Rao bán thuốc kháng virus Molnupiravir trên mạng có thể phải ngồi tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện nay trên mạng xã hội có một số cá nhân rao bán thuốc kháng virus Molnupiravir - một trong những loại thuốc đang thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân F0 nhiễm Covid-19 với giá khá cao.

Gọi điện thoại đến một số nơi giao bán thuốc Molnupiravir, chúng tôi được biết, hiện có 2 loại thuốc điều trị cho F0 là Favipiravir và Molnupiravir.

Thuốc Favipiravir giá từ 4-4,5 triệu đồng/ hộp, còn Molnupiravir giá dao động từ 6,2-7 triệu đồng/hộp. Nếu đồng ý mua, bên mua sẽ chuyển tiền trước sau đó sẽ có người ship hàng.

Được biết, thuốc kháng virus Molnupiravir đang được thử nghiệm miễn phí điều trị F0 tại nhà và kiểm soát chặt chẽ, Bộ Y tế giao Sở Y tế TP. HCM quản lý và chịu trách nhiệm từ tiếp nhận, bảo quản cấp phép, theo dõi sử dụng, thu hồi và tiêu huỷ thuốc không sử dụng.

Do vậy, tại cuộc họp báo mới đây, lãnh đạo Sở Y tế TP. HCM cho biết đang phối hợp Công an Thành phố điều tra tình trạng rao bán thuốc này trên mạng.

Thuốc kháng virus Molnupiravir đang được thử nghiệm miễn phí điều trị F0 tại nhà

Thuốc kháng virus Molnupiravir đang được thử nghiệm miễn phí điều trị F0 tại nhà

Về tình trạng trên, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Điều 13 Luật Dược 2016, người bán thuốc phải đáp ứng các điều kiện như: Có văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn theo quy định phù hợp với vị trí công việc và cơ sở kinh doanh dược.

Ngoài ra, họ phải là nhân viên cơ sở tổ chức bán lẻ thuốc lưu động còn giá thuốc phải được niêm yết cụ thể tại cơ sở, tổ chức đó.

Do đó, những hành vi chào mời, bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo công dụng, giá cả không rõ ràng, chưa được cấp phép hoặc có thể là thuốc đủ điều kiện bán nhưng được cung cấp bởi người không đủ điều kiện bán lẻ thuốc là vi phạm pháp luật.

Về xử lý hành chính, theo Điểm c Khoản 6 Điều 40 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc không được phép lưu hành sẽ bị phạt tiền từ 40- 50 triệu đồng.

Ngoài ra, cơ sở vi phạm còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời hạn từ 3 tháng đến 6 tháng, buộc hoàn trả toàn bộ số tiền thu được và buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc theo quy định tại Khoản 8 điều này.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện vi bán thuốc khi chưa được cấp phép nhằm thu lợi từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả, cá nhân vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đối diện mức án cao nhất là tù chung thân.

Mặt khác, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đối tượng vi phạm còn có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng là lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội.

“Để tránh tiền mất, tật mang mỗi người dân cần thận trọng trước khi bỏ tiền ra mua thuốc được quảng cáo dùng để điều trị Covid-19 bán trôi nổi trên thị trường, kẻo tự gây hại cho chính mình và người thân” - Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.