Rau quả ngoại có tuyệt đối an toàn?

ANTD.VN - Nghịch lý này được một số người tiêu dùng có thu nhập khá lý giải là bởi rau quả Việt Nam kém an toàn khiến họ không yên tâm khi sử dụng. Nhưng rau quả ngoại liệu đã tuyệt đối an toàn?

Số lượng người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn rau quả nhập khẩu ngày càng nhiều trong khi những mặt hàng tương đồng trong nước đã sản xuất được thì lại ế ẩm. Thực trạng này đang gây ra những lo ngại đối với nền sản xuất trong nước cũng như áp lực nhập siêu càng lớn. 

Rau quả ngoại có tuyệt đối an toàn? ảnh 1Hoa quả nhập khẩu tràn ngập thị trường

Chuộng rau quả nhập khẩu

Tại cửa hàng hoa quả nhập khẩu đầu phố Láng Hạ, mặc dù cam Sài Gòn có giá chỉ bằng một nửa (65.000 đồng/kg) so với cam nhập từ Mỹ (130.000 đồng/kg) nhưng chị Nguyễn Mỹ Hà (Thành Công - Ba Đình) vẫn chọn mua cam Mỹ - “Cam Mỹ vừa ngon lại đẹp mã, trẻ con người lớn ăn đều thích, trong khi cam Sài Gòn dường như chỉ vắt nước được, vị chua hơn. Nhưng hơn cả, tôi yên tâm mua hoa quả nhập khẩu vì sự an toàn”. 

Chuộng hoa quả nhập khẩu là tình trạng chung của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, nhất là ở các đô thị lớn. Có thể thấy rõ điều này khi hệ thống các cửa hàng hoa quả nhập khẩu Klever Fruit có mặt ở hầu hết các tuyến phố lớn như Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Láng Hạ… Các cửa hàng hoa quả nhập khẩu ít tên tuổi hơn cũng mọc lên như nấm sau mưa.

Đối với các mặt hàng Việt Nam không có như cherry (anh đào) thì phải chấp nhận nhập khẩu. Nhưng nếu mặt hàng Việt Nam sản xuất được mà vẫn nhập khẩu thì cần xem xét lại quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Theo chủ cửa hàng hoa quả nhập khẩu trên phố Thành Công, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn thực phẩm tiêu dùng. “Dâu tây Hàn Quốc 150.000 đồng/250g, tương đương 600.000 đồng/kg, dâu tây Việt Nam chỉ 280.000 đồng/kg, nhưng nhiều người chọn mua hàng của Hàn Quốc. Họ sợ dâu tây Việt Nam sử dụng chất bảo quản độc hại”- bà Trần Thị Thi, chủ cửa hàng cho hay.

Hiện nay, một số loại hoa quả nhập khẩu đang được chuộng là táo, cam, nho (Mỹ); lê và nho (Nam Phi); kiwi (New Zealand) và rất nhiều loại hoa quả nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc. Những loại quả này hoặc Việt Nam chưa sản xuất được, hoặc hàng Việt Nam kém sức cạnh tranh hơn về chất lượng. Tuy nhiên, thực tế, nhiều loại hoa quả nội vẫn được tiêu thụ nhiều như: ổi, thanh long, chuối, bưởi da xanh… 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu rau quả vào Việt Nam đạt trên 164 triệu USD, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Bỏ ra hàng triệu USD để nhập rau quả trong khi Việt Nam là nước nhiệt đới có thế mạnh về nông nghiệp được cho là một dấu hiệu không bình thường.

Chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, rau quả nước ngoài tràn vào Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với hàng sản xuất trong nước là tất yếu. Một chuyên gia thị trường cho rằng: “Lựa chọn tiêu dùng sản phẩm nhập khẩu hay hàng nội địa là quyền của người tiêu dùng. Họ thấy hàng hóa nào phù hợp với nhu cầu, thu nhập của họ thì họ chọn. Tất nhiên, việc rau quả nhập khẩu đắt hàng hơn cũng phản ánh rau quả Việt Nam kém sức cạnh tranh”.

Giải thích rõ hơn về điều này, vị chuyên gia cho hay, cùng một loại hàng hóa tương đồng, nhưng hàng Việt Nam do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên giá cao hơn. Một bộ phận người tiêu dùng cũng lo ngại rau quả Việt Nam sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản độc hại. 

Theo đại diện Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam dùng đến 90% là phân vô cơ, chỉ 10% sử dụng phân hữu cơ, trong khi ở các nước thì ngược lại nên nền nông nghiệp của Việt Nam vẫn được coi là chưa an toàn, người tiêu dùng không yên tâm sử dụng. Để kéo người tiêu dùng Việt Nam về với hàng Việt, chỉ có cách là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải nâng cao chất lượng, mẫu mã và đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nhập khẩu rau quả từ Thái Lan trong 2 tháng đầu năm nay tăng mạnh (101,6%) so với cùng kỳ, lên đến 82,6 triệu USD, chiếm hơn 50% giá trị nhập khẩu rau quả cả nước; nhập từ Trung Quốc tăng 20% đạt 31,6 triệu USD, chiếm hơn 19%; Mỹ 13,2 triệu USD (tăng 9%)... Chỉ tính riêng nhập khẩu từ 2 thị trường Trung Quốc và Thái Lan, mỗi ngày Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD (tương đương 44,5 tỷ đồng) nhập rau củ quả. 

Tổng cục Hải quan