Rạng danh văn hiến Thăng Long trong dòng chảy đương đại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Rạng danh văn hiến Thăng Long trong dòng chảy đương đại. Thăng Long - Hà Nội gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc

1. Từ cổ xưa cho đến tận bây giờ, Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vẫn luôn là vùng đất linh thiêng. Bởi lẽ, soi chiếu lại lịch sử càng thêm thấu hiểu, thấm thía và biết ơn sự tường minh của Vua Lý Công Uẩn. 1010 năm trước, quyết định dời đô về Thăng Long được thể hiện trong áng văn “Chiếu dời đô” được tụ lại “ở vào nơi trung tâm đất trời, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi… Thật là chốn hội tụ của bốn phương trời đất, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Qua chiều dài lịch sử tạo dựng, kết tinh, bảo tồn, gìn giữ và phát triển, trải qua bao biến động, thăng trầm, nhưng vị thế “trung tâm” của đất trời, tinh hoa của đất nước, là nơi tụ hội của văn hiến chưa thời khắc nào nhạt phai. Là cái “rốn” của sự kết tinh, Hà Nội cứ thế mà hấp thụ, đơm kết hình thành nên bản sắc riêng đầy hào hoa và tinh túy. Sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Khúc hoan ca hùng tráng ở mảnh đất “rồng chầu, hổ phục” được lịch sử ghi lại, muôn đời khắc cốt trong cái mạch chảy trường tồn, để Thủ đô hôm nay, nối tiếp niềm tự hào của tinh hoa là Tràng An, chung đúc của kinh đô - Thủ đô.

Nếu nói về Thăng Long, để Hà Nội 1010 năm kể lại, không thể bỏ quên “nhựa sống” văn hóa trong “cơ thể” đất nước. Âm thầm chảy, kín đáo nuôi dưỡng, dòng chảy văn hóa Thăng Long - Hà Nội cứ thế đi qua năm tháng, lặng lẽ “sơn chầu, thủy tụ” nhân kiệt muôn phương mà về. Thế mới thấy, Hà Nội “tụ nhân, tụ thủy”, suốt nghìn năm biết bao nhiêu anh tài tứ phương đã đến và làm rạng danh văn hiến Thăng Long. Chợt nhớ Nguyễn Phan Quế Mai với lời thơ mà đúng với bao người: “Tôi không được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội/ Hà Nội tự sinh ra và tự lớn trong tôi”.

Hay nhà văn Uông Triều - người cũng không sinh ở mảnh đất này nhưng phải lòng Hà Nội. Hà Nội lại “dưỡng” ông thành một phần của Hà Nội. Như để trả ơn quý, người con đất mỏ Uông Triều đằng đẵng đi tìm “chất” Hà Nội suốt cả thập kỷ. Những “Hà Nội dấu xưa phố cũ”, “Hà Nội quán xá phố phường” về Thăng Long - Hà Nội được ông “gom nhặt” tích - xưa - chuyện - cũ rất đời để sẻ chia và đọng lại với bạn đọc Báo An ninh Thủ đô qua nhiều trang viết...

Thực vậy, bản sắc văn hóa Thăng Long do bàn tay, khối óc của khắp mọi miền chung đúc nên. Cụm từ “quái kiệt Hà thành” cũng từ đó mà kết tinh, khi đến đây, cũ - mới giao hòa, sự thanh nhã, tinh tế trong nếp ứng xử, trong sự thụ hưởng văn hóa Hà Nội đã góp phần “nhân mầm” ưu tú, từ xứ Nghệ miền Trung, xứ Đông hoài cổ, đến phương Nam lẫy lừng, tinh hoa hòa ca tiếp tục được thăng hoa.

Nhắc về Hà Nội sao quên được người con đất Hưng Yên lại “vô cùng Hà Nội” - đó là cố nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc để lại cho đời một kho tàng tư liệu đồ sộ về Hà Nội. Hay nhà nghiên cứu Giang Quân - một người con đất Hải Phòng lại “rất Hà Nội” với hàng chục đầu sách về Hà Nội với tâm nguyện một đời giữ nếp văn hóa Tràng An. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì vận nước nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước hèn” cứ thế được đề cao, trọng đức, kén tài, đơm kết thành tinh hoa địa linh nhân kiệt suốt chiều dài 1010 lịch sử của Thăng Long - Hà Nội.

2. Tôi muốn kể câu chuyện về những người bạn ngoại quốc rất yêu Hà Nội mà tôi may mắn được biết. Sao lại vậy? Bởi, tôi gặp họ tại Thăng Long - Hà Nội. Vì tình yêu Hà Nội mà họ đã đến đây, ở lại. Tôi luôn hy vọng vào một buổi sáng đẹp trời, không hẹn mà vô tình bắt gặp những người bạn ấy. Bởi những lúc rảnh rỗi họ hay lang thang ở những con đường ngõ phố Hà Nội, hay thả mình tản bộ bên hồ Hoàn Kiếm, ngắm hàng cây bình lặng rủ xuống mặt nước. Những đôi vợ chồng già hạnh phúc, tay trong tay chậm rãi bên nhau tập thể dục buổi sáng hoặc thanh thản ngồi bên hồ hóng gió trời.

Đặc biệt hơn, có những người bạn ấy của tôi chỉ thích thong dong trên chiếc xe đạp ngắm phố phường, cảnh vật, con người, quán xá Hà Nội, người lại thích sưu tầm những bưu ảnh cổ về Hà Nội xưa vô cùng độc đáo và giá trị về mảnh đất 1010 năm văn hiến này… Họ chia sẻ với tôi rằng, mảnh đất này khiến lòng êm ả, bình yên. Trong trái tim những người bạn ngoại quốc ấy đã giữ trọn vẹn một tình yêu bình dị mang tên Hà Nội. Và qua những lần trò chuyện với họ khiến tôi thêm hiểu tấm lòng, nét đẹp sâu thẳm tâm hồn những “trái tim quốc tế” dù nó đang đập trên quê hương tôi.

Pierre Darriulat - một nhà khoa học lừng danh, được giới chuyên môn đánh giá là 1 trong 15 nhà vật lý xuất sắc nhất thế giới, GS.TSKH Vật lý Đại học Bách khoa Paris, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Pháp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), năm 1984 đã “chạm một tay” vào giải Nobel, Giáo sư tại nhiều trường đại học danh tiếng ở Pháp, Mỹ, Anh…

Người đàn ông này sau gần nửa thế kỷ cống hiến cho khoa học thế giới đã đến Việt Nam trong một chuyến đi mà có lẽ ông không thể ngờ điểm đến lại có một sức mạnh níu chân lớn đến vậy, để ông viết tiếp “chương cuối” của cuộc đời với những “mối tình lớn”. Ông yêu và sẵn sàng từ bỏ đam mê, làm thủ tục “về hưu” trước thời hạn, rời bỏ một trong những trung tâm khoa học nổi tiếng nhất thế giới, xa những giờ giảng được trả thù lao cao ngất trong các giảng đường đại học danh tiếng… để lấy một người phụ nữ Việt Nam và ở lại Hà Nội.

“Gia tài” ông mang theo là tài liệu, sách chuyên môn, cùng thiết bị dùng cho một phòng thí nghiệm nghiên cứu tia vũ trụ năng lượng siêu cao để tình nguyện giúp đỡ sinh viên Việt Nam, với ngành Khoa học kỹ thuật nguyên tử Việt Nam… mà không nhận bất kỳ đồng lương nào. Với ý nghĩ cần phải tiếp tục cống hiến sức mình cho xã hội, đến Việt Nam, Giáo sư Pierre đã nhờ các mối quan hệ và uy tín của mình gây dựng một phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ trị giá cả triệu USD để đồng nghiệp và các học trò Việt Nam có điều kiện nghiên cứu về vật lý thực nghiệm.

Ông bảo, không hề nuối tiếc điều kiện làm việc thuận lợi ở một Viện Hàn lâm lớn của thế giới mà chỉ đau đáu với nhiều điều chưa làm được ở Hà Nội - Việt Nam. Vâng, trái tim một người bạn Pháp như vậy đó, chẳng ai bắt ông từ bỏ sự nghiệp, đỉnh cao của danh vọng, học hàm về Việt Nam, sống một cuộc sống thầm lặng ở Thủ đô Hà Nội. Ông tự nguyện yêu Hà Nội, yêu người phụ nữ Việt Nam ấy, tự nguyện yêu Tổ quốc của vợ và muốn tận hiến cho nó.

Có một người bạn Pháp của tôi nói về Hà Nội say đắm đến mức hai tiếng “Hà Nội” như một lẽ sống của đời ông. Ông nguyên là Phó Thị trưởng thành phố Bourg-la-Reine, Chủ tịch Liên đoàn Di sản quốc gia Pháp, Philippe Chaplain là tên ông. Tôi tin, nếu ai có cơ hội được trò chuyện với ông cũng phải thốt lên câu hỏi: “Sao ông yêu Hà Nội đến thế?”.

Philippe Chaplain biết đến đất nước tôi qua cuốn sách ảnh về Việt Nam của Jean-Claude Labbé - một phóng viên nổi tiếng ở cùng thành phố Bourg-la-Reine với ông. Chính những bức ảnh về đất nước hình chữ S xinh đẹp, óng ánh sắc màu của Jean-Claude Labbé đã đánh dấu một “vết hằn” kỷ niệm vào tiềm thức, nó thôi thúc ông phải đến Việt Nam. Nhưng phải đến 2 năm sau cái ngày đầu tiên đến Hà Nội, tình yêu của Philippe Chaplain mới được nhen lên và thổi bùng… Trong một lần mua sách, báo tại một quầy ven bờ sông Seine, ông tình cờ nhìn thấy và vô cùng thích thú một tấm bưu thiếp cũ về làng giấy ở Hà Nội cách đây gần 100 năm.

Ông đã mua tấm bưu thiếp đó với giá khá đắt 30 Euro mà không một chút đắn đo và bảo, nó thôi thúc tâm can ông phải tìm hiểu về lịch sử Hà Nội. Vậy là Hà Nội - Paris, “trái tim” của Việt Nam và nước Pháp là hai điểm đi - về, nơi ông muốn đóng góp một phần công sức vào việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị di sản ở Thủ đô của tôi. Ông đều đặn tham gia các cuộc thi quốc tế tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội; về dấu ấn lịch sử, văn hóa thành Cổ Loa; dấu ấn phố cổ Hà Nội; về các công trình lịch sử và di sản văn hóa của Hà Nội.

Ông đã sưu tầm được những tấm thiệp, bưu ảnh cổ về Hà Nội để mở các cuộc triển lãm ảnh tại cả đầu cầu Hà Nội và Paris để giúp người Hà Nội lẫn người Pháp hiểu hơn về một Hà Nội xưa, trân trọng quá khứ, từ đó có cách ứng xử đúng với hiện tại và cùng nhau hướng đến tương lai. Ngoài ra, ông còn trao tặng Bảo tàng Hà Nội nhiều hiện vật quý hiếm về Hà Nội và xây dựng website giới thiệu về lịch sử Hà Nội qua ảnh bằng 3 thứ tiếng Việt - Pháp - Anh với mong muốn đây sẽ là điểm hẹn của tình hữu nghị Việt - Pháp, và dành cho tất cả bạn bè trên toàn thế giới yêu mến Hà Nội - Việt Nam.

Didier Corlou chẳng hạn, người bạn Pháp mê ẩm thực Hà Nội, muốn gắn bó với mảnh đất này để khám phá, sáng tạo các món ngon Hà Nội. Ông đã viết nhiều cuốn sách về ẩm thực Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng giới thiệu với nước Pháp, với bạn bè trên khắp năm châu về những tinh hoa ẩm thực Hà Nội - Việt Nam. Hay nhà báo, nhà văn người Pháp Olivier Page, gần 20 năm với đầy đủ trải nghiệm về Việt Nam, ông đã biến tình yêu với đất nước tôi thành những việc làm thiết thực như biên soạn cuốn Guide du Routard kể về những khảo sát thực địa, những khám phá về mọi miền đất nước Việt Nam đầy lý thú; đến cuốn bút ký của mình về những chuyến đi của bản thân tới Việt Nam…

Còn rất nhiều người bạn quốc tế đã đến rồi ở lại, hay đã quay về, hoặc sẽ đến trong tương lai gần để viết tiếp một - nghìn - không - trăm - lẻ - một câu chuyện tình yêu của họ dành cho đất nước, quê hương Việt Nam, hay Hà Nội của tôi như một biểu tượng cho tình bạn, tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Có lẽ, Việt Nam, hay Thăng Long - Hà Nội có sức hút đầy mãnh liệt theo cách riêng nó vốn có - nơi hội tụ và tỏa sáng.

3. Vậy là từ mùa Thu năm Canh Tuất (1010), đến mùa Thu Canh Tý (2020), Thăng Long - Hà Nội đã tròn 1010 năm tuổi. Hà Nội thời khắc này đã khác rất nhiều. Lịch sử trường tồn. Hiện tại thành tựu và tự hào. Tương lai kỳ vọng và phát triển. Và trong suốt chiều dài của 1010 năm đó, Thủ đô ta là Thăng Long lắng hồn sông núi; là Hà Nội Anh hùng - Thành phố vì hòa bình - Thủ đô sáng tạo - Trái tim của cả nước - xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế; là niềm tự hào lớn lao cho mỗi người con đất Việt, là tình yêu của bạn bè quốc tế sinh sống và làm việc ở mảnh đất lịch sử này.

Hà Nội hôm nay rộng hơn, vươn cao hơn, vẫn là nơi tài hoa tụ hội, tiếp tục hội tụ và tỏa sáng, dòng chảy văn hóa Thăng Long vẫn lặng lẽ kết tinh. Hà Nội vẫn đứng ở vị trí trang trọng, trung tâm, đầu não trong mạch nguồn nghìn năm Thăng Long. Hơn bao giờ hết, ở thời khắc linh thiêng này, hơn bao giờ hết, Hà Nội mang một khát vọng “Rồng bay” từ nền tảng văn hiến nghìn đời, quyết tâm xây dựng tâm thế, dáng vóc mới của một Thủ đô giàu đẹp, văn minh, ngang tầm khu vực. Hay như mong ước của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “Hà Nội tự định vị là trung tâm của Đông Nam Á và Đông Á”.

Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển năng động và hiện đại từ các công trình, quy mô dân số, diện tích, đến những sắc thái đô thị, là biểu tượng cho cả nước, đóng vai trò trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, trung tâm lớn của quốc gia về văn hóa - kinh tế - khoa học - giáo dục, một trung tâm du lịch và giao thương quốc tế có tầm vóc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thủ đô Hà Nội sẽ là nơi có môi trường sống bền vững nhất, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi. Những ngày này, Hà Nội hân hoan kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và đón chào Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII. Với tôi, có một Thăng Long - Hà Nội 1010 năm tuổi hiện hữu ngay trong một phần đời tôi đang được sống, rạng rỡ và hào hoa, khiêm nhường và kiêu hãnh như cốt cách của dân tộc Việt vậy!