Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:

“Rào” thưa khó chống rửa tiền

ANTĐ - Ngày 15-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật phòng, chống rửa tiền. Nhiều ĐBQH “chê” dự luật còn đơn giản và khó đạt hiệu quả trong thực tế.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) - Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình)

Đa số các ĐBQH đồng ý phải có Luật phòng, chống rửa tiền. ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, nếu không có luật này, Việt Nam sẽ là nơi tập trung của tội phạm rửa tiền, tạo ra những hậu quả rất lớn với nền kinh tế. ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) nêu ý kiến, rửa tiền phổ biến nhất là thông qua các hoạt động đầu tư, bất động sản, chứng khoán…, do đó dự luật nên đề cập đến việc minh bạch hóa thu nhập tài sản cá nhân và coi đó như điều kiện hàng đầu về công cụ hữu hiệu trong phòng, chống rửa tiền.

Một số ĐBQH cho rằng, không nên giao cho Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối phòng, chống rửa tiền. Bởi, đã nói rửa tiền thì phải coi đó là một loại tội phạm hình sự, tiếp tay cho các tội phạm buôn lậu, lừa đảo, tham ô… ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) nói: “Chủ trì phải là cơ quan đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tôi thấy cần thiết phải giao cho Bộ Công an…”. ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) đồng tình: “Ngân hàng Nhà nước không có kinh nghiệm trong phòng, chống tội phạm và vi phạm, không có lực lượng được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ điều tra xác minh, trinh sát… Trong khi đó, hành vi vi phạm rất tinh vi, xảo quyệt, rất khó phát hiện do đối tượng vi phạm chủ yếu có trình độ cao…”

Nhiều ĐBQH chưa hài lòng với nội dung dự luật. ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) phê bình: “Dự luật quá dài, có nhiều nội dung khó hiểu, bố cục không chặt chẽ, giải thích từ ngữ không rõ ràng, nếu đưa nội dung tài trợ khủng bố vào dự án luật này sẽ bị gượng ép…”. Cũng đánh giá dự luật “chưa được chuẩn bị kỹ”, ĐB Đỗ Văn Đương còn phát hiện “nhiều điểm trong dự thảo phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật”…

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, phòng, chống rửa tiền còn là biện pháp quan trọng chống tham nhũng. Tuy vậy, ông không mấy tin tưởng tính khả thi của dự luật. Bởi hiện nay, việc thanh toán qua ngân hàng rất hạn chế, chủ yếu là thanh toán bằng tiền mặt, USD, vàng và nhiều tài sản hữu hình khác. Ông phân tích: “Phải có quy định thích hợp để đối phó với việc này, chứ nếu chỉ dập khuôn theo các nước thì không hợp. Ở nước ngoài, nếu vào một cửa hàng ăn uống, anh móc ra một xấp USD thì người ta nhìn anh rất kỳ quặc. Còn ở ta có khi vác cả bao tiền hay bao vàng đi ngoài đường là chuyện bình thường”.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng cho rằng, nếu chỉ bàn một cổng duy nhất, tức là ngân hàng thì không ổn vì ở Việt Nam có vô cùng nhiều cổng để rửa tiền. Ông ví dụ: “Chỉ cần mua một căn hộ cao cấp là có thể rửa hàng triệu USD. Chúng ta còn sử dụng nhiều tiền mặt và vàng như thế này thì vô phương cứu chữa.” Chê dự luật quá đơn giản, ĐB Dương Trung Quốc nói: “Tất cả những nội dung trong dự thảo chỉ giống như là một quy chế của nội bộ ngân hàng. Nếu tôi là người định rửa tiền, đọc luật này xong, tôi lách được ngay…”.

Không đồng ý bỏ giám định tư pháp của công an tỉnh

Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật giám định tư pháp. Nhiều ĐBQH tập trung vào nội dung chuyển lực lượng giám định tư pháp của công an tỉnh sang giám định của tỉnh, tức là giao giám định tư pháp cho ngành y tế. Đại đa số ý kiến phản đối việc chuyển giám định tư pháp của công an tỉnh cho ngành y tế. ĐB Nguyễn Minh Kha (TP Cần Thơ) cho rằng, thực tế trong hoạt động điều tra, công tác giám định pháp y rất quan trọng, nhất là giám định của lực lượng công an. Khi xảy ra nhiều vụ án cùng lúc, việc trưng cầu giám định y tế rất khó khăn, hoặc nếu trưng cầu giám định của tỉnh, rất mất thời gian, làm cản trở quá trình điều tra. Ông nói: “Cải cách tư pháp là đúng, nhưng trong điều kiện chưa có các trung tâm giám định pháp y, nếu chuyển giám định của công an sang tỉnh thì chắc chắn gây khó khăn cho công tác điều tra”. ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng), ĐB Trần Du Lịch (TP HCM)… cũng cho rằng, giám định tư pháp là lĩnh vực khó khăn, gian khổ, lương lại thấp, vì thế giữ lại ngành công an là tốt nhất. Một số ĐBQH thẳng thắn: “Vì tính chất công việc, giám định viên là công an có thể đi làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào để phục vụ công tác điều tra, điều này sẽ khó đối với bác sĩ pháp y”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đánh giá, giám định tư pháp là công việc đặc thù, khó khăn và gian khổ và lực lượng công an đang làm rất hiệu quả. Ông nói: “Với ý kiến của các đại biểu, chắc chắn Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải xem lại. Bản thân tôi cũng đồng tình việc giữ lại lực lượng giám định pháp y của công an tỉnh”.