Rất cần văn hóa ứng xử khi tác nghiệp ​

ANTD.VN - Chuyện thật như đùa trong giới nhiếp ảnh Việt. Các tay máy cả chuyên lẫn không chuyên nhiều lần nổi khùng với nhau chỉ vì chỗ đứng tác nghiệp.

Bất chấp những ngăn cản của BTC, các tay máy vẫn áp sát để chụp ảnh về voi tại Lễ hội đua voi năm 2017

Trong các sự kiện và chương trình mang tính thời sự diễn ra, đôi khi việc chọn được chỗ đứng tốt  rất khó bởi ai cũng muốn có được bức ảnh đẹp và  vì thế, nhất định vị trí đặt máy cũng phải  tốt.

Đụng độ nhau vì...chỗ đứng

Việc xí chỗ luôn dành cho người đến trước. Nhưng có khi, cũng vì ham bắt lấy một bức ảnh đẹp mà  nhiều nhà nhiếp ảnh đã to tiếng với nhau. Một lần tác nghiệp tại Thủ Thiêm chụp pháo hoa, tay máy Nguyễn Xuân Chính đã không thể tìm được chỗ để đặt máy. Bờ sông thì mênh mông nhưng cứ ra đứng thì sau lưng một đám lố nhố la hét “tránh ra, làm gì đấy?”.

Khi quay lại, nhà nhiếp ảnh này bắt gặp 5, 6 tay máy đều còn rất trẻ. Một người có vẻ nhã nhặn nhất được cử làm đại diện ra gặp Xuân Chính và nói: “Này bạn, tụi này đến đây từ 3h chiều mới có được chỗ đứng này, bạn tới sau thì làm ơn tránh ra, đứng làm phiền như vậy”. Thôi thì dĩ hòa vi quý, Xuân Chính đành đi chỗ khác.

Còn nhà nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm nhớ lại, khi anh ra nước ngoài chụp ảnh trong một sự kiện văn hóa, các phóng viên nước ngoài không có khái niệm nhường nhịn. Bởi do áp lực từ công việc và những bức ảnh “độc” nên sự cạnh tranh giữa các tay máy luôn luôn diễn ra. Người đến sau chỉ cần nhô đầu lên cao hơn góc máy của nhà nhiếp ảnh đến trước, phóng viên báo bạn sẽ lập tức bị nhắc nhở hoặc ghìm xuống, huých vào lưng không cho chụp. Đây không phải chuyện hiếm trong các lần tác nghiệp của phóng viên ảnh. 

Chấp nhận lép vế đồng nghĩa với việc, tay máy sẽ không có bức ảnh đẹp nhất. Do vậy, theo kinh nghiệm của các nhiếp ảnh gia, để chọn được vị trí tốt, cần chuẩn bị phương tiện máy móc như ống kính, chân máy và đặc biệt cần đến sớm để có được chỗ đứng thuận lợi trong các sự kiện có tính cạnh tranh cao như ảnh thời sự.

Nhưng ngay cả khi đã chuẩn bị kỹ càng, nhà nhiếp ảnh vẫn có thể không có được chỗ đứng tốt nhất. Lúc này, các mối quan hệ đồng nghiệp thân tình sẽ giúp các nhà nhiếp ảnh “dễ thở” hơn trong khu vực “cấm địa”. Hoặc bằng sự tinh nhanh, một khoảng hở giữa các tay máy cũng đủ cho nhà nhiếp ảnh kịp bắt lấy khuôn hình.

Lễ hội vỡ trận vì...nhà nhiếp ảnh!

Tại lễ hội đua voi và đua thuyền độc mộc diễn ra ở Đắk Lắk vừa qua, việc tìm chỗ chụp tốt và đắc địa của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã vô tình đẩy lễ hội vào thế vỡ trận. Dù BTC đã khoanh vùng để các nhà nhiếp ảnh tác nghiệp nhưng do muốn có được khuôn hình “độc”, không ít các nhà nhiếp ảnh đã phá vỡ nội quy, tự ý tìm đến những góc chụp theo ý mình. Một người làm được, những người khác cũng làm được.

Vậy là, có người leo lên cây, có người lội xuống nước hàng giờ, có người ngồi chênh vênh giữa dốc trơn trượt, có người nằm ọp xuống đất đầy bụi bặm để chụp cho được bước chân voi… Ai cũng cố thủ tại vị trí của mình với ý định sẽ có được những bức hình không giống bất cứ khuôn hình nào khác. 

Còn voi, nhân vật chính trong các bức ảnh được một phen làm phiền đến tối đa. Các nhiếp ảnh gia vây lấy những con voi, áp sát đến mức gần nhất để cận cảnh vào từng bước chạy. Thậm chí, dù BTC đã cấm không sử dụng flycam bởi tiếng động cơ ù ù phát ra sẽ làm voi tưởng là ong, sợ không dám chạy nhưng vẫn có vài chiếc bay vè vè trên trời.

Nói cho cùng, chuyện xí chỗ trong nhiếp ảnh cũng là vì muốn có được những bức ảnh đẹp,  tuy nhiên điều đáng nói nhất, có lẽ vẫn là văn hóa ứng xử trước những tình huống như vậy. Việc chấp nhận chỗ đứng không tốt và khắc phục bằng các thiết bị máy móc hiện đại hoặc thương lượng với nhau sẽ thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác trong công việc.