hàng rong.

Đường Lạc Long Quân, khu vực cuối đường Giải Phóng, hay đối diện chợ cầu Diễn, chỉ quãng đường ngắn chừng 100m đã có gần 20 xe hàng rong bán nho. Một số xe thì trưng biển nho Mỹ, còn lại là giới thiệu qua miệng, song, đều có giá từ 30.000-40.000 đồng/kg. Ghé vào một hàng rong hỏi mua, chị bán hàng luôn miệng quảng cáo “nho Mỹ đang vào vụ, nên  giá rẻ. Nhiều thịt mà ngọt lắm”. Trước câu hỏi: “Nho Mỹ sao rẻ thế, nho Trung Quốc đưa về à?”,  chị bán hàng khẳng định chắc nịch: “Nho Trung Quốc giờ không bán được nữa thì nhập về làm gì. Bây giờ nho toàn từ Ninh Thuận đưa ra, hoặc nho Mỹ thôi”. Dù khẳng định nho mình đang bán là nho Mỹ, nhưng sau lưng chị, là một vài thùng carton in tiếng Trung bên ngoài, và những bọc nho còn nguyên tiếng Trung chưa kịp “phi tang” dấu vết.


Rau củ ngoại khoác áo “nội”

Nhưng bao bì lại bằng tiếng Trung Quốc!

Không chỉ hoa quả, mà với mặt  hàng rau củ tươi, gần đây, hết thông tin cải thảo nhiễm formaldehyde đến “nghi án”, 6 nạn nhân tại Nhật Bản đã bị tử vong vì ăn bắp cải muối chua xuất xứ Trung Quốc. Dù, ngay sau đó, Cục BVTV đã lên tiếng, thông tin chưa chính xác, có sai sót trong quá trình dịch thuật, nhưng vốn đã mang nhiều “tai tiếng” về chất lượng nên người tiêu dùng vẫn e dè. Để tiêu thụ được hàng, các tiểu thương gắn cho rau quả Trung Quốc mang mác hàng nội từ cải bắp, cải thảo đến cà chua, khoai tây, cà rốt… Các tiểu thương buôn bán rau tại các chợ đều khẳng định là hàng Đà Lạt chuyển ra. Tuy nhiên, hiện, diện tích trồng rau quả của Đà Lạt không lớn, không đủ hàng để cung cấp cho cả nước. Trong khi đó, với một số loại rau theo vụ như cải bắp, cải thảo, củ cải… không sản xuất được ở Việt Nam vào mùa này. Rồi đến hành, tỏi Trung Quốc cũng được gắn mác miền Trung, khoai tây Trung Quốc trộn thêm đất đỏ để thành khoai Đà Lạt… 

Đội lốt hàng nội hàng ngày, rau quả Trung Quốc vẫn dội về các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại chợ Long Biên, hàng trăm xe trọng tải lớn từ vài tấn đến hàng chục tấn chen nhau đỗ san sát tại khu vực giữa chợ với các loại hoa quả táo, nho, lê, dưa, lựu,… Dưới mỗi chiếc xe là thương lái vây quanh, sau khi xem hàng, ai ưng thùng nào thì lấy thùng đó.  Tại đây, nho có 2 loại, một loại 230.000 đồng/thùng 10kg, loại hàng đầu có giá 320.000 đồng/thùng 10kg; táo Fuji Trung Quốc có giá dao động trong khoảng 180.000 - 250.000đồng/thùng 8kg. Và tất nhiên, khi được các thiểu thương bán lẻ, bán rong, giá đã được đội lên rất nhiều. 

Việc rau quả Trung Quốc đội lốt hàng nội hay hàng từ các nước khác đã diễn ra từ lâu nhưng đến nay, chúng ít khi bị kiểm tra. Gần đây nhất, tại Hậu Giang, cơ quan quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra và lấy mẫu nho Trung Quốc đội lốt nho Mỹ bày bán trên địa bàn huyện Châu Thành A. Kết quả cho thấy, giá ghi trong hóa đơn 6.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ 35.000-40.000 đồng/kg.