Rất cần một cú hích

ANTĐ - Gốc của thu ngân sách bắt nguồn từ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Khi tình hình khó khăn, đình trệ thì nguồn thu sẽ eo hẹp. Nếu hỗ trợ, tiếp sức cho sản xuất, hồi phục, tăng thu nhập cho doanh nghiệp, của các ngành kinh tế thì ngân sách Nhà nước sẽ có nguồn thu. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dù số doanh nghiệp giải thể đã giảm, sản xuất có dấu hiệu chuyển biến tương đối khả quan. 

Đó là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội. Ngân sách năm 2013 được dự báo có khả năng hụt thu, song theo ông Chủ nhiệm dù khó khăn đến đâu vẫn phải dành nguồn lực để tạo ra những cú hích cho nền kinh tế. Chính phủ không nên quá “thắt lưng buộc bụng”, nhưng phải tính toán, chọn lọc việc chi sao cho hợp lý. Không nên dàn hàng ngang để kích cầu mà phải có sự cân nhắc, phải kích cầu vào những khu vực, dự án mang lại hiệu quả ngay.

Tương tự, Chính phủ cũng cần chú trọng cho chương tình mục tiêu quốc gia để giải quyết lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo… Chờ đợi và kỳ vọng vào những cú hích vĩ mô, cuộc khảo sát 700 doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và cảm nhận 6 tháng cuối năm cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp tỏ ra khá tin tưởng vào sự khởi sắc.

Theo công bố của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, giới doanh nghiệp nhận định, nửa đầu năm nay nhiều yếu tố trong môi trường kinh doanh sản xuất được cải thiện. Chất lượng các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục hành chính đã tốt hơn. Đã có 32,3% số doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng để đầu tư, mở rộng sản xuất. Tỷ lệ doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội phát triển là 28%, cảm nhận có chính sách ưu đãi về thuế là 20,7%. Lãi suất giảm là tín hiệu giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn khi quyết định kinh doanh. Tuy vậy có tới 69% doanh nghiệp cho rằng, giải quyết hàng tồn kho và đầu ra cho sản phẩm vẫn là bài toán khó giải.

Vì thế, giới doanh nghiệp kiến nghị, ngân hàng cần đưa ra những sản phẩm hỗ trợ phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, cần nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất phù hợp với tình hình lạm phát, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn. Nhận xét về những động thái “mềm tay” của chính sách tài khóa, một số chuyên gia cho rằng, dù đã có nhiều điều chỉnh về thuế cho doanh nghiệp nhưng vẫn chưa đủ, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp đang thua lỗ. Giảm thuế suất trên lợi nhuận chỉ tốt khi doanh nghiệp đang ăn nên làm ra. Nếu họ đang lỗ thì có giảm một nửa thuế cũng chẳng giúp được gì. 

Đây là thời điểm nền kinh tế rất cần một cú hích. Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu mở rộng quốc lộ 1A, quốc lộ 14 cộng với các gói kích cầu như 1 tỷ USD cho ngành y tế… sẽ có tác động kích cầu rất mạnh. Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong chờ được kích cầu như vậy để tạo ra cú hích cho 6 tháng cuối năm, lấy đà cho năm sau.